Biên bản chiến tranh

(Ngày Nay) -Năm 2015 tôi quay trở lại Svay Rieng, nơi quân đội Mỹ đã ném quả bom B52 đầu tiên xuống đất Campuchia.

Nhà báo Đức Hoàng
Nhà báo Đức Hoàng

Ở đó, tôi thực hiện một loạt bài về chiến dịch “Bữa sáng” của tổng thống Richard Nixon - khi ông này quyết định ném bom rải thảm Campuchia, một quốc gia trung lập không tham chiến - để ngăn chặn quân đội Bắc Việt.

Khung cảnh sau 40 năm vẫn đau buồn sâu sắc. Những người Khmer chỉ tay vào cái ao trước nhà, một hố bom, và nói chữ “bê năm hai” bằng tiếng Việt . Một người đàn ông tóc đã ngả màu vẫn khóc nức nở, khi nhắc đến cha mẹ. Trong ký ức của ông, là một cậu bé 10 tuổi chạy về từ bãi chăn bò và thấy ngôi nhà đã cháy, mình đã thành mồ côi.

Một thời gian sau loạt bài đó, một đồng nghiệp gặp tôi và nói: "Người ta chửi cậu trên các diễn đàn". Đó không phải là một diễn biến đáng ngạc nhiên. Tôi không cố tìm đọc, vì chỉ nghe qua cũng đã đoán được người ta nói gì. Rằng 40 năm sau cuộc chiến, việc tôi vẫn viết bài về những vết thương cũ, khiến nhiều người hiểu rằng mang sắc thái “lên án tội ác của quân đội Mỹ”, bị cho là một biểu hiện của chủ nghĩa tuyên truyền xưa cũ, khơi gợi lại hằn thù. Và tất nhiên, sẽ có những cuộc tranh luận kích động rằng ai phải chịu trách nhiệm chính về những hố bom trên đất Campuchia. Tôi đã bới lại một luồng quan điểm gây khó chịu trong bối cảnh sự “bình thường hóa” đang được tuyệt đối hóa.

Chủ đề chiến tranh dễ gây mệt mỏi. Trong cuộc đời viết báo, chính tôi cũng đã có lúc mệt mỏi với chủ đề chiến tranh. Tháng trước, tôi nói với nữ đồng nghiệp mình phụ trách, rằng từ nay đến cuối năm anh yêu cầu em không làm một bài nào về chiến tranh nữa. Đó là một người trẻ, giống hệt tôi vài năm về trước, ra khỏi cổng trường và giật mình nhận ra rằng mình biết quá ít về lịch sử. Sách giáo khoa ghi theo kiểu biên bản và phim ảnh làm theo đặt hàng Nhà nước không lý giải được sự phức tạp của lịch sử đất nước, cũng như phản ánh đủ đầy về cảm xúc của con người. Cô say mê đi lại các chiến trường cũ, gặp nhân chứng cũ và khơi gợi lại các câu chuyện lịch sử. Việc đó rất tốn thời gian. Còn tôi giờ đã thành một biên tập viên với chất chồng các nhiệm vụ của thời sự. “Người đang sống còn quá nhiều vấn đề, anh muốn em làm trước” - tôi lạnh lùng nói.

Nhưng tôi luôn tự hỏi rằng mình có công bằng trong giây phút đó, khi chỉ vài năm trước, tôi bất chấp những tiếng chửi bới để khơi lại các vết thương chiến tranh. Tôi nhủ với bản thân, rằng ở cái ngôi làng tại Svay Rieng đó, nơi mà hôm nay vẫn chưa có điện, xơ xác mái tranh, nếu không phải mình, ai sẽ đến đó để biết rằng người ta vẫn còn khóc vì đạn bom.

Viet Thanh Nguyen, giáo sư tị nạn gốc Việt đoạt giải Pulitzer 2016 từng viết một bài trên New York Times với tiêu đề: “Chiến tranh Việt Nam chưa bao giờ kết thúc”. Đến nước Mỹ năm 4 tuổi, thành đạt và được trọng vọng, ông không gọi mình là “người nhập cư”, mà vẫn khẳng định rằng mình là “người tị nạn” vì nước Mỹ đã tạo ra một cuộc chiến thảm khốc ở Việt Nam. Ai theo dõi sự nghiệp của Viet Thanh đều biết “người tị nạn” gốc Việt trên đất Mỹ là một chủ đề khiến vị giáo sư mang quốc tịch Mỹ này ám ảnh.

