Hàng loạt cống kiểm soát triều và trạm bơm được xây dựng
Sau khi hai Quy hoạch kể trên được phê duyệt, TP đã triển khai hàng loạt dự án chống ngập do mưa và triều cường. Theo thống kê của Trung tâm Hạ tầng kỹ thuật TP (thuộc Sở Xây dựng), trên địa bàn toàn TP hiện nay có 9 hệ thống kiểm soát triều và trạm bơm cố định, cụ thể là: Trạm bơm Thanh Đa (Q.Bình Thạnh) tổng công suất 2.520m3/h, Trạm bơm Mễ Cốc 1 (Q.8) tổng công suất là 2.520m3/h, Trạm bơm Mễ Cốc 2 (Q.8) tổng công suất 3.780m3/h, Trạm bơm Phú Lâm (Q.6) tổng công suất là 54.000m3/h;
Cống kiểm soát triều và trạm bơm Rạch Lăng (Q.Bình Thạnh) tổng công suất là 60.000m3/h, Cống kiểm soát triều Bình Triệu (Q.Bình Thạnh), Cống kiểm soát triều và Trạm bơm Bình Lợi (Q.Bình Thạnh) tổng công suất là 140.000m3/h, Cống kiểm soát triều và trạm bơm rạch Nhảy – Ruột Ngựa (Q.8) tổng công suất là 84.000m3/h, Cống kiểm soát triều và trạm bơm Nhiêu Lộc Thị Nghè (Q.Bình Thạnh) tổng công suất là 172.800m3/h.
Cống kiểm soát triều và trạm bơm Rạch Lăng (Q.Bình Thạnh) tổng công suất là 60.000m3/h. |
Ngoài ra, trên địa bàn TP còn có hơn 20 trạm bơm/máy bơm di động nằm rải rác khắp các quận huyện để khẩn cấp xử lý tình trạng ngập nước. Trong đó có: Máy bơm tại cửa xả số 8 đường Nguyễn Văn Hưởng (TP.Thủ Đức), Máy bơm Văn Thánh đường Nguyễn Văn Thương (Q.Bình Thạnh), Trạm bơm cửa xả rạch Cây Liêm (Q.12), Máy bơm Cầu An Lạc 7 (Q.Bình Tân), Máy bơm An Dương Vương 1, An Dương Vương 2 (Q.6), Trạm bơm đường Lưu Hữu Phước (Q.8)...
Tổng số máy bơm theo thiết kế tại các Cống kiểm soát triều và trạm bơm cố định, các trạm bơm/máy bơm di động lên đến hơn 60 máy với công suất hoạt động cùng lúc ước tính đạt hơn 543.000m3/h.
Chiều một ngày đầu tháng 11, chúng tôi có mặt ghi nhận thực tế tại khu vực Trạm bơm Mễ Cốc 1, Mễ Cốc 2, Cống kiểm soát triều và trạm bơm Rạch Nhảy – Ruột Ngựa. Người dân ở đây cho biết, khoảng trước năm 2007, nơi đây vẫn là vùng thấp trũng nên thường xuyên bị ngập, đường xá thành sông, nước tràn vào nhà, có thời điểm ngập sâu cả mét. Tuy nhiên, sau khi công trình chống ngập được hoàn thành vào năm 2007 và dự án cải thiện môi trường nước lưu vực kênh Tàu Hũ – Bến Nghé – Đôi – Tẻ giai đoạn 1 được tài trợ bởi Cơ quan hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) triển khai, tình trạng ngập đã giảm nhiều.
Khu vực Trạm bơm Mễ Cốc 1 thời gian qua xuất hiện nhiều vấn đề về vệ sinh môi trường nước. |
Một kỹ sư cầu đường tại khu vực hồ điều tiết Trạm bơm Mễ Cốc 1 cho hay: “Tôi về đây đã hơn 12 năm, lúc đầu triều cường lên là ngập mênh mông, nhưng giờ có máy bơm thì đỡ hơn nhiều. Triều cường lên cao, máy bơm sẽ bơm ra ngoài sông lớn nên người dân đỡ khổ một tý. Tuy nhiên, do nước trong khu vực điều tiết không lưu thông nên nước thải sinh hoạt chảy ra rất dơ và hôi, nhiều lúc lục bình đầy mặt nước. Tôi nghĩ đã đến lúc xem xét lại việc vệ sinh ở vị trí này vì kè ở sông đã được xây dựng, nước triều cũng khó xâm nhập”.
Không riêng gì khu vực Mễ Cốc, Cống kiểm soát triều và trạm bơm Nhiêu Lộc Thị Nghè, Trạm bơm Thanh Đa, Trạm bơm Phú Lâm... cũng được đưa vào sử dụng từ lâu và ít nhiều đáp ứng hiệu quả. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều dự án khác chưa thể hoàn thành, thậm chí xuất hiện nhiều bất cập dù đã triển khai xây dựng, lắp đặt hai thập kỷ.
20 năm chưa có máy bơm
Thời điểm cuối năm những năm 2000, triều cường thường xuyên dâng cao tràn vào vùng ven ở Q.Bình Thạnh và Q.Thủ Đức (cũ) khiến đường xá, nhà cửa, ruộng vườn của người dân ngập sâu. Những ngày có mưa, nước lũ và triều cường hoạt động cùng lúc khiến khả năng tiêu thoát của hệ thống thoát nước gặp vấn đề, dẫn đến ngập nặng.
