Tại phiên bế mạc, có 469 đại biểu Quốc hội có mặt tham gia biểu quyết tán thành (bằng 93,99% tổng số đại biểu Quốc hội), như vậy 100% đại biểu Quốc hội có mặt, tham gia biểu quyết đã nhất trí thông qua Nghị quyết kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa XV.
Tham dự Phiên bế mạc có: Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng; nguyên Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh; Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc; Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính; Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ; nguyên Chủ tịch Quốc hội: Nguyễn Văn An, Nguyễn Sinh Hùng, Nguyễn Thị Kim Ngân; Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Đỗ Văn Chiến và các đồng chí lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam...
Bổ sung những biện pháp cấp bách phòng, chống dịch COVID-19
Phát biểu bế mạc, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho biết, sau 9 ngày làm việc liên tục, khẩn trương, nghiêm túc, dân chủ, đoàn kết, trí tuệ và trách nhiệm, kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa XV đã hoàn thành toàn bộ chương trình đề ra và thành công tốt đẹp. Kỳ họp vinh dự được đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đến dự và có bài phát biểu chỉ đạo quan trọng tại phiên khai mạc.Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các vị đại biểu Quốc hội trân trọng cảm ơn những tình cảm sâu sắc, sự quan tâm, lãnh đạo, chỉ đạo sát sao của đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, các đồng chí lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các bậc lão thành cách mạng, các vị khách quý; sự ủng hộ, tin tưởng, đồng lòng của đồng bào, chiến sỹ, cử tri cả nước đã dành cho Quốc hội và kỳ họp đầu tiên của Quốc hội khóa XV.Kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa XV là kỳ họp có nhiều nội dung quan trọng, diễn ra trong hoàn cảnh đại dịch COVID-19 diễn biến rất phức tạp, bùng phát mạnh tại Thành phố Hồ Chí Minh và một số tỉnh phía Nam và có nguy cơ lan rộng. Các cơ quan chức năng, lực lượng tuyến đầu và cả hệ thống chính trị đang căng mình tập trung thực hiện các biện pháp quyết liệt phòng, chống dịch để bảo vệ tốt nhất sức khỏe, tính mạng, đời sống của nhân dân. Trước tình hình đó, Quốc hội đã thống nhất cao quyết nghị rút ngắn thời gian kỳ họp 8 ngày so với dự kiến; đồng thời trên cơ sở chỉ đạo của đồng chí Tổng Bí thư và của Bộ Chính trị, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã đề xuất và phối hợp chặt chẽ với Chính phủ trình Quốc hội điều chỉnh chương trình, thảo luận và bổ sung vào Nghị quyết chung của kỳ họp những biện pháp cấp bách chỉ áp dụng cho công tác phòng, chống dịch COVID-19 và chỉ giới hạn trong một thời gian nhất định nhằm tạo cơ sởpháp lý, tăng tính chủ động cho Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và các địa phương, kịp thời đáp ứng công tác lãnh đạo, chỉ đạo phòng, chống dịch, kể cả khi tình huống dịch bệnh phức tạp hơn có thể phát sinh trong thời gian tới. Điều đó cho thấy, Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các vị đại biểu Quốc hội, Chính phủ đã lắng nghe hơi thở của cuộc sống, bám sát yêu cầu thực tiễn, hành động nhanh nhạy, kịp thời, cùng chia sẻ, sát cánh, đồng hành với cả hệ thống chính trị và các cơ quan hữu quan vì mục tiêu trước hết và trên hết là chăm sóc và bảo vệ sức khỏe của nhân dân.
