Ủy ban Kiểm tra Trung ương cũng chỉ ra rằng, việc Tổng công ty 3/2 biến gần 190ha đất công thành đất tư có sự “giúp sức” của Ban thường vụ Tỉnh ủy Bình Dương nhiệm kỳ 2015 - 2020, Ban cán sự Đảng UBND tỉnh Bình Dương nhiệm kỳ 2016 - 2021 và hàng loạt các bộ chủ chốt của tỉnh Bình Dương như ông Trần Văn Nam - Bí thư Tỉnh ủy Bình Dương,…
Vậy, việc biến gần 190ha đất công thành đất tư diễn ra như thế nào?
Khu đất 43ha nằm ở mặt tiền 2 tuyến đường lớn nhất nhì TP.Thủ Dầu Một. |
Khởi tố vụ án 43ha đất công về tay tư nhân
Năm 2003, Thủ tướng Chính phủ đồng ý thành lập Khu liên hợp Công nghiệp - dịch vụ - đô thị Bình Dương (Khu liên hợp). Sau đó, chính quyền tỉnh Bình Dương chấp thuận cho Tổng công ty 3/2 thuộc Tỉnh ủy Bình Dương đầu tư dự án Khu đô thị - thương mại - dịch vụ Tân Phú (Khu đô thị Tân Phú) với tổng diện tích 43ha. Khu đất này tọa lạc tại ngã tư 2 tuyến đường lớn là Hùng Vương và Võ Văn Kiệt phường Hòa Phú, TP.Thủ Dầu Một.
Ngày 1/7/2010, Tổng Công ty 3/2 đã ký hợp đồng thỏa thuận với Công ty CP Bất động sản Âu Lạc (Công ty Âu Lạc), liên doanh thành lập Công ty TNHH Đầu tư Xây dựng Tân Phú (Công ty Tân Phú). Việc này được Tỉnh ủy Bình Dương đồng ý chủ trương vào tháng 8/2010.
Ngày 9/9/2010, Công ty Tân Phú được thành lập với vốn điều lệ 200 tỷ đồng, trong đó Tổng Công ty 3/2 góp 60 tỷ đồng, tương ứng 30% và Công ty Âu Lạc góp 70%, tương ứng 140 tỷ đồng.
Tháng 12/2016, Tổng Công ty 3/2 đã chuyển nhượng 43ha đất công sang Công ty Tân Phú với giá hơn 250 tỷ đồng (đơn giá 581.653 đồng/m2), trong đó, riêng phần bồi thường giải phóng mặt bằng và hạ tầng kết nối là hơn 245 tỷ đồng, tương ứng 570.000 đồng/m2 theo hợp đồng liên doanh được ký năm 2010.
Dự án hiện nay đã được chuyển nhượng sang Kim Oanh Group với giá chỉ hơn 350 tỷ đồng. |
Căn cứ theo bảng giá đất năm 2016 do UBND tỉnh Bình Dương ban hành, với đất ở đô thị trên địa bàn TP.Thủ Dầu Một tại vị trí 1 có giá 24,57/m2 triệu đồng, vị trí 2 là 7,7 triệu đồng/m2, vị trí 3 là 5,64 triệu đồng/m2. Như vậy, nếu áp đúng giá mà UBND tỉnh Bình Dương đã đưa ra thì riêng phần diện tích đất ở tại KĐT Tân Phú đã có giá trị hơn 2.000 tỷ đồng.
Như vậy, việc Tổng Công ty 3/2 sử dụng đơn giá theo hợp đồng từ năm 2010 vào thời điểm chuyển nhượng 43ha đất vào năm 2016 rất bất hợp lý, có dấu hiệu thất thoát của Nhà nước hàng trăm, thậm chí hàng nghìn tỷ đồng. Đó là chưa kể đến việc, nếu khu đất được đưa ra đấu giá công khai, bán theo giá thị trường thì giá trị thực tế còn cao hơn rất nhiều.
