Hình ảnh được chia sẻ rộng rãi trên mạng xã hội, bao gồm cả từ tài khoản của cựu tổng thống Ukraine, được cho biết là "Bóng ma của Kyiv", một phi công chiến đấu xuất sắc đã bắn rơi 6 máy bay Nga trong 30 giờ.
Vào ngày 27/2, tài khoản chính thức của Chính phủ Ukraine đăng một video hào nhoáng trên Twitter về "bóng ma". Với nhạc nền da diết, đoạn clip được biên tập chặt chẽ có mục đích hiển thị những cảnh quay về phi công ẩn danh khi anh ta bắn rơi sáu máy bay quân sự của Nga. Đoạn clip tuyên bố phi công đã làm như vậy trong 30 giờ đầu tiên của cuộc tấn công.
Mặc dù đoạn video thừa nhận ngắn gọn về việc khai thác hình ảnh bóng ma chưa được xác thực danh tính, nhưng thông điệp vẫn rõ ràng. Clip kết thúc bằng: “Người Ukraine biết ơn vị anh hùng với những viên bi đồng, 'bữa sáng' của anh ta là những chiếc máy bay Nga. Thần tốc, một cuộc đi săn vui vẻ ”.
Ngay sau đó, Bộ Quốc phòng Ukraine đã vào cuộc, ca ngợi vị anh hùng trên chiếc MiG-29 này.
Trong suốt cuối tuần, video này và các cảnh quay rõ ràng hơn về "Bóng ma" đã thu về hàng triệu lượt xem và hàng trăm nghìn lượt chia sẻ. Nhưng liệu "Bóng ma" này có tồn tại? Và, ngay cả khi anh ta là người bằng xương bằng thịt, thì những kỳ tích anh hùng của anh ta có thật không?
Sự thật về những hình ảnh được lan truyền về "Bóng ma của Kyiv" là gì?
Hình ảnh mà Poroshenko chia sẻ dường như được lấy từ một bài báo năm 2019 về việc các phi công Ukraine đang thử nghiệm mũ bảo hiểm mới trong khi một trong những video được chia sẻ rộng rãi nhất về"bóng ma" đến từ một trò chơi mô phỏng bay phổ biến.
Vào năm 2013, một vài tháng trước khi Nga chiếm lấy bán đảo Crimea (Krym), Lewis Bush đã tạo một loạt ảnh về cuộc xâm lược hư cấu của người Nga vào một quốc gia Đông Âu. Tất cả hình ảnh được lấy từ một trò chơi điện tử. Dự án nhằm mục đích khám phá cách thức hoạt động của tin tức giả mạo. Khi anh đưa dự án cho một đồng nghiệp - một nhiếp ảnh gia có kinh nghiệm về các cuộc xung đột - anh ấy nghĩ đó là những bức ảnh thật, được chụp trong vùng chiến sự. "Tôi đã phải gác lại dự án, bởi tôi cảm thấy sẽ khá vô trách nhiệm khi phê bình thông tin sai lệch trong khi (dự án của bản thân) có khả năng sẽ góp phần (vào việc đưa tin sai lệch)".
Đó là một bài học quan trọng. Không phải tất cả các ví dụ về thông tin sai lệch đều là tác phẩm của những kẻ xấu hoặc được tạo ra trong trang đưa tin troll (chơi khăm) một cách hài hước. Thông thường, mọi người chỉ đơn giản là tìm kiếm một câu chuyện hấp dẫn và muốn chia sẻ câu chuyện đó với những người theo dõi của mình.
Tuy nhiên, việc lan truyền các bức ảnh đính kèm thông tin sai lệch và những câu chuyện giả mạo khiến việc tìm kiếm, chia sẻ các bức ảnh hay video sự kiện quan trọng và có thể kiểm chứng được sẽ gặp nhiều khó khăn. Ngay cả trong thời gian bình thường, mạng xã hội cũng đã liên tục tràn ngập những câu chuyện giả và hình ảnh bóp méo sự thật. Tuy nhiên, trong một cuộc xung đột như ở Ukraine, cả số lượng và hệ lụy của thông tin sai lệch đều tăng lên ồ ạt.
Điều đó đặt ra cho công chúng tiếp nhận thông tin một thách thức lớn. Nhưng ít nhất, chúng ta có thể cố gắng kiểm tra xem những hình ảnh mình sắp chia sẻ có trung thực hay không. Bất cứ điều gì khác đều gây bất lợi cho người dân Ukraine.
Dưới đây là bảy cách Lewis Bush đưa ra để giúp xác minh những gì bạn đang xem:
1. Thông tin đó có vẻ quá hoàn hảo với những gì mà bạn tin tưởng
Thành kiến là xu hướng của con người khi luôn tìm kiếm những thứ hỗ trợ những gì chúng ta tin tưởng. Nhưng thành kiến cũng là kẻ thù của tin tức thật sự, đặc biệt là tin trên mạng, và đặc biệt hơn nữa là trong một cuộc xung đột.