Bầu, phê chuẩn nhân sự cấp cao của bộ máy nhà nước
Chủ tịch Quốc hội cho biết tại kỳ họp này, Quốc hội đã nghe báo cáo của Hội đồng bầu cử quốc gia tổng kết cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026; kết quả xác nhận tư cách đại biểu Quốc hội khóa XV trúng cử; báo cáo của Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam về tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri cả nước gửi đến Kỳ họp thứ nhất Quốc hội khóa XV.Quốc hội đã hoàn thành nhiệm vụ hệ trọng là xem xét, quyết định cơ cấu tổ chức và bầu, phê chuẩn nhân sự cấp cao của bộ máy nhà nước, bảo đảm tiêu chuẩn, điều kiện, đúng quy trình, thủ tục theo quy định của Đảng và pháp luật của Nhà nước.Với sự thống nhất và tín nhiệm rất cao, Quốc hội đã bầu Chủ tịch nước, Chủ tịch Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ, Phó Chủ tịch nước, các Phó Chủ tịch Quốc hội, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc, Chủ nhiệm các Ủy ban của Quốc hội, Tổng Kiểm toán Nhà nước; phê chuẩn việc bổ nhiệm các Phó Thủ tướng Chính phủ, các Bộ trưởng và các thành viên khác của Chính phủ, thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao; phê chuẩn danh sách Phó Chủ tịch, các ủy viên Hội đồng quốc phòng và an ninh.
Quyết định tổng thể các kế hoạch, chương trình trung hạn 5 năm
Quốc hội đã xem xét, thông qua Nghị quyết về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2022, điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2021.
Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh: "Trên cơ sở đánh giá, rút kinh nghiệm sâu sắc việc triển khai thực hiện các chương trình xây dựng luật, pháp lệnh trong nhiệm kỳ khóa XIV, Quốc hội yêu cầu các cơ quan tổ chức, cá nhân có thẩm quyền phải chủ động, đề cao trách nhiệm hơn nữa trong việc chuẩn bị các dự thảo, dự án, báo cáo trình Quốc hội đảm bảo chất lượng, tiến độ; đặc biệt, cần tăng cường kỷ luật, kỷ cương, tuân thủ nghiêm quy trình lập pháp ngay từ những ngày đầu của nhiệm kỳ, xác định trách nhiệm của từng tổ chức, cá nhân đối với chất lượng từng dự án luật sẽ được trình Quốc hội xem xét, thông qua".
Quốc hội đã thảo luận, thông qua Nghị quyết về Chương trình giám sát của Quốc hội năm 2022, Nghị quyết thành lập Đoàn giám sát chuyên đề "Việc thực hiện chính sách, pháp luật về công tác quy hoạch kể từ khi Luật Quy hoạch có hiệu lực thi hành" và "Việc thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí giai đoạn 2016-2021".
Chủ tịch Quốc hội đề nghị các cơ quan của Quốc hội, các Đoàn đại biểu Quốc hội, các vị đại biểu Quốc hội, căn cứ các Nghị quyết nêu trên để chủ động xây dựng, phối hợp với Hội đồng nhân dân và các cơ quan hữu quan triển khai thực hiện chương trình hoạt động giám sát của mình, chú trọng tính hiệu quả, đề xuất những kiến nghị, giải pháp thiết thực, tạo cho được những chuyển biến rõ rệt, tích cực trong lĩnh vực giám sát tối cao của Quốc hội.
Tại kỳ họp đầu tiên của nhiệm kỳ mới, Quốc hội đã dành nhiều thời gian xem xét, quyết định hệ thống các kế hoạch giai đoạn 5 năm 2021-2025: Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội; Kế hoạch tài chính quốc gia, vay, trả nợ công; Kế hoạch đầu tư công trung hạn; đồng thời, xem xét, quyết định chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới và Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025.
Theo Chủ tịch Quốc hội, việc xem xét, quyết định tổng thể các kế hoạch, chương trình trung hạn 5 năm ngay trong kỳ họp đầu tiên của nhiệm kỳ là nỗ lực rất lớn của Quốc hội, Chính phủ, các cơ quan hữu quan; có ý nghĩa quan trọng đối với sự phát triển của đất nước, tạo điều kiện để Chính phủ, các cơ quan, các ngành, các cấp, các địa phương sớm chủ động triển khai thực hiện các Nghị quyết của Quốc hội và Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII.
