Bình Dương: Dự án thoát nước ngàn tỷ trì trệ dẫn đến chết người, ai chịu trách nhiệm?

0:00 / 0:00
0:00
(Ngày Nay) - Hệ thống thoát nước Dĩ An và Khu công nghiệp Tân Đông Hiệp (TP.Dĩ An, tỉnh Bình Dương) với tổng vốn hơn 1.200 tỷ đồng được triển khai từ nhiều năm trước nhưng đến nay vẫn còn dang dở, gây ngập nước ảnh hưởng nghiêm trọng cuộc sống hàng chục hộ dân vùng giáp ranh. Mới đây, chiếc ô tô bán tải bị dòng nước mạnh như lũ quét cuốn trôi, gây ra cái chết thương tâm cho một người phụ nữ.
Suối Xiệp - nơi chiếc xe bán tải bị cuốn xuống suối làm một người từ vong.
Suối Xiệp - nơi chiếc xe bán tải bị cuốn xuống suối làm một người từ vong.

Bất lực giữa “biển nước” mênh mông

Chạng vạng cách đây vài ngày, bầu trời tối đen như mực rồi chẳng bao lâu sau mưa như trút xuống khu vực TP.Dĩ An. Lượng mưa đo tại trạm đạt 66,4mm, nước từ thượng nguồn ầm ầm chảy về hạ lưu rạch Cái Cầu (hay còn gọi là Suối Xiệp) - ranh giới tự nhiên giữa Đồng Nai và Bình Dương, trước khi hoà vào các con sông lớn.

Khoảng 20 giờ, một người phụ nữ cầm lái chiếc xe ô tô bán tải sau khi về thăm bên ngoại thì quay trở ra để về nhà, ngang qua Suối Xiệp tại vị trí cống thoát nước nằm ngang đường dân sinh. Cùng lúc, nước về như lũ, tràn lên cống, quét qua đường, cuốn chiếc xe nặng hàng tấn xoay nhiều vòng rồi nhấn chìm xuống suối, trôi đi. Ông Trần Văn Lâm, 50 tuổi, ở Đồng Nai nghe tiếng hét vội vàng chạy ra ứng cứu nhưng không tiếp cận được người gặp nạn vì nước dâng lên quá cao và chảy dữ dội.

Theo lời kể, nữ tài xế mở cửa xe thoát ra ngoài, vừa hoảng hốt gào thét vừa cố gắng bơi vào bờ nhưng bất thành dù lòng suối chỉ rộng chừng 3-4m. Dòng nước cuốn nạn nhân đi xa hàng chục mét về phía hạ lưu, xuyên qua những cây cầu bê tông nhỏ và vài ngôi nhà bỏ hoang đã hư hỏng ít nhiều. Hai bên dòng đầy những gốc cây khô đâm lủa tủa và nhiều khối đất đá lớn nhỏ khác nhau.

Tiếng kêu cứu vang vọng tiếp tục đánh động nhiều người khác đang cố thủ trong nhà khi cả một khu dân cư chìm trong “biển nước”. Em Nguyễn Trần Gia Bảo, học sinh lớp 8 trường THCS Bình An là người đầu tiên lao ra khỏi cửa khi nghe tiếng gọi của hàng xóm. Gia Bảo cao hơn 1,7m, video của người dân cho thấy cậu học sinh cố tìm phương hướng để cứu người, trong khi nước đã dâng cao đến ngang ngực.

Bà Oanh, vợ ông Lê Thần Tài mệt rã rời sau nhiều ngày bị bệnh đang nằm nghỉ ngơi trong phòng cũng nghe tiếng thét vọng lại, vội chồm dậy bảo chồng ra kiểm tra xem có ai gặp nạn đang cầu cứu?! Nhưng vì áp lực nước quá lớn tác động lên cánh cửa gây nhiều khó khăn cho người đàn ông đang ở tuổi xế chiều.

Khi cả hai, một lớn một nhỏ lội ra được tới mép suối cũng là lúc người phụ nữ chới với ngụp lặn. Chỉ còn cách nhau chừng hai sải tay nhưng nữ tài xế đã đuối sức, chìm nghỉm trong dòng nước lạnh. Khoảng 21h30 cùng ngày, thi thể người xấu số được tìm thấy cách vị trí ban đầu hơn 200m. Chiếc bán tải mắc kẹt ở một khúc suối hẹp, nằm chỏng chơ giữa dòng. Vụ việc xảy ra tối 13/9, nạn nhân được xác định là chị N.T.B.T, 44 tuổi, trú TP.Biên Hoà.