Để giải quyết tình trạng này, năm 2002 TP đã triển khai thực hiện dự án kiểm soát nước triều cầu Bông - Bình Triệu - Bình Lợi - Rạch Lăng. Công trình bao gồm các hạng mục cống kiểm soát triều tại các cửa rạch cầu Bông, Bình Triệu, Bình Lợi, rạch Lăng và thi công xây dựng lắp các cửa van ngăn triều tại các cửa xả trực tiếp ra sông Sài Gòn và kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè.
Công trình được kỳ vọng sẽ giải quyết ngập trên lưu vực 878ha thuộc 11 phường ở Q.Bình Thạnh, trong đó có 420ha ngập thường xuyên với khoảng 80.000 người bị ảnh hưởng. Dự án có tổng kinh phí trên 165 tỷ đồng (khoảng 10 triệu USD vào thời điểm này).
Theo thiết kế, Cống kiểm soát triều và trạm bơm Bình Triệu là loại cửa sập, đóng mở bằng hệ thống xi lanh thuỷ lực, có kích thước ngang 20m x cao 5,5m. Cống kiểm soát triều và trạm bơm Rạch Lăng ngang 20m x cao 5,2m, trọng lượng cửa 51 tấn, hệ thống xi lanh hành trình đóng mở 6m; trạm bơm công suất 60.000m3/h gồm 6 máy bơm. Cống kiểm soát triều và trạm bơm Bình Lợi có kích thước, trọng lượng cửa và hệ thống xi lanh trình đóng mở tương tự Cống Bình Triệu; trạm bơm công suất 140.000m3/h gồm 10 máy bơm.
Theo ghi nhận của chúng tôi, ba Cống kiểm soát triều và máy bơm thuộc dự án này đã được xây dựng gần như hoàn chỉnh và hoạt động có chừng mực. Tất cả đều có nhà điều hành khang trang, rộng rãi và luôn có nhân sự túc trực. Tuy nhiên, theo tài liệu chúng tôi thu thập được, Cống kiểm soát triều và trạm bơm Bình Lợi vẫn chưa được lắp đặt 10 máy bơm như thiết kế, công trình chỉ mới hoàn thành cửa ngăn triều và nhà điều hành.
Trong khi đó, cống trình kiểm soát nước triều cầu Bông (giáp với kênh Nhiêu Lộc – Thị Nghè) được thiết kế vận hành tự động theo sự thay đổi mực nước ở thượng, hạ lưu cống và nhu cầu ngăn hay tháo triều, vẫn chưa được xây dựng dù dự án đã triển khai 20 năm.
Cống trình kiểm soát nước triều cầu Bông (giáp với kênh Nhiêu Lộc – Thị Nghè) chưa được xây dựng. Khu vực này nhiều lần bị nhắc tên vì ô nhiễm. |
Được biết, từ năm 2002, dự án kể trên cũng liên tục phải tạm dừng rồi triển khai. Đặc biệt, vào năm 2015, UBND TP đã phê bình nghiêm khắc Trung tâm Điều hành chương trình chống ngập nước TP vì đã không thực hiện chỉ đạo liên quan đến các dự án thành phần thuộc cụm kiểm soát triều này. Theo UBND TP, chủ đầu tư phải chịu trách nhiệm về những thiệt hại do đã để kéo dài thời gian thực hiện gói thầu TB1 - Cung cấp thiết bị trạm bơm cho cụm kiểm soát triều Bình Lợi thuộc dự án Kiểm soát nước triều cầu Bông - Bình Triệu - Bình Lợi - Rạch Lăng.
Về nguyên lý hoạt động, khi mức thủy triều của sông cao, cổng ngăn triều được đóng lại. Trong thời gian này, nếu có mưa lớn làm mực nước trong kênh dâng lên, vượt +0.5m, một số máy bơm sẽ khởi động. Các máy bơm đều được vận hành cho đến khi mực nước trong kênh hạ xuống đến +0.5m và toàn bộ máy bơm sẽ tắt khi mực nước trong kênh hạ đến +0.45m.
Theo nghiên cứu của Cơ quan hợp tác Quốc tế Nhật Bản JICA, việc cải thiện hệ thống thoát nước mới được phân tích cho trường hợp bất lợi với mưa lớn xảy ra cùng lúc với triều cường. Để bảo đảm thoát nước cho lưu vực, cần phải lắp đặt máy bơm đúng công suất tại cống ngăn triều Bình Lợi theo như kế hoạch. Đồng thời cần bổ sung máy bơm với công suất 60.000m3/h tại cổng ngăn triều Bình Triệu.
Không chỉ riêng dự án kể trên dang dở, nhiều công trình khác với tổng mức đầu tư hàng ngàn tỷ đồng cũng chưa thể hoàn thành vì nhiều lý do, có thể kể đến như: Dự án Giải quyết ngập do triều khu vực TP.HCM có xét tới yếu tố biến đổi khí hậu (giai đoạn 1), Dự án cải thiện môi trường nước giai đoạn 2, các nhà máy xử lý nước thải...
Những dự án chống ngập “hoá vàng” ngân sách tại TP.HCM – Bài 3: Dự án 10.000 tỷ đồng xây dựng 90% rồi “đắp chiếu”?