Những câu chuyện như "Bóng ma của Kyiv" luôn hấp dẫn, vì đó là điều mà nhiều người trong chúng ta muốn tin: Những người con Ukraine anh dũng chiến đấu chống lại đám đông kẻ thù. Mong muốn tin tưởng đó khiến chúng ta có thể lập tức lan truyền tin tức đọc được mà không buồn đặt câu hỏi kiểm chứng. Tất nhiên, "Bóng ma của Kyiv" có thể tồn tại, nhưng những bức ảnh và video phân tích sai lệch được lan truyền lại là một câu chuyện khác.
Hãy lưu ý nếu nội dung bạn đang đọc liên kết tuyệt đối chặt chẽ với niềm tin của chính bạn, vì trên thực tế, tin tức đó có thể được sinh ra "đo ni đóng giày" cho chính bạn và nhắm vào bạn.
2. Tin tưởng vào bản năng của bạn và xem xét kỹ hơn nếu nghi ngờ
Tập trung vào các yếu tố xa chủ thể chính của bức ảnh. Hãy tự hỏi bản thân xem có điều gì ở hậu cảnh hoặc ở các cạnh của khung hình mâu thuẫn với những gì mà ảnh hoặc video hiển thị hay không. Thông thường, những chi tiết nhỏ tiết lộ rằng một tài liệu có vẻ trung thực thực ra là "đồ giả".
Trong những video "Bóng ma của Kyiv" được chia sẻ, có thể đặt câu hỏi về một số chi tiết nhất định như liệu loại máy bay xuất hiện trong clip có thực sự được một trong hai bên vận hành không. Hoặc hãy quan sát những tán cây, liệu các nhánh của loại cây đó có thực sự phát triển theo kiểu như vậy ở ngoài đời, hoặc ở khu vực địa lý đó hay không. Việc kiểm tra một cách thận trọng những chi tiết như thế này sẽ giúp chúng ta nhận ra đó có phải một bức ảnh giả hay không.
Hóa ra, đoạn video trên được sản xuất trong DCS, một trò chơi mô phỏng máy bay phổ biến, và ban đầu được đăng lên YouTube, trước khi được chỉnh sửa và lưu hành trực tuyến dưới dạng cảnh quay chân thực. Cảnh quay cố tình được lồng ghép sai lệch và trở thành tin tức giả được lan truyền phổ biến.
3. Thực hiện tìm kiếm hình ảnh đó trên mạng
Thực hiện tìm kiếm chính hình ảnh đó thông qua chức năng tìm kiếm hình ảnh của Google hoặc với công cụ tìm kiếm của Nga Yandex. Các plugin cho các trình duyệt như Firefox cũng có sẵn có thể hỗ trợ việc này bằng cách nhấp chuột phải vào một bức ảnh.
Khi bạn thực hiện tìm kiếm, bạn đang cố gắng tìm hiểu xem hình ảnh này có được sử dụng trong các ngữ cảnh khác hay không. Nếu hình ảnh đã được sử dụng ở nơi khác, nó đã được sử dụng như thế nào?
Không có gì lạ khi tìm thấy "hình ảnh chiến tranh" thực sự được lấy ra từ các trang web trò chơi hoặc phim hành động hoặc hóa ra được chụp trong một cuộc xung đột hoàn toàn khác.
Trong trường hợp của "Bóng ma của Kyiv", ít nhất ba trong số các bức ảnh lan truyền trên mạng, bao gồm cả bức ảnh ban đầu được đăng bởi Poroshenko — dường như đến từ một bài báo năm 2019 về việc các phi công Ukraine thử nghiệm mũ bảo hiểm mới.
Mặc dù điều đó không loại trừ khả năng rằng chính phi công đã thử nghiệm những chiếc mũ bảo hiểm đó chính là "Bóng ma của Kyiv", nhưng điều này có vẻ khó xảy ra. Kiểu chia sẻ hình ảnh "nhập nhằng" này thường là dấu hiệu của thông tin sai lệch.
4. Tìm kiếm các dấu hiệu của sự điều biến quang học
Có điều gì trong bức ảnh cho thấy nó có thể đã bị can thiệp bằng cách sử dụng phần mềm chỉnh sửa hình ảnh không?
Cùng với đoạn phim "Bóng ma của Kyiv" đang bay, một bức ảnh của một người đàn ông trẻ tuổi trong tình trạng mệt mỏi sau khi tham chiến cũng bắt đầu được lan truyền. Người đàn ông này, được cho là danh tính thực sự của "bóng ma" nổi tiếng trên bầu trời Kyiv. Khi kiểm tra kỹ bức ảnh, có thể thấy những đường răng cưa bất thường xung quanh rìa cổ của nhân vật chính, cho thấy đầu của người này đã được cắt ra từ một bức ảnh khác và được phủ lên bằng phần mềm hậu kỳ.