Người dân kể lại giây phút nạn nhân kêu cứu nhưng bất lực.

Nhiều ngày sau khi vụ việc đau lòng xảy ra, bà Oanh vẫn bị ám ảnh bởi tiếng kêu cứu thất thanh của nạn nhân. Bà nén mệt mỏi trèo qua bức tường gạch cao cả mét ra mép suối sau nhà, hai mắt rưng rưng, giọng nói nghẹn lại: “Cô nghe tiếng la: cứu! cứu với! cứu…! Thà mình không nghe, chứ người ta kêu cứu mà không cứu được, cô đau lòng lắm…!”.

Theo lời bà và nhiều người khác, trước đây khu vực này không xảy ra ngập lụt. Vấn đề bắt đầu khi người ta xây dựng hệ thống thoát nước. Kể từ ngày đó, cứ mưa lớn là nước tràn về như lũ quét, gây ngập diện rộng. Nước ngập cao đến nửa bức tường nên dãy 5 phòng trọ của gia đình bà đành phải đóng cửa, bỏ hoang, không dám cho thuê vì: “Tội người ta!”.

Người dân phải xây thêm tường gạch xung quanh nhà hoặc chuẩn bị thêm tấm ván di động bằng thép để chặn cửa, ngăn nước nhưng không ăn thua. Những bức xúc được chuyển thành clip đăng lên mạng xã hội, tình trạng “biển nước” mênh mông được phản ánh đến chính quyền để mong được khắc phục, ổn định cuộc sống nhưng chưa có kết quả mà trái lại, đã có thiệt hại về người.

Những ngày này, không khí buồn bã bao trùm khu phố, vài chiếc phao cứu sinh được treo lủng lẳng dưới mái hiên…. Và trước khi đóng cửa đi học, Gia Bảo phải dọn hết nệm, mền, gối và quần áo treo lên cao kẻo mưa ập đến bất ngờ không về kịp.

Dự án thoát nước dang dở

Rạch Cái Cầu (hay Suối Xiệp) có tổng chiều dài hơn 3,5km, điểm đầu gần mỏ đá Tân Đông Hiệp và điểm cuối cách ngã ba sông Ngọc khoảng 674m. Bờ phải thuộc P.Tân Đông Hiệp, TP.Dĩ An, tỉnh Bình Dương, bờ trái thuộc P.Hoá An và P.Bửu Hoà, TP.Biên Hoà, tỉnh Đồng Nai. Phần lớn nước mưa và nước thải của TP.Dĩ An thoát ra sông Đồng Nai qua con suối này.

Bình Dương: Dự án thoát nước ngàn tỷ trì trệ dẫn đến chết người, ai chịu trách nhiệm? ảnh 1

Người dân cho biết nước ngập hơn cả mét mỗi khi mưa lớn kể từ khi hạng mục Suối Xiệp được triển khai.

Cải tạo Suối Xiệp là hạng mục nằm trong Dự án Hệ thống thoát nước Dĩ An và Khu công nghiệp Tân Đông Hiệp do Ban Quản lý Dự án Ngành Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Bình Dương (Ban Quản lý) làm chủ đầu tư. Dự án được tỉnh Bình Dương phê duyệt năm 2002, đến 2011 tạm ngưng để thỏa thuận với Đồng Nai thống nhất về quy mô, hướng tuyến, phương án và kinh phí bồi thường giải phóng mặt bằng.

Năm 2016, lãnh đạo hai tỉnh đã họp và thống nhất địa giới hành chính giữa hai địa phương là tim của tuyến rạch hiện hữu. Chi phí đầu tư xây dựng công trình do Bình Dương thực hiện bằng ngân sách tỉnh, còn chi phí bồi thường giải phóng mặt bằng đi qua tỉnh nào thì tỉnh đó chịu trách nhiệm thực hiện và chi trả.