Đến ngày 13/3/2017, Tổng Công ty 3/2 tiếp tục có công văn gửi Tỉnh ủy Bình Dương, xin chủ trương chuyển nhượng 30% cổ phần tại Công ty Tân Phú cho Công ty Âu Lạc. Một tháng sau đó, Tỉnh ủy Bình Dương đã có văn bản đồng ý chủ trương này.
Được sự đồng ý từ Tỉnh ủy Bình Dương, ngày 2/8/2017, Tổng Công ty 3/2 chuyển nhượng phần vốn góp 60 tỷ đồng, tương ứng 30% vốn điều lệ tại Công ty Tân Phú cho Công ty Âu Lạc với giá chuyển nhượng là 161,1 tỷ đồng. Theo Tổng Công ty 3/2, việc chuyển nhượng này đã mang lại khoản lợi nhuận hơn 100 tỷ đồng.
Đến tận tháng 10/2018, Tỉnh ủy Bình Dương mới ra thông báo thu hồi văn bản đồng ý chủ trương chuyển nhượng 30% vốn góp tại Công ty Tân Phú để kiểm tra. Tuy nhiên, lúc này “gạo đã nấu thành cơm” khi toàn bộ cổ phần tại Công ty Tân Phú cùng khu đất 43ha đã được chuyển nhượng qua doanh nghiệp tư nhân.
Khu đất 43ha đã tạm ngừng thi công từ vài năm qua, bên trong ngổn ngang. |
Thâu tóm xong Công ty Tân Phú, Công ty Âu Lạc đã “sang tay” toàn bộ cổ phần cho Kim Oanh Group với giá hơn 350 tỷ đồng. Như vậy, chỉ với hơn 350 tỷ đồng, Kim Oanh Group đã sở hữu được khu đất công 43ha ngay trung tâm thành phố mới Bình Dương, một mức giá không tưởng.
Sau đó, UBND tỉnh Bình Dương đã thành lập Đoàn Thanh tra, tiến hành thanh tra toàn bộ dự án. Kết quả thanh tra đã phát hiện nhiều dấu hiệu vi phạm pháp luật liên quan đến việc góp vốn và chuyển nhượng vốn góp của Tổng công ty 3/2 tại Công ty Tân Phú. Do dấu hiệu vượt quá thẩm quyền của Đoàn Thanh tra nên UBND tỉnh Bình Dương đã có quyết định chuyển hồ sơ sang Cơ quan Cảnh sát Điều tra - Công an tỉnh Bình Dương.
Tháng 4/2020, Cơ quan Cảnh sát điều tra, Công an tỉnh Bình Dương đã khởi tố vụ án, sau đó chuyển hồ sơ về Bộ Công an tiếp tục điều tra. Vụ án cũng được Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng đưa vào diện theo dõi, chỉ đạo. Đến nay, Hàng loạt lãnh đạo tại Tổng Công ty 3/2, Công ty Âu Lạc, Công ty CP Tư vấn và Thẩm định giá Đông Nam đã bị cơ quan điều tra bắt giữ. Hai sổ đỏ của Công ty Tân Phú tại khu đất 43ha cũng đã bị Cơ quan điều tra phong tỏa.
Chuyển nhượng phần vốn góp bằng giá trị sử dụng đất công cho công ty tư nhân của con gái
Ngoài ra, Tổng Công ty 3/2 còn sử dụng 145ha đất công trong Khu liên hợp làm vốn góp để lập công ty liên doanh với đối tác nước ngoài để thực hiện dự án sân gôn.
Cụ thể, ngày 12/10/2007, Tổng Công ty 3/2 ký hợp đồng liên doanh với 2 đối tác Hàn Quốc, thành lập Công ty Cổ phần Đầu tư Phát triển Tân Thành (Công ty Tân Thành) để thực hiện khu phức hợp có tên Butterfly Island Golf Resort & Country Club, bao gồm 1 sân golf 18 lỗ, câu lạc bộ giải trí, khu căn hộ cao tầng, khu nhà ở cao cấp và khu thương mại có tổng diện tích 150ha.
