Những dự án chống ngập “hoá vàng” ngân sách tại TP.HCM

0:00 / 0:00
0:00
(Ngày Nay) - LTS: Trong lịch sử phát triển đô thị, giải bài toán chống ngập cho TP.HCM luôn là vấn đề được đặt lên hàng đầu, đặc biệt từ những năm 2000 với những dự án nâng cấp hệ thống thoát nước, xoá ngập cục bộ ở khu vực trung tâm đến hạn chế triều cường xâm nhập ở lưu vực cửa biển, cửa sông, kênh rạch xuyên tâm... Thế nhưng, dù tiêu tốn không biết bao nhiêu tiền của và công sức trong suốt 20 năm qua TP vẫn chưa thoát ngập!.

Bài 1: “Bức tranh” chống ngập của TP.HCM hiện nay như thế nào?

Tình trạng ngập nước do mưa và triều cường không phải là điều gì đó quá xa lạ với nhiều thế hệ người dân sinh sống và làm việc tại TP.HCM suốt hàng thập kỷ qua. Trên thực tế, những giải pháp chống ngập như: làm đê kè, cống ngăn triều, máy bơm khẩn cấp, nâng cấp cống thoát nước, nâng đường, nhà máy thu gom xử lý nước thải... đã được triển khai rất nhiều và từ lâu nhưng hiệu quả thì... không mấy tương xứng so với vạn tỷ đồng đã được chi và hàng chục năm đợi chờ mòn mỏi.

Những dự án chống ngập “hoá vàng” ngân sách tại TP.HCM ảnh 1

Một trong những trận ngập lịch sử diễn ra vào năm 2017 trên đường Nguyễn Hữu Cảnh (P.22, Q.Bình Thạnh).

Hai quy hoạch với mức phê duyệt gần 52.000 tỷ đồng

TP.HCM có diện tích tự nhiên khoảng 2.095km2, trong đó hơn 60% diện tích là vùng đất thấp với mạng lưới sông rạch chằng chịt (7.880km), nằm trên vùng cửa các con sông lớn. Khi có triều cường, mưa lớn, địa bàn thường xuyên xảy ra các đợt ngập úng. Đặc biệt khi thủy triều dâng cao và nước lũ vận động ngược chiều nhau xảy ra cùng lúc càng làm gia tăng ngập lụt.

Để giải quyết, ngay từ đầu thế kỷ 21, Thủ tướng Chính phủ đã Phê duyệt quy hoạch tổng thể hệ thống thoát nước TP đến năm 2020 (gọi tắt là Quy hoạch 752) trên phạm vi 650km2 (bao gồm khu vực nội thành hiện hữu với diện tích khoảng 140km2 và khu vực kế cận khoảng 510km2). Tổng vốn đầu tư theo quyết định được phê duyệt khoảng 40.380 tỷ đồng.

Quy hoạch 752 bao gồm 6 vùng thoát nước mưa và 9 lưu vực thu gom, xử lý nước thải, với các nội dung chính như: cải tạo hệ thống thoát nước, xây dựng các trạm bơm cục bộ, hồ điều tiết tại chỗ, cải tạo hệ thống cống và mương thoát nước, hệ thống xử lý nước thải... Một vài dự án quan trọng như: Vệ sinh môi trường lưu vực kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè; dự án Cải thiện môi trường nước lưu vực kênh Tàu Hủ - Bến Nghé - Đôi - Tẻ; dự án Cải thiện vệ sinh và nâng cấp đô thị lưu vực kênh Tân Hóa - Lò Gốm... và xây dựng các nhà máy xử lý nước thải.

Đến đầu tháng 3/2008, sau khi xem xét báo cáo Quy hoạch thủy lợi phục vụ việc tìm kiếm giải pháp chống ngập lụt cho TP, Bí thư Thành uỷ thời điểm này là ông Lê Thanh Hải chỉ đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN-PTNT) TP công bố rộng rãi Quy hoạch trong nhân dân để lắng nghe ý kiến đóng góp. Từng bước thực hiện, ngày 14/3/2008, UBND TP đã thành lập Trung tâm Điều hành chương trình chống ngập nước, chịu sự lãnh đạo chỉ đạo của UBND TP. (Hiện nay, Trung tâm đã giải thể và sáp nhập thành Trung tâm Quản lý Hạ tầng kỹ thuật, trực thuộc Sở Xây dựng).