Đồng Nai giao cho Trung tâm Phát triển Quỹ đất tỉnh làm chủ đầu tư thực hiện đền bù giải phóng mặt bằng đoạn bờ trái dài 2,2km. Bình Dương giao cho Trung tâm Phát triển Quỹ đất TP.Dĩ An thực hiện hai bên bờ đoạn đầu (Suối Xiệp) dài hơn 1,3km và bờ phải đoạn suối còn lại dài 2,2km. Sau khi các đơn vị hoàn thành giải phóng mặt bằng thì bàn giao cho Ban Quản lý thi công.

Theo báo cáo của Ban Quản lý, từ năm 2017 - 2021, Bình Dương đã bồi thường và bàn giao mặt bằng đạt 70%. Tháng 10/2021, hạng mục Suối Xiệp được khởi công với mặt bằng chủ yếu trên địa bàn tỉnh này, được chia thành 3 gói thầu (số 10, 11 và 12 tương ứng 3 đoạn - PV) có chiều dài lần lượt: đoạn 1 hơn 1,3km, đoạn 2 trên 1,36km và đoạn 3 là 840m.

Trong đó, gói thầu số 10 hiện đạt 75% khối lượng (thông nước được hơn 1km), còn lại dài 310m ngưng thi công do vướng đền bù thuộc địa bàn Đồng Nai. Gói thầu số 12 đạt 77,5% khối lượng (thông nước được 730m), còn lại dài 110m vướng một hộ dân thuộc Đồng Nai. Riêng gói thầu số 11 nằm ở giữa Suối Xiệp chưa tổ chức thi công do vướng toàn bộ mặt bằng bên bờ trái thuộc tỉnh Đồng Nai. Đây chính là đoạn vừa xảy ra vụ nước cuốn xe bán tải làm một người tử vong.

Sau khi hết mặt bằng tại Bình Dương, chủ đầu tư dừng thi công hai gói thầu số 10 và 12, được UBND tỉnh Bình Dương chấp thuận tại hai văn bản khác nhau, ban hành lần lượt tháng 7/2022 và tháng 5/2023. Cũng tại hai văn bản này, tỉnh Bình Dương cho phép gia hạn hai gói thầu thêm một thời gian.

Bình Dương: Dự án thoát nước ngàn tỷ trì trệ dẫn đến chết người, ai chịu trách nhiệm? ảnh 2

Đoạn đầu của dự án được thi công gần xong. Vị trí trong ảnh là nơi tiếp giáp với nơi xảy ra tai nạn.

Vì sao?

Ghi nhận thực tế tại khu vực cống thoát nước vừa xảy ra tai nạn, lòng suối bị lõm sâu xuống dưới với chênh lệch độ cao so với mặt đường bê tông khoảng hơn một mét. Cống là điểm giao giữa đoạn 1 (gói thầu số 10 đã thi công gần hoàn chỉnh) và đoạn 2 (gói thầu số 11 chưa thi công). Phía Bình Dương còn sót lại một vài căn nhà nằm cách Suối Xiệp đúng bằng con đường bê tông; phía Đồng Nai còn hàng chục nhà dân nằm san sát mép suối.

Ông Trần Văn Lâm cho biết, gia đình sống ở đây mấy đời nhưng từ trước tới nay chưa có khi nào ngập nước lớn như vậy cho đến khi dự án triển khai từ năm 2021: “Hồi giờ, mình đâu có nghĩ là nước ngập nên đâu có thủ. Tới hồi suối làm tới đây rồi bỏ, vừa đúng đầu mưa, nhà cửa đồ đạc hư hỏng bảy tám chục triệu, xong đền bù hỗ trợ được 6,5 triệu”.

Người đàn ông vào nhà lấy ra một xấp giấy tờ ra giải thích: “Nhà, đất tui tổng cộng 220m2 mà họ nói đất tui lấn suối trong khi cách cả trăm mét nên chỉ đền bù nhà với tổng số tiền khoảng 339 triệu đồng/136m2, trung bình 2,4 triệu đồng/m2. Vậy nên tui đâu có chấp nhận đi được, giá tiền đó có làm gì được đâu…”.

Sát vách nhà ông Lâm là anh Trần Văn Hùng được người cha quá cố cho nhà đất rộng 216m2. Trong thông báo nhận tiền bồi thường của Trung tâm Phát triển Quỹ đất Đồng Nai ban hành tháng 8/2024, ông Hùng nhận được khoảng 900 triệu đồng. “Dự án ảnh hưởng người dân biết bao nhiêu, nhiều khi nửa đêm nửa hôm trời mưa là thức tới sáng, vợ con lau chùi này nọ cực khổ lắm. Mong sao chính quyền giải quyết được hợp lý cho người dân yên tâm làm ăn”, ông mong mỏi.

