Vào tối ngày 3/7, Big C Việt Nam phát ra thông báo chính thức, khẳng định không dừng hoạt động kinh doanh của ngành hàng may mặc tại Việt Nam.
Theo thông báo này, Big C Việt Nam đang trong quá trình phát triển các thương hiệu mới trong chuỗi bán lẻ của mình, trong đó có ngành may mặc. Để bảo đảm mô hình kinh doanh mới có thể phát triển thành công, Big C Việt Nam đang xây dựng lộ trình cụ thể để hiện thực hóa kế hoạch này, trong đó việc ưu tiên hàng đầu là tìm kiếm các nguồn cung ứng là nhà cung cấp Việt Nam, theo báo Infonet.
"Big C Việt Nam đang xem xét lại danh mục hàng hóa và tính khả thi từ nhà cung cấp nhằm đem đến các sản phẩm Việt Nam chất lượng cao nhất để phục vụ khách hàng. Hiện tại, Big C Việt Nam có hơn 4000 nhà cung cấp trong chuỗi siêu thị của mình. Big C Việt Nam đang trong quá trình xem xét cùng với hơn 200 nhà cung cấp hàng may mặc để phát triển các sản phẩm với chất lượng tốt nhất nhằm thỏa điều kiện không chỉ cho thị trường trong nước mà còn hướng tới xuất khẩu sang các thị trường tiềm năng”, đại diện Big C cho hay.
“Việc tạm dừng các đơn đặt hàng chỉ là tạm thời và Big C Việt Nam khẳng định không dừng hoạt động kinh doanh của ngành hàng may mặc tại Việt Nam", đại diện Big C Việt Nam khẳng định.
Trước đó vào chiều cùng ngày, nhiều chủ doanh nghiệp dệt may Việt Nam và cả công nhân của họ đã tập trung tại văn phòng đại diện Central Group tại đường Phan Đăng Lưu, TP.HCM, đơn vị điều hành hệ thống siêu thị Big C, nhằm làm rõ vụ việc. Nhiều người còn mang theo băng rôn phản đối việc Big C tạm dừng hợp đồng nhập hàng may mặc, buộc đại diện Central Group Việt Nam phải mời các doanh nghiệp vào làm việc chung.
Trong buổi làm việc, đại diện một doanh nghiệp cho biết, họ rất bất ngờ trước quyết định tạm dừng nhập hàng của Big C Việt Nam. Có lô hàng của họ đã hoàn thành, đang trên đường vận chuyển tới siêu thị, giờ không biết làm thế nào.
Các doanh nghiệp phản đối động thái mới nhất của Central Group. Ảnh: VietNamNet |
Trao đổi với các đối tác Việt trong buổi làm việc chiều nay, đại diện Central Group Việt Nam khẳng định quyết định dừng nhập hàng may mặc "chỉ là tạm thời, không phải là chấm dứt hợp đồng".
Vị đại diện này cũng cho biết trong 1-2 ngày tới, các doanh nghiệp sẽ nhận được lời mời gặp gỡ với tổng giám đốc của chuỗi siêu thị này vào ngày 8/7 tới để thảo luận về mô hình mới, với định hướng của doanh nghiệp trong ngành hàng thời trang.
Đại diện tập đoàn Big C cũng cho biết thêm việc tạm dừng nhập hàng này "lâu nhất là 2 tuần". Trong thời gian đó, doanh nghiệp sẽ đánh giá lại chiến lược, xem xét việc hàng tồn kho... và đưa ra chiến lược mới.
Trao đổi với báo VietNamNet, một doanh nghiệp dệt may cho biết, sự việc này khiến họ bị tồn nguyên phụ liệu, vốn thất thoát dự tính từ 5-10 tỷ đồng.
Văn bản của tập đoàn Thái Lan chưa nói rõ công ty Việt Nam hay công ty nước ngoài, chỉ nói chung chung là các nhà cung cấp sản phẩm may mặc tại Việt Nam. Tuy nhiên, trước động thái nói trên của đại gia Thái Lan, nhiều cung cấp sản phẩm may mặc Việt Nam đang hợp tác với siêu thị Big C rõ ràng đang đối diện với tình hình khó khăn.
Theo một số chuyên gia, nếu tiền lệ này được thông qua, có thể hàng loạt các sản phẩm Việt Nam khác trong siêu thị do nước ngoài sở hữu, sẽ từng bước bị đẩy ra ngoài, nhường chỗ cho các sản phẩm ngoại nhập.