Trong báo cáo được Sở NN-PTNT công bố rộng rãi đã đưa những dẫn chứng về hiện tượng khí hậu ấm dần lên, dẫn đến tan băng ở hai cực và sự dâng cao mực nước biển, dẫn đến ngập các vùng đất ở các quốc gia nằm ven biển. Tại TP.HCM, không chỉ riêng vùng đất thấp ngoại thành bị ngập mà các vùng nội thành như: Bình Thạnh, 6, 7, 8... cũng bị ngập do triều, ngập do mưa nặng nề bởi địa hình thấp và có đến hàng trăm cửa cống thoát nước mưa nằm dưới mức triều cao. Phần lớn phía Nam thành phố là vùng đất thấp – khu vực chịu áp lực thống trị của biển với chiều dài tiếp xúc với biển khoảng 75 – 80km.

Những dự án chống ngập “hoá vàng” ngân sách tại TP.HCM ảnh 2

Mưa lớn gây ngập nặng ở khu vực Q.Thủ Đức cũ, nay là TP.Thủ Đức.

Báo cáo cũng nhắc lại những trận lũ năm 1996, 2000, những đợt triều cường năm 2006 và nhất là năm 2007 diễn biến ngày càng phức tạp làm ảnh hưởng lớn đến sự phát triển kinh tế, xã hội và gây ra những khó khăn, thiệt hại đáng kể cho người dân.

Theo các tài liệu từ Sở NN-PTNT TP, năm 2000, hồ Trị An xả lũ 600 m3/s, hồ Ðồng Nai và Dầu Tiếng xả 4.411 m3/s đã gây ngập 22.344 căn nhà ở TP. Lũ phá hủy 40.204km bờ bao, 31km kênh mương, 254km đường nông thôn, ngập hơn 8.000ha diện tích lúa, cây ăn trái, cây công nghiệp. So sánh lũ năm 2000 với lũ thiết kế theo quy định thì lũ năm 2000 chỉ bằng 18% lũ thiết kế. Nếu lũ lớn như thiết kế xảy ra, mức độ thiệt hại đối với thành phố là rất nghiêm trọng.

Cuối tháng 10/2007, TP xảy ra đợt triều cường cao nhất trong 48 năm (từ thời điểm này trở về trước), đỉnh triều tại trạm Phú An là 1,49m gây bể, tràn bờ bao và ngập sâu trên 100ha (chủ yếu trên địa bàn P.Hiệp Bình Phước – Q.Thủ Đức và P.An Phú Đông, P.Thạnh Lộc, Q.12) ảnh hưởng đến đời sống và sinh hoạt của người dân. Tổng cộng có 68 đoạn bờ bao bị bể. Nước còn tràn bờ và ngập úng một số khu vực khác tại Q.Thủ Đức, Q.12, huyện Hóc Môn, Củ Chi, Bình Chánh... Ngoài ra, triều cường tháng 9, 11 và 12 cùng năm lần lượt là: 1,45m, 1,48m, 1,39m gây nhiều thiệt hại.

Tháng 10/2008, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Quy hoạch thủy lợi chống ngập úng TP.HCM (Quy hoạch 1547) với tổng diện tích thực hiện là 968.500ha. Dự kiến tổng mức đầu tư là 11.531 tỷ đồng, trong đó, giai đoạn một là 10.080 tỷ đồng, giai đoạn hai là 1.451 tỷ đồng. Nguồn vốn đầu tư là ngân sách nhà nước hàng năm (gồm: ngân sách trung ương, ngân sách địa phương), vốn trái phiếu Chính phủ, nguồn vốn ODA.