Tương tự, nhiều người khác cũng cho rằng giá đền bù, hỗ trợ giải phóng mặt bằng không phù hợp với thực tế hiện nay nên khó lòng chấp nhận. Theo báo cáo mới nhất của chủ đầu tư, phía bờ trái thuộc tỉnh Đồng Nai bị ảnh hưởng 79 trường hợp, đến nay đã phê duyệt hai đợt cho 41 hồ sơ và chi trả 8 trường hợp, đã bàn giao mặt bằng một trường hợp, phần còn lại không đồng thuận. “Đề nghị UBND TP.Dĩ An sớm giải quyết tồn tại 17 trường hợp thuộc P.Bình An và 2 trường hợp của P.Tân Đông Hiệp về chính sách tái định cư, đơn giá bồi thường”, báo cáo viết.

Bình Dương: Dự án thoát nước ngàn tỷ trì trệ dẫn đến chết người, ai chịu trách nhiệm? ảnh 3

Bên phải Suối Xiệp thuộc Bình Dương và bên trái thuộc Đồng Nai.

Ai chịu trách nhiệm?

Chủ đầu tư cho biết, tuyến Suối Xiệp với nhiệm vụ tiêu thoát nước cho lưu vực rộng 1.364ha. Hạ tầng thoát nước phía thượng nguồn đã hoàn thiện, khi mưa lượng nước tập trung về Suối Xiệp rất lớn (thiết kế 143m3/s) với vận tốc nhanh, gặp lòng suối nhỏ hẹp (3-4m), bị bồi lắng, nhiều cây, công trình tạm làm cản trở dòng chảy và cống qua đường. Theo tính toán, đoạn này chỉ đảm bảo thoát nước được khoảng 15-20% lượng nước về theo thiết kế, đây là nguyên nhân chính gây ngập lụt hai bờ Suối Xiệp và đoạn Quốc lộ 1K.

Như đã nói, hạng mục Suối Xiệp có 3 gói thầu. Trong đó, gói thầu số 10 do Công ty TNHH Đầu tư Xây dựng Nguyên Cát (địa chỉ tại TP.HCM) đảm nhận với giá trúng thầu hơn 49 tỷ đồng, thời gian thi công trong 330 ngày. Gói thầu số 12 có giá hơn 72 tỷ đồng, Công ty Cổ phần Đầu tư và Xây dựng 40 (địa chỉ tại TP.HCM) trúng thầu, thời gian thực hiện trong 520 ngày. Cả hai gói thầu đều được phê duyệt cuối tháng 8/2021, sau đó gia hạn lần lượt đến cuối năm 2022 và cuối 2023. Đến nay, cả hai gói thầu vẫn chưa thi công trở lại.

Trao đổi với phóng viên, ông Vũ Tiến Sơn - Giám đốc Ban Quản lý dự án Ngành Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Bình Dương cho biết cảm thấy đau lòng và xót xa khi xảy ra vụ việc nước cuốn ô tô làm người phụ nữ tử vong. “Hiện nay, phần mặt bằng phía tỉnh Đồng Nai vẫn chưa thực hiện xong dẫn đến mặt bằng chưa đồng bộ nên chưa thể triển khai thi công theo kế hoạch. Việc này không thuộc thẩm quyền của chúng tôi và chúng tôi chỉ chịu trách nhiệm với phần mặt bằng đã được bàn giao đủ điều kiện thi công”, ông Sơn nói.

Bình Dương: Dự án thoát nước ngàn tỷ trì trệ dẫn đến chết người, ai chịu trách nhiệm? ảnh 4

Trụ sở Ban Quản lý dự án Ngành Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Bình Dương.

Ông giải thích, công trình đã ngưng từ năm 2022, trước và sau thời gian này, UBND tỉnh Bình Dương cũng nhiều lần chỉ đạo Ban và các đơn vị liên quan phối hợp với các cơ quan chức năng tỉnh Đồng Nai đẩy nhanh công tác giải phóng mặt bằng và thi công. Các bên nhiều lần làm việc trực tiếp và có văn bản trao đổi qua lại. Chủ đầu tư cũng đã cử người đăng ký làm việc để phối hợp, tháo gỡ nhưng đến nay công tác này còn chậm và chưa bàn giao mặt bằng.