Quốc hội đã thảo luận, đánh giá kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước 6 tháng đầu năm và các giải pháp trong 6 tháng cuối năm 2021; công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2020.
Quốc hội khẳng định, năm 2021 là năm đầu tiên thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII, năm chuyển giao giữa hai nhiệm kỳ, các ngành, các cấp đã nêu cao tinh thần trách nhiệm, tập trung cao độ, phối hợp đồng bộ và chặt chẽ, thực hiện tốt các nhiệm vụ, quyền hạn theo quy định của pháp luật, đảm bảo sự thông suốt, liên tục của bộ máy nhà nước.
Quốc hội biểu dương nỗ lực của Chính phủ và các địa phương trong cả nước trong công tác chỉ đạo, điều hành thực hiện mục tiêu kép: Vừa phòng, chống dịch bệnh COVID-19, đồng thời phát triển kinh tế, duy trì tăng trưởng, chăm lo đời sống, bảo vệ sức khoẻ nhân dân. Tình hình dịch bệnh cơ bản vẫn đang trong tầm kiểm soát; kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát thấp, an sinh xã hội được đảm bảo; quốc phòng, an ninh được giữ vững; quan hệ đối ngoại tiếp tục được tăng cường; các ngày lễ lớn, các sự kiện chính trị quan trọng của đất nước diễn ra an toàn, thành công rất tốt đẹp, đặc biệt là Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng và cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV, đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026.
Quốc hội cũng thẳng thắn chỉ ra những mặt còn hạn chế, yếu kém trong các ngành, lĩnh vực; phân tích, dự báo những thuận lợi cùng với những nguy cơ, thách thức nước ta phải đối mặt trong thời gian tới và xác định các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm trong 6 tháng cuối năm để Chính phủ tổ chức triển khai thực hiện.
Chủ tịch Quốc hội nêu rõ, trước mắt, cần kiên trì thực hiện mục tiêu kép với nhiệm vụ ưu tiên hàng đầu là tập trung cao nhất mọi nguồn lực cho công tác phòng, chống dịch bệnh; duy trì hoạt động sản xuất, kinh doanh, đẩy nhanh tiến độ giải ngân đầu tư công, sử dụng hiệu quả, linh hoạt chính sách tài khóa, chính sách tiền tệ; giữ ổn định kinh tế vĩ mô, đẩy mạnh 3 đột phá chiến lược, khơi dậy mọi tiềm năng, nguồn lực, tạo động lực cho sự phát triển nhanh, bền vững của đất nước… nhằm thực hiện thắng lợi kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2021 cũng như Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng.
Trên cơ sở xem xét kỹ lưỡng, cân nhắc thận trọng, Quốc hội đã phê chuẩn quyết toán ngân sách nhà nước năm 2019; yêu cầu Chính phủ tăng cường chỉ đạo, có giải pháp quyết liệt để siết chặt kỷ luật, kỷ cương tài chính, đẩy mạnh thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, quyết liệt đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, xử lý trách nhiệm các tổ chức, cá nhân sai phạm trong quản lý, sử dụng ngân sách nhà nước, đầu tư công, tài sản công và tiếp tục hoàn thiện cơ chế, chính sách theo kiến nghị của Kiểm toán Nhà nước và Nghị quyết của Quốc hội.
Quốc hội yêu cầu ngay sau kỳ họp, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các cơ quan trong bộ máy nhà nước khẩn trương củng cố, kiện toàn tổ chức và đội ngũ cán bộ, xây dựng kế hoạch, chương trình hành động thực hiện tốt các Nghị quyết của Quốc hội; tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động, đẩy mạnh phân cấp, phân quyền hợp lý, đi đôi với tăng cường giám sát, kiểm tra, gắn với trách nhiệm giải trình của tổ chức, cá nhân, nhất là người đứng đầu.