Quy hoạch này sẽ triển khai xây dựng các cống lớn tại Phú Xuân, Mương Chuối, sông Kinh, Kinh Lộ, Kinh Hàng, Thủ Bộ và các cống nhỏ tại các rạch khác; xây dựng tuyến đê bao nối các cống; nạo vét các kênh trục thoát nước trung tâm thành phố về phía Nam. Tiếp đó xây dựng hai cống lớn tại Rạch Tra, Vàm Thuật và các cống nhỏ tại các rạch khác nối liền tiểu dự án hệ thống bờ hữu sông Sài Gòn; nạo vét các tuyến kênh trục bắc - nam. Sau cùng là khép kín toàn bộ hệ thống kiểm soát mực nước bằng các cống lớn khác và hoàn chỉnh tuyến đê bao.

Như vậy, từ năm 2000 đến nay, TP đã có 2 Quy hoạch tổng thể với rất nhiều dự án quy mô lớn nhỏ khác nhau để giải quyết tình trạng ngập là Quy hoạch 752 và 1574. Tổng số vốn được phê duyệt là gần 52.000 tỷ đồng. Nhưng hiệu quả ra sao?

Những dự án chống ngập “hoá vàng” ngân sách tại TP.HCM ảnh 3

Triều cường dâng cao gây ngập đường Lương Định Của (Q.2 cũ), nay thuộc TP.Thủ Đức.

Hơn 20 năm chống ngập, ngập vẫn hoàn ngập!

Trước những thay đổi bất thường của điều kiện tự nhiên, quá trình đô thị hoá và gia tăng dân số, tình trạng ngập ở TP có chiều hướng ngày càng tăng và khó lường nên chủ trương thực hiện các giải pháp xoá ngập, giảm ngập là đúng đắn. Tuy nhiên, quá trình triển khai các dự án và hiệu quả mà nó mang lại đến nay quả thật không tương xứng với những gì TP đã bỏ ra.

Theo số liệu thống kê của Sở Xây dựng TP (công bố tháng 5/2021), trong vòng 40 năm (1962 – 2001), trên địa bàn TP xuất hiện 9 trận mưa lớn trong 3 giờ, đạt vũ lượng trên 100mm. Riêng trong 20 năm trở lại đây đã xuất hiện 59 trận mưa tương tự. Đặc biệt trong năm 2020, thống kê của Sở cho thấy có 7 trận mưa chỉ trong 60 phút vũ lượng đã đạt tới 100mm – 212mm.

Năm 2008 trên địa bàn TP tồn tại 126 điểm ngập, trong đó có 85 điểm ngập vùng trung tâm và 41 điểm ngập vùng ngoại vi. Tính đến đầu năm 2011, TP đã xoá, giảm ngập xuống còn 58 điểm với 31 ở trung tâm và 27 ngoại vi. Đến năm 2015, TP còn 40 tuyến đường ngập.

Theo số liệu do Trung tâm Hạ tầng kỹ thuật TP (thuộc Sở Xây dựng) cung cấp, số trận mưa gây ngập trên địa bàn TP trong năm 2018, 2019 và 2020 tăng lần lượt là 19, 28 và 43 (lần). Tổng số tuyến đường ngập lần lượt là 25, 15 và 35 (tuyến đường). Một số tuyến đường ngập nước tồn tại đến năm 2020 là: Nguyễn Văn Hưởng, Thảo Điền (TP.Thủ Đức), Phan Văn Hớn, Song Hành Quốc lộ 22 (Hóc Môn), Hồ Học Lãm (Q.Bình Tân), Bạch Đằng, Đinh Bộ Lĩnh (Q.Bình Thạnh), An Dương Vương (Q.6), Phan Anh (Q.6 – Q.Tân Phú), Phạm Văn Chiêu, Phan Huy Ích (Q.Gò Vấp)...

Những dự án chống ngập “hoá vàng” ngân sách tại TP.HCM ảnh 4

Mưa lớn kết hợp triều cường gây ngập nặng ở đường Nguyễn Xí (Q.Bình Thạnh).