Thực hiện việc tìm kiếm hình ảnh kiểm chứng trên mạng, kết quả cho thấy hình ảnh của một người đàn ông lớn tuổi khác trông giống như người đàn ông trong hình ảnh danh tính của "bóng ma". Gương mặt đó là của luật sư người Argentina có tên Pablo Abdon Torres. Torres rõ ràng nhận thức được việc sử dụng sai hình ảnh của mình; ông thậm chí còn đặt tên cho tài khoản Twitter của mình là “El Fantasma de Kiev” (Bóng ma của Kiev/Kyiv).
Nền của bức ảnh chân dung của "Bóng ma Kyiv" cũng có thể truy tìm được. Đó là từ một bức ảnh của một người lính Ukraine đã qua đời, Vitaliy Skakun Volodymyrovych, người được cho là đã chết khi thổi bay một cây cầu để ngăn chặn bước tiến của Nga.
Bức chân dung của một người đàn ông được cho là danh tính thực sự của "Bóng ma của Kyiv", nhưng thực ra đã được lấy ra từ kho ảnh của một luật sư người Argentina, các hình ảnh đã được xử lý chỉnh sửa chồng lên nhau. |
5. Tìm kiếm các tên hoặc thuật ngữ chính trong văn bản đi kèm của hình ảnh.
Tìm kiếm trên Google và đặt dấu ngoặc kép xung quanh cụm từ tìm kiếm của bạn — ví dụ: “họ và tên”. Trong ví dụ về "Bóng ma của Kyiv", "Vladmir Abdonov" thường được trích dẫn trên mạng là tên thật của phi công được đề cập. Tìm kiếm tên này, và tất cả thông tin hiển thị đều liên quan đến truyền thuyết về Bóng ma Ukraine và không có kết quả nào cũ hơn để kiểm chứng về cuộc đời của anh. Mặc dù có thể phi công này không sử dụng mạng xã hội, nhưng điều này cũng có vẻ khó xảy ra.
Có một lưu ý quan trọng cần xem xét trong bất kỳ cuộc xung đột nào — ngôn ngữ. Trong trường hợp này, Ukraine có vô số ngôn ngữ nói và phần lớn sử dụng hai bảng chữ cái - Kirin và Latinh. Điều đó dẫn đến các cách viết tên khác nhau trong tiếng Nga và tiếng Ukraine. Google dịch có thể là một công cụ hữu ích ở đây, đặc biệt là vì nó có thể dịch toàn bộ trang web. Hãy tìm kiếm theo mọi loại ngôn ngữ có thể liên quan.
6. Cảnh giác với hình ảnh và video chất lượng thấp.
Công chúng có xu hướng dễ dàng tin những tư liệu ảnh chất lượng thấp hơn (đặc biệt khi chúng liên quan đến một vụ xung đột). Trên thực tế, nội dung kém chất lượng khiến việc đánh giá những gì bạn đang xem sẽ khó hơn.
Loạt hình ảnh Lewish Bush thực hiện để mô tả cuộc xâm lược giả tưởng của người Nga vào một quốc gia Đông Âu đều được tạo ra trong một trò chơi điện tử. Nhưng chúng có thể đánh lừa tất cả những ai nhìn thấy.
Hình ảnh về một cuộc xung đột do Nga phát động thực chất được lấy từ một trò chơi điện tử. Ảnh: Lewis Bush. |
7. Theo dõi và hỗ trợ công việc của các tổ chức thực tế
Các tổ chức đáng tin cậy đang tích cực làm việc để gỡ bỏ thông tin sai lệch trên không gian mạng. Họ không chỉ cung cấp một dịch vụ công quan trọng mà chúng ta có thể học được rất nhiều điều từ những giải thích của họ về cách họ đưa ra những ví dụ cụ thể. Hãy theo dõi và hỗ trợ các tổ chức này để đảm bảo sự hiểu biết trung thực và chính xác về cuộc xung đột Ukraine đang diễn ra hiện tại.
Lewis Bush là một nhiếp ảnh gia, nhà nghiên cứu và học thuật. Ông là trưởng nhóm MA Photojournalism and Documentary Photography (Báo ảnh và Nhiếp ảnh Tư liệu) tại London College of Communication, University of the Arts (Trường Truyền thông, Đại học Nghệ thuật) ở London, và là nghiên cứu sinh ngành Truyền thông tại London School of Economics (Trường Kinh tế London), nơi ông đang nghiên cứu về tác động của trí tuệ nhân tạo trên báo ảnh. Ông từng điều hành các hội thảo trực tuyến về các chủ đề bao gồm nghiên cứu và xác minh trực tuyến.