Vốn điều lệ của Công ty Tân Thành là 30 triệu USD, trong đó Tổng công ty 3/2 góp 30% vốn điều lệ bằng quyền sử dụng đất, trị giá 9 triệu USD cho cả khu đất 150ha (khoảng 6 USD/m2). Con số 9 triệu USD (tương ứng 6 USD/m2) cho khu đất 145ha này do Tổng Công ty 3/2 tự định giá để đàm phán với đối tác.
Trong thương vụ này, Tổng Công ty 3/2 đã “tiền trảm hậu tấu” khi tự ý ký hợp đồng liên doanh trước khi được Tỉnh ủy và UBND tỉnh Bình Dương thống nhất chủ trương.
Ngày 17/10/2007, tức 5 ngày sau khi ký hợp đồng, Tổng Công ty 3/2 mới gửi công văn đến UBND tỉnh Bình Dương xin chủ trương liên doanh với đối tác nước ngoài để thực hiện dự án. Đến ngày 25/10/2007, UBND tỉnh Bình Dương mới có văn bản phê duyệt chủ trương này.
Khu đất 145ha hiện nay là sân gôn Harmonie Golf Park. |
Mặc dù Tổng Công ty 3/2 đem 145ha đất công đi liên doanh từ năm 2007 nhưng đến tận năm 2013, đơn vị này mới được UBND tỉnh Bình Dương giao đất và Sở TNMT tỉnh Bình Dương cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.
Trong khi đó, đến năm 2011, hai đối tác Hàn Quốc đã chuyển nhượng toàn bộ phần vốn góp tại Công ty Tân Thành cho Công ty Cổ phần Hưng Vượng và Công ty TNHH Phát Triển. Từ thời điểm này, Công ty Tân Thành có 3 cổ đông là Tổng Công ty 3/2 (30% vốn điều lệ), Công ty Hưng Vượng (38%) và Công ty Phát Triển (32%).
Năm 2016, thời điểm này hạ tầng của Khu liên hợp đã tương đối hoàn chỉnh, đồng nghĩa với việc giá trị bất động sản tại khu vực này đã tăng lên chóng mặt.
Tuy nhiên, trong thỏa thuận giữa Tổng Công ty 3/2 và Công ty Tân Thành thống nhất mỗi m2 của khu đất có giá 16 USD, trong đó 6 USD là giá trị quyền sử dụng đất và 10 USD là giá trị hạ tầng của khu đất. Việc một khu đất được đầu tư hạ tầng bài bản nhưng từ năm 2007 đến 2016 vẫn định giá giữ nguyên giá trị là một điều bất thường.
Đến năm 2017, Tổng Công ty 3/2 đã ký hợp đồng với Công ty Tân Thành về việc góp vốn bằng giá trị quyền sử dụng đất. Giá trị của Công ty Tân Thành cũng tăng vọt từ 650 tỷ đồng lên hơn 5.744 tỷ đồng. Vào cuối năm 2018, Tổng Công ty 3/2 đã phải bỏ ra hơn 964 tỷ đồng để mua lại 19% cổ phần tại Công ty Tân Thành để nâng số cổ phần sở hữu lên 49%.
Theo Hợp đồng chuyển nhượng phần vốn góp đã ký với đối tác Hàn Quốc vào năm 2011, phần vốn góp của Công ty TNHH Phát Triển tại Công ty Tân Thành là 9,6 triệu USD, tương ứng 32% vốn điều lệ. Như vậy, với việc giá trị Công ty Tân Thành tăng lên chóng mặt, theo tỷ lệ phần vốn góp của Công ty Phát Triển cũng tăng lên hơn 1.800 tỷ đồng.
Điều đáng nói, Công ty TNHH Phát Triển do bà Nguyễn Thục Anh, con gái ông Nguyễn Văn Minh - Chủ tịch HĐQT Tổng Công ty 3/2 làm đại diện pháp luật.
Ủy ban Kiểm tra Trung ương chỉ ra rằng, những sai phạm liên quan đến 2 khu đất tổng cộng 188ha trên, gây thất thoát số tiền khoảng 2.700 tỷ đồng.