Theo thống kê, ngày 6/8/2020 TP đã hứng trận mưa to kỷ lục khiến nhiều tuyến đường ngập sâu. Trên khắp các mặt báo và mạng xã hội tràn ngập hình ảnh người dân bì bõm dắt xe lội nước, nhiều người phải tấp vào lề chờ nước rút thì mới di chuyển về nhà. Báo cáo của Trung tâm Quản lý hạ tầng kỹ thuật TP tại thời điểm này, cơn mưa đã gây ngập 38 tuyến đường. Lượng mưa có nơi lên đến 200mm.

Quay lại thời điểm hai năm trước đó, đêm 25/11/2018, do hoàn lưu bão nên một trận mưa rất lớn và kéo dài đã đổ xuống TP gây ra khoảng 60 điểm ngập. Lượng mưa đo được ở các trạm đều ở mức cao: Q.1 là 301mm, huyện Nhà Bè là 345mm, và cao nhất ở Q.Tân Bình là 407.6mm. Các đơn vị chống ngập phải huy động gần 700 nhân sự, vận hành 27 máy bơm công suất từ 168 đến 64.000m3/giờ để hỗ trợ những khu vực ngập nước.

Trong 27 năm từ 1980 – 2007, việc xâm nhập triều từ các con sông lớn có đỉnh đạt cao nhất dưới 1,5m (tại trạm Phú An, sông Sài Gòn). Trong 12 năm tiếp theo từ 2008 – 2020, số liệu ghi nhận đỉnh triều đã vượt mức +1,5m và số lần xuất hiện ngày càng dày. Đáng chú ý, từ năm 2016 – 2020 có những lúc đỉnh triều đã chạm mốc 1,8m trong 143 lần xuất hiện. Nếu so với quy hoạch được ban hành năm 2001 kể trên, mực nước triều đã vượt gần 0,5m.

Trong giai đoạn từ 2018 – 2020, số tuyến đường ngập do triều cường ở TP thay đổi thất thường, lần lượt là 11, 14 và 10 (tuyến đường). Có những thời điểm, mực nước triều dâng rất cao, như tại trạm Nhà Bè năm 2019 ghi nhận đỉnh triều là +1,8m. Năm 2020, ghi nhận con số là +1,71m. Một số tuyến đường thường xuyên chịu ảnh hưởng của triều là: Lương Định Của (TP.Thủ Đức), Lê Văn Lương, Đào Sư Tích, Nguyễn Bình (Nhà Bè), Phú Định (Q.8), Trần Xuân Soạn, Phạm Hữu Lầu (Q.7), Trương Đình Hợi, Nguyễn Tất Thành (Q.4)...

Những dự án chống ngập “hoá vàng” ngân sách tại TP.HCM ảnh 5

Đợt triều cường ngày 6/11/2021 vừa qua gây ngập nhiều tuyến đường như: Lương Định Của (TP.Thủ Đức), Trần Xuân Soạn (Q.7),...

Trong đợt triều cường mới nhất, ngày 6/11/2021 Đài Khí tượng Thủy văn khu vực Nam Bộ cho biết triều cường trên hệ thống sông Sài Gòn - Đồng Nai lên cao và đạt đỉnh 1,72m. Đỉnh triều tại trạm Phú An (sông Sài Gòn) đạt mức 1,68m lúc 18 giờ; đỉnh triều tại trạm Nhà Bè (kênh Đồng Điền) đạt mức 1,72m lúc 17 giờ cùng ngày. Đợt triều này cũng gây ngập nặng cho đa số các tuyến đường nói trên.

Từ các số liệu có thể thấy, các điểm ngập nước do mưa và do triều thay đổi thất thường trong nhiều năm trở lại đây, đặc biệt là mức độ ảnh hưởng của triều cường ngày càng nặng cản trở sự phát triển kinh tế xã hội của TP. Nhiều dự án thuộc hai Quy hoạch tổng thể đến nay vẫn chưa hoàn thành hoặc rơi vào quên lãng là một trong những lý do bên cạnh sự thiếu đồng bộ trong chống ngập dẫn đến những bất cập trong thời gian dài. TP cũng đã thừa nhận, hai quy hoạch 752 và 1547 đã không còn phù hợp nên đến giữa năm 2021, TP.HCM đã trình Thủ tướng phê duyệt chủ trương lập đồ án điều chỉnh cả 2 quy hoạch này.

