Từ sớm tinh mơ, mẹ tôi đi chợ Hàng Bè sắm đủ rượu nếp hoa quả cúng Tết trên ban thờ gác hai rồi vội vàng xuống nhà dọn hàng sửa chữa xe đạp xích lô, xe thồ. Lắm thứ đồ lỉnh kỉnh lắm.
Năm ấy, 9 chị em gái trong nhà đều đã đi lấy chồng ra ở riêng hết, ở nhà chỉ còn dì Út và cậu Út còn nhỏ. Đến non trưa, chị em tôi lần lượt lục tục kéo về. Trước là để thắp hương gia tiên dịp Tết Đoan Ngọ, sau là để thăm bà ngoại của dì Hai tôi. (Bố tôi có mẹ tôi và dì Hai). Lúc bấy giờ bà đã ngoài tuổi 80, ốm mệt lâu ngày. Cuối cùng là để được nếm mấy thìa rượu nếp Phú Thượng mẹ quen đặt trên phố cổ với hương vị tuyệt thơm ngon.
Còn phải hỏi mấy chị em từ Tết Mùng ba tháng Ba hôm ấy mới gặp nhau đông đủ thì chuyện nổ ran ran như thế nào. Chuyện chồng, chuyện con, chuyện tiền nong, chợ búa, học hành. Âu rượu nếp hạ xuống từ ban thờ chả kịp chia ra các bát nhỏ, cứ mỗi người một thìa xúc như chèo thuyền. Veo một cái đã không còn một hạt.
Chợt nghe mẹ tôi gọi vóng từ dưới nhà lên: Để phần bà Thanh ít rượu nếp nhé. Sáng nay lúc bố mẹ và hai em ăn thì bà vẫn chưa dậy.
- Ố, sao mẹ chả bảo sớm. Chúng con ăn hết mất rồi.
- Ừ, ăn hết rồi thì thôi. Đứa nào chạy ra chợ Hàng Bè mua thêm cho bà một bát con nữa đi.
- Thôi, bà già yếu rồi, ăn sữa ăn cháo chứ ăn gì rượu nếp. Nhỡ bà đau bụng, tháo dạ lại khổ thêm mẹ ạ.
Nói rồi, chị em tôi lại tiếp tục chuyện trò. Rôm rả còn hơn trước. Chuyển sang đề tài áo quần, đầu tóc. Chiếc quạt trần Eon cổ lỗ quay lừ đừ, kêu òng ọc, òng ọc, gió nóng như hầm hập thêm cũng chả có tý lý nghĩa gì để phá đám nổi. Gần đến giờ cơm trưa, vẫn chuyện. Không dứt được. Sực nhớ đến lúc đi đun canh, dọn cơm thì đã quá 11 giờ trưa.
Lúc chị Hai bưng bát cháo vào buồng cho bà ăn thì tôi xuống bếp bắc nồi canh. Chợt bắt gặp mẹ tôi đầu vừa kịp tháo nón, trán ướt rịn mồ hôi, tay cầm bát rượu nếp be bé đậy cái khăn vải màn mỏng te tái mở cổng sau bước vào sân nhà: Ấy, đã rửa mặt cho bà chưa? Đừng cho bà ăn cháo vội nhé. Để mẹ bón cho bà vài thìa rượu nếp giết sâu bọ đã.
- Trời, thì ra mẹ lại tự ra chợ sao? Trời nắng thế này!
- Đi có mấy bước mà. Cho chị em chúng mày nói chuyện thỏa thuê đi. Mẹ mua vội cho bà kịp ăn trước giờ Ngọ chứ.
Khỏi nói chị em tôi ân hận biết chừng nào. Ôi mẹ tôi. Sao người có thể coi trọng tập tục cũ đến như vậy chứ? Thời đại nào rồi mà vẫn còn như vậy?
Bây giờ, cứ mỗi khi đến dịp Tết Đoan ngọ, tôi lại bồi hồi nhớ cha mẹ, nhớ dì, nhớ hai bà ngoại yêu dấu, nhớ bài học bát rượu nếp non trưa mẹ đã dạy cho chị em chúng tôi một cách lặng êm, thấm thía như thế nào. Bát rượu nếp đâu chỉ là bát rượu nếp.
Một năm đâu chỉ có những ngày lễ tết là mới có dịp vui vầy, gặp gỡ tình thân…