Viet Thanh cho rằng việc kể, đọc và nghe về cuộc đời của những con người mất mát vì chiến tranh như thế là một nghĩa vụ, là “cách để ứng phó với sự mất kiểm soát của mối phức hợp công nghiệp-quân sự” của nước Mỹ.

Các siêu cường, với các động cơ kinh tế và chính trị riêng của chúng, từng hơn một lần được chứng minh rằng có nhu cầu phát động chiến tranh tự thân. Các cuộc chiến sau đó sẽ được gọi bằng tên này, tên khác; tóm tắt bằng các chủ thuyết chính trị; chụp lại dưới bộ dạng của các nguyên thủ trong bộ vest đang bắt tay ở bàn hội nghị; rồi sẽ được phân định đúng-sai bằng các cuộc tranh luận, đổ lỗi, bởi các chuyên gia.

Nhưng tôi chưa gặp một nhân chứng nào của chiến tranh gọi nó bằng một cái tên nào khác ngoài “chiến tranh”. Không phải “chiến tranh Việt Nam”, "chiến tranh Đông Dương lần thứ hai" hay là “chiến tranh 54-75”, chỉ đơn giản là “chiến tranh”. Chiến tranh không phải là một trạng thái xã hội, một hoạt động giới hạn thời gian và không gian. Nó là nỗi đau cá nhân của con người, là đứa con mới nằm xuống như hôm qua và người mẹ nằm trong vũng máu, là nỗi đau tận cùng và không cách nào kết thúc.

Hôm nay Mỹ đã trực tiếp tấn công Syria, bằng tên lửa "đẹp, mới và thông minh" theo cách gọi của tổng thống Trump. Và rồi cuộc chiến này sẽ lại được gọi bằng một cái tên nào đó trên Wikipedia. Nó sẽ lại được mô tả bằng các tranh luận chính trị, với “Nga” hay “Mỹ”, “Putin” hay “Trump” là chủ ngữ. Những đứa bé Syria đói khát và những người đàn ông đàn bà Syria bê bết máu và gạch vữa sẽ không bao giờ xuất hiện đủ nhiều. Ngay cả những đoàn thuyền tị nạn của người Syria cũng sẽ được mô tả bằng “chính sách của Merkel” hay “sắc lệnh của Theresa May”. Chúng ta đã luôn ứng xử với chiến tranh theo kiểu biên bản như thế. Không ai được nhìn vào từng gương mặt, từng ánh mắt đủ lâu để thấu hiểu nỗi đau khủng khiếp của họ.

Chính tôi, nhận ra rằng đến một thời điểm, mình cũng đã coi chiến tranh là một dạng “đề tài”, sắp xếp theo thứ tự ưu tiên nào đó của một người quan sát từ tầm xa. Đến một lúc, tôi cũng cảm thấy rằng việc liên tục kể ra các câu chuyện đau đớn về chiến tranh thật sự mệt mỏi, và tự vấn rằng nó có tác dụng gì với mối phức hợp quân sự-công nghiệp mà Viet Thanh Nguyen nhắc tới? Ai có thể ngăn chính phủ Mỹ tiêu 2 nghìn tỷ USD ngân sách cho bom đạn ở Iraq khi họ có động cơ để tiêu?  Mười lăm triệu người xuống đường trên khắp thế giới vào ngày 15/3/2003 cũng không ngăn được George W. Bush và đồng minh.

Nhưng có lẽ với tư cách những con người bình thường trên hành tinh này, chúng ta chỉ có một cách đó. Nhắc nhau rằng chiến tranh không phải là những biên bản, mà là nỗi đau, vết sẹo của từng con người bằng xương bằng thịt. Nó không thể kết thúc bằng hòa đàm. Chúng ta kể lại, dạy cả con cái mình chia sẻ nỗi đau đó, biết căm ghét chiến tranh và những chính thể tạo ra chiến tranh.

Hôm ấy, cô phóng viên nghe xong rồi cự: “Anh không cho làm em vẫn tự đi. Tháng Bảy em sẽ tự lên lại chiến trường biên giới”. Tôi im lặng, chấp nhận mình là một nhà quản lý tồi. Đôi khi, người làm nghề chép biên bản - như chúng tôi - cũng không có quyền đối xử với mọi thứ như một biên bản.