Theo Sở Xây dựng, tổng vốn đầu tư thực hiện các dự án thuộc chương giảm ngập nước giai đoạn 2016-2020 đã được giao 28.465 tỷ đồng/96.527 tỷ đồng, đạt tỷ lệ 29,5%. Kế hoạch giảm ngập nước cho TP giai đoạn 2021 – 2025, TP cần khoảng 101.000 tỷ đồng (tương đương 4,3 tỷ USD) để cải tạo hệ thống thoát nước. Số tiền này sẽ đầu tư vào các dự án thuộc quy hoạch 752 (về tổng thể hệ thống thoát nước của TP đến năm 2020) hơn 38.100 tỷ đồng. Các dự án thuộc quy hoạch 1547 (quy hoạch thủy lợi chống ngập úng khu vực TP) hơn 20.600 tỷ đồng. Các dự án xây dựng nhà máy xử lý nước thải 41.000 tỷ đồng. Và các công trình khác hơn 1.700 tỷ đồng.

Những dự án chống ngập “hoá vàng” ngân sách tại TP.HCM – Bài 2: Cống Kiểm soát triều và trạm bơm 20 năm chưa xong

TIN LIÊN QUAN
Thiếu tá Hà Thanh thuyết minh phòng truyền thống cho các chiến sĩ mới.
Không phải cứ cầm súng mới là chiến đấu
(Ngày Nay) - Là một người vợ, một người mẹ nhưng trên hết là một người con của Tổ quốc, những nữ quân nhân luôn xứng đáng được tôn vinh với sự hi sinh cao cả cho sự nghiệp bền vững của dân tộc. Hơn 15 năm công tác tại quân đội, Thiếu tá Đinh Thị Hà Thanh luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ của mình, tỏa sáng với phẩm chất “Anh hùng - bất khuất - trung hậu - đảm đang”.
Quân đội Ukraine thiếu hụt nhân lực nghiêm trọng
Quân đội Ukraine thiếu hụt nhân lực nghiêm trọng
(Ngày Nay) - Vào một buổi chiều giá lạnh gần đây tại thành phố Kovel, miền Tây Ukraine, một người đàn ông tóc bạc, mặc quân phục chuẩn bị lên tàu. Vài phút sau, tàu rời ga trong một hành trình dài về phía Đông đất nước, hướng đến tiền tuyến trong cuộc chiến với Nga.
Ảnh minh hoạ.
Nga phát triển phương pháp mới chống bệnh huyết khối
(Ngày Nay) - Các nhà khoa học thuộc Đại học Vật lý và Công nghệ Moskva và Trung tâm Khoa học Lâm sàng Liên bang về Y học Hóa lý mang tên Lopukhin trực thuộc Cơ quan Y Sinh Liên bang của Nga đã phát triển một phương pháp mới để phân tích các hoạt chất sinh học có tác dụng trong việc tìm kiếm thuốc chống đông máu - những chất ngăn chặn hình thành cục máu đông.
Tiết mục biểu diễn văn nghệ của các thành viên Tổ chức Giao lưu Văn hóa Việt Nam-Australia (VACEO). Ảnh: Lê Đạt/PV TTXVN tại Australia.
2024 là năm "bội thu" của ngoại giao văn hóa Việt Nam
(Ngày Nay) - Trao đổi văn học nghệ thuật, trao đổi văn hóa du lịch, giao lưu thể thao, trao đổi học thuật, trao đổi triển lãm và các hoạt động văn hóa khác là những biểu hiện chính của ngoại giao văn hóa.
Tìm hiểu vaccine ngừa ung thư của Nga
Tìm hiểu vaccine ngừa ung thư của Nga
(Ngày Nay) - Nga vừa thông báo tuyển tình nguyện viên để thử nghiệm lâm sàng vaccine ngừa ung thư mới có tên là Enteromix. Vaccine do Trung tâm Nghiên cứu Y học Quốc gia về X quang của Bộ Y tế và Viện Y sinh Engelhardt thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Nga hợp tác điều chế, được Nga tuyên bố là bước đột phá trong cuộc chiến chống ung thư.