Bị đại diện Viện kiểm sát “truy” về trách nhiệm người đứng đầu PVN khi góp vốn vào OceanBank gây thất thoát 800 tỉ đồng vốn nhà nước, bị cáo Đinh La Thăng vẫn một mực cho rằng mình làm đúng, các quyết định chuyển tiền mua cổ phần đã được Thủ tướng thời điểm đó đồng ý và việc đầu tư này có hiệu quả!
Ngày 20.3, phiên sơ thẩm vụ án “cố ý làm trái quy định của nhà nước và quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng”, xảy ra tại Tập đoàn dầu khí quốc gia VN (PVN) và Ngân hàng thương mại cổ phần Đại Dương (OceanBank), được TAND TP.Hà Nội tiếp tục với phần xét hỏi các bị cáo.
Cáo trạng nêu rõ, nguyên Chủ tịch Hội đồng thành viên (HĐTV) PVN Đinh La Thăng, nguyên kế toán trưởng PVN Ninh Văn Quỳnh, nguyên Phó tổng giám đốc Nguyễn Xuân Sơn… đã có hành vi làm trái quy định, lạm dụng chức vụ gây thiệt hại PVN 800 tỉ đồng. Trong đó, dù Thủ tướng chưa cho phép nhưng ngày 1.10.2008, bị cáo Đinh La Thăng đã ký Nghị quyết 7289 góp 400 tỉ đồng để PVN nắm giữ 20% vốn điều lệ OceanBank. Đến ngày 17.10.2008 Văn phòng Chính phủ mới có văn bản thông báo ý kiến Thủ tướng đồng ý về chủ trương cho góp vốn.
“Đã được Thủ tướng đồng ý bằng văn bản”
Đại diện Viện kiểm soát (VKS) hỏi bị cáo Đinh La Thăng khi làm Chủ tịch HĐTV PVN ký Nghị quyết 7289 góp vốn vào PVN có xin ý kiến Thủ tướng hay không? Bị cáo cho biết Nghị quyết 7289 không phải quyết định đầu tư mà chỉ là chủ trương thống nhất của HĐTV xin Thủ tướng đầu tư ra ngoài công ty mẹ PVN, góp vốn vào OceanBank. Nghị quyết này theo bị cáo chưa cần phải xin ý kiến của Thủ tướng.
Đại diện VKS hỏi lại: “Bị cáo nói Nghị quyết 7289 mới là chủ trương. Tại khoản 1, điều 1 của nghị quyết có nêu HĐTV thống nhất chủ trương tham gia góp vốn mua cổ phần tăng vốn của OceanBank. Như vậy, khi ký nghị quyết thống nhất chủ trương góp vốn mà chưa được Thủ tướng đồng ý là đúng hay sai?”. Bị cáo Thăng trả lời: “Nghị quyết có nhiều nội dung, trong đó có nội dung thống nhất chủ trương giao Tổng giám đốc báo cáo kết quả tài chính của OceanBank. Nghị quyết đó chưa phải là quyết định đầu tư. Nó chỉ có hiệu lực trong nội bộ tập đoàn và được triển khai, thực hiện khi đáp ứng đầy đủ quy định của pháp luật và được Thủ tướng cho phép”.
Tiếp tục trả lời câu hỏi của đại diện VKS về việc nếu Nghị quyết 7289 không phải quyết định đầu tư thì quyết định đầu tư HĐTV ban hành khi nào, số bao nhiêu? Bị cáo Thăng trả lời quyết định đó do Tổng giám đốc ban hành, các thành viên HĐTV chỉ ký vào tờ trình của Tổng giám đốc. Vẫn theo bị cáo Thăng, các quyết định đầu tư của PVN đều thực hiện sau khi có sự đồng ý của Thủ tướng. “Đầu tư của PVN là đúng chủ trương và đã được Thủ tướng đồng ý bằng văn bản trước khi PVN ký quyết định đầu tư chứ bị cáo không cố tình nói khác”, bị cáo Thăng nói.
NHNN kết luận lỗ ngàn tỉ, bị cáo khăng khăng “có hiệu quả”
Liên quan đến hiệu quả đầu tư vào OceanBank, bị cáo Đinh La Thăng khẳng định việc góp vốn rất hiệu quả, thể hiện năm 2010 làm ăn có lãi. Tuy nhiên, VKS đọc lại kết luận thanh tra của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) xác định đến 31.3.2012 kết quả kinh doanh OceanBank lỗ lũy kế khoảng 922 tỉ đồng; báo cáo tài chính cuối 2011 lợi nhuận phân phối lãi 470 tỉ đồng nhưng thanh tra chỉ rõ “âm” 1.108 tỉ đồng. “Tại tòa bị cáo khai PVN đánh giá khoản góp vốn có hiệu quả là thiếu căn cứ”, đại diện VKS đưa ra quan điểm.
Bị cáo Đinh La Thăng cho rằng, kết quả hoạt động của OceanBank được các tổ chức kiểm toán độc lập đánh giá, có báo cáo tài chính công khai hằng năm. Năm 2010 khi PVN mua cổ phần giá trị thị trường là “2 chấm” (20.000 đồng/cổ phần) mà PVN mua chỉ “1 chấm” (10.000 đồng/cổ phần), thậm chí lúc đó OceanBank đang chia cổ tức 16%. Cũng theo bị cáo: “Trong hai lần đầu tư lần 1 và lần 2 là có hiệu quả, còn lần thứ 3 bị cáo ủy quyền cho cấp dưới, nhưng với vai trò của người đứng đầu, bị cáo xin nhận trách nhiệm thay cho các bị cáo ở đây như bị cáo Vũ Khắc Trường, Nguyễn Xuân Thắng, Nguyễn Thanh Liêm, Phan Đình Đức... là thành viên của HĐTV”.
Hà Văn Thắm xin xem lại việc mua ngân hàng 0 đồng
Luật sư Lê Văn Thiệp, bào chữa cho bị cáo Thăng, mời cựu Chủ tịch OceanBank Hà Văn Thắm lên hỏi về việc NHNN mua OceanBank với 0 đồng. Trả lời luật sư, Hà Văn Thắm nói OceanBank không yếu kém, bởi theo quy định nếu yếu kém thì phải được giám sát đặc biệt rồi sau đó mới tiến hành các bước khác, nhưng NH không hề nhận được quyết định nào như vậy. Thậm chí sau khi NHNN mua lại Oceanbank giá 0 đồng đến gần 1 năm sau ông mới được biết. "Tôi nói với cán bộ điều tra rằng cho em xin đi thu nợ cho NH, thì cơ quan điều tra nói NH bị mua 0 đồng rồi còn đâu", ông này nói.
Cựu chủ tịch OceanBank cho biết thêm, về tài sản OceanBank sở hữu rất nhiều bất động sản. Với đặc thù của OceanBank có cổ đông lớn PVN góp vốn, theo ông Thắm, lẽ ra phải là Thủ tướng ký chứ không phải là NHNN mua lại 0 đồng như vậy. Ngoài ra, việc mua bán bất cứ tài sản nào phải được định giá và bàn bạc hai bên, nhưng kết quả kiểm toán của NHNN và kết quả định giá chỉ phục vụ cho bên mua và chỉ có NHNN sử dụng.
Cũng theo ông này, dù là cổ đông lớn nhất nhưng tại đại hội cổ đông để mua 0 đồng năm 2015 bản thân ông lại không được biết, nghị quyết tại đại hội cũng không được thông qua, vì thế đề nghị HĐXX xem xét kỹ về quyết định mua 0 đồng của NHNN.
Theo Thanh Niên