Vài tháng trước, UBND tỉnh Đồng Nai đã giao cho UBND TP.Biên Hoà chỉ đạo Hội đồng Bồi thường dự án và các đơn vị liên quan khẩn trương rà soát tiến độ thực hiện…. xử lý dứt điểm công tác bồi thường giải phóng mặt bằng để thu hồi đất giao cho chủ đầu tư triển khai thi công theo quy định; giao Trung tâm Phát triển Quỹ đất tỉnh phối hợp với Ban Quản lý, UBND TP.Biên Hoà đẩy nhanh để chủ đầu tư triển khai thi công.

Đây không phải lần đầu tiến độ bồi thường, giải phóng mặt bằng được mang ra bàn luận. Trước đó, vào tháng 8/2022, Lãnh đạo hai tỉnh Đồng Nai và Bình Dương đã có kết luận chung trong liên kết vùng, trong đó yêu cầu quý IV/2022 phải bàn giao mặt bằng, không để kéo dài gây ảnh hưởng tiến độ. Thế nhưng đã hai năm trôi qua, mọi thứ vẫn chưa có nhiều tiến triển. Và giả như trong thời gian dự án chưa thể hoàn thành lại xảy ra thêm những sự việc đáng tiếc nữa thì sao? Ai phải chịu trách nhiệm với sức khoẻ và tài sản, nếu chưa muốn nói là tính mạng người dân như tai nạn vừa qua?

TIN LIÊN QUAN
Ảnh: AzmanL/Getty Images
Smartphone có thể bị nghe lén mọi lúc mọi nơi
(Ngày Nay) - Các cảm biến chuyển động trong điện thoại thông minh có thể bị biến thành micro tạm thời để nghe lén các cuộc trò chuyện, vượt qua các tính năng bảo mật được thiết kế nhằm ngăn chặn những cuộc tấn công này.
VinFast trở thành hãng xe bán chạy nhất thị trường Việt Nam
VinFast trở thành hãng xe bán chạy nhất thị trường Việt Nam
(Ngày Nay) - VinFast công bố đã bàn giao hơn 9.300 xe cho khách hàng trong tháng 9, cao gần gấp rưỡi so với hãng xe xếp thứ hai và vươn lên thành vị trí số 1 Việt Nam trong tháng 9. Đây là lần đầu tiên một thương hiệu ô tô điện vươn lên dẫn đầu thị trường và đang tiếp tục đà tăng trưởng mạnh mẽ, đánh dấu bước tiến mới của công nghiệp ô tô nội địa.
Hơn 70% quần thể động vật hoang dã đã suy giảm
Hơn 70% quần thể động vật hoang dã đã suy giảm
(Ngày Nay) - Tại một số khu vực trên thế giới, quần thể động vật hoang dã đã suy giảm tới 95%. Nhiều chuyên gia cho rằng tình trạng này đã đạt đến điểm "tới hạn" và cần có những hành động cấp bách nhằm sớm giải quyết vấn đề.
Cắt giảm 700 nhân viên, ByteDance "đặt cược" vào AI để kiểm soát nội dung​ ​
Cắt giảm 700 nhân viên, ByteDance "đặt cược" vào AI để kiểm soát nội dung​ ​
(Ngày Nay) - Tập đoàn ByteDance của Trung Quốc, công ty mẹ của nền tảng truyền thông xã hội TikTok, đã cắt giảm hơn 700 nhân viên tại chi nhánh Malaysia. Quyết định này nằm trong kế hoạch lớn hơn của công ty nhằm chuyển đổi sang sử dụng trí tuệ nhân tạo (AI) để tự động hóa quá trình kiểm duyệt nội dung.
Mỹ phát hiện nhóm các ca mắc bệnh đậu mùa khỉ kháng thuốc
Mỹ phát hiện nhóm các ca mắc bệnh đậu mùa khỉ kháng thuốc
(Ngày Nay) - Ngày 10/10, giới chức y tế Mỹ cho biết đã phát hiện một nhóm các ca bệnh nhiễm biến thể của virus gây bệnh đậu mùa khỉ (mpox) có khả năng kháng lại thuốc kháng virus tecovirimat (TPOXX) của Siga Technologies tại 5 bang của nước này.