Đức Hoàng 

Theo Vnexpress
Tảng băng lớn nhất thế giới thoát khỏi Nam Cực
Tảng băng lớn nhất thế giới thoát khỏi Nam Cực
(Ngày Nay) - Các hình ảnh vệ tinh mới nhất từ Cơ quan hàng không vũ trụ Mỹ (NASA) cho thấy tảng băng khổng lồ A-23A - hiện là tảng băng lớn nhất thế giới - đã thoát khỏi vòng xoáy đại dương phía bắc quần đảo Nam Orkney và đang trôi dạt về phía đông bắc, hướng tới đảo Nam Georgia, nơi nó được dự đoán sẽ tan vỡ và biến mất hoàn toàn.
Phòng bệnh truyền nhiễm mùa lạnh
Phòng bệnh truyền nhiễm mùa lạnh
(Ngày Nay) - Thời tiết lạnh khiến mọi người, đặc biệt là trẻ nhỏ và các nhóm có nguy cơ cao như người trên 65 tuổi và phụ nữ có thai dễ mắc các bệnh truyền nhiễm. Để chủ động phòng chống các bệnh truyền nhiễm, người dân cần chú ý: che miệng, mũi khi hắt hơi; thường xuyên rửa tay với nước sạch và xà phòng hoặc dung dịch có cồn; giữ ấm cơ thể…
Những sự kiện nổi bật của ngành Y tế TP Hồ Chí Minh năm 2024
Những sự kiện nổi bật của ngành Y tế TP Hồ Chí Minh năm 2024
(Ngày Nay) -  Dịch sởi bùng phát tại TP Hồ Chí Minh, Thực hiện thành công kỹ thuật can thiệp thông tim bào thai, Triển khai Sổ sức khỏe điện tử tích hợp trên ứng dụng VneID thay cho sổ khám bệnh… là những sự kiện nổi bật của ngành Y tế TP Hồ Chí Minh năm 2024 được Sở Y tế Thành phố công bố chiều 22/12.
Bức tranh đa sắc trong nội các của chính quyền Trump 2.0
Bức tranh đa sắc trong nội các của chính quyền Trump 2.0
(Ngày Nay) -  Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump gây bất ngờ với danh sách nội các mới đa dạng chưa từng có, từ cựu đảng viên Dân chủ đến các nhà tài phiệt, hé lộ một chiến lược táo bạo cho nhiệm kỳ thứ hai của ông.
Từ năm 2025, trường học được xây cao nhất là 5 tầng
Từ năm 2025, trường học được xây cao nhất là 5 tầng
(Ngày Nay) -  Bộ Giáo dục và Đào tạo vừa ban hành Thông tư mới bổ sung và điều chỉnh linh hoạt các tiêu chuẩn về diện tích đất, quy mô trường học và tiêu chuẩn cơ sở vật chất tối thiểu, theo hướng phù hợp với thực tế triển khai tại các địa phương.
Phó Thủ tướng Nguyễn Hòa Bình chúc mừng Giáng sinh các tổ chức tôn giáo
Phó Thủ tướng Nguyễn Hòa Bình chúc mừng Giáng sinh các tổ chức tôn giáo
(Ngày Nay) -  Trong không khí vui tươi, ấm áp dịp Lễ Giáng sinh 2024 và đón chào năm mới 2025, chiều 22/12, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình đã đến chúc mừng tại Tòa Tổng Giám mục Hà Nội, Tổng hội thánh Tin Lành Việt Nam (miền Bắc) và Ủy ban Đoàn kết Công giáo Việt Nam.
Thiếu tá Hà Thanh thuyết minh phòng truyền thống cho các chiến sĩ mới.
Không phải cứ cầm súng mới là chiến đấu
(Ngày Nay) - Là một người vợ, một người mẹ nhưng trên hết là một người con của Tổ quốc, những nữ quân nhân luôn xứng đáng được tôn vinh với sự hi sinh cao cả cho sự nghiệp bền vững của dân tộc. Hơn 15 năm công tác tại quân đội, Thiếu tá Đinh Thị Hà Thanh luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ của mình, tỏa sáng với phẩm chất “Anh hùng - bất khuất - trung hậu - đảm đang”.