Bình luận giá điện trên Facebook, 20 hộ dân bị yêu cầu kiểm định đồng hồ

Hợp tác xã điện ở Hà Tĩnh ghi tên từng người bình luận việc tăng giá điện trên mạng, gửi văn bản đề nghị đưa đồng hồ đi thẩm định.
Bình luận giá điện trên Facebook, 20 hộ dân bị yêu cầu kiểm định đồng hồ

Trung tuần tháng 9, Hợp tác xã kinh doanh tổng hợp điện Thành Tâm (huyện Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh) gửi văn bản cho 20 hộ gia đình mua điện của hợp tác xã, thông báo sẽ tháo đồng hồ đo đếm "vì không nhận được phản ánh trực tiếp mà chỉ nhận các lời chỉ trích qua mạng về tình trạng giá điện sử dụng".

"Sau khi tháo, đồng hồ sẽ được hộ gia đình đưa đi thẩm định tại cơ quan thẩm định của nhà nước quy định. Trong quá trình chờ thẩm định đồng hồ, hợp tác xã tạm ngừng cấp điện", văn bản của hợp tác xã nêu.

Nhiều hộ dân ở xã Cẩm Nhượng sử dụng điện của Hợp tác xã Thành Tâm phản ánh, ba tháng gần đây, hóa đơn tiền điện tăng bất thường, có tháng chênh lệch hơn một triệu đồng. Họ đã đồng loạt viết đơn phản ánh bất cập gửi lên nhà chức trách. Nhiều người bức xúc đã đăng lên Facebook chỉ trích, bình luận.

"Trước đây, trung bình mỗi tháng gia đình tôi chỉ phải trả khoảng 500.000 đồng đến 700.000 đồng, ba tháng gần đây tiền điện tăng vọt từ 1,1 triệu đồng đến 1,3 triệu đồng. Bức xúc, tôi phản ánh lên mạng thì bị gửi văn bản", một người dân nói.

Chủ nhiệm Hợp tác xã điện Thành Tâm Nguyễn Trọng Dũng cho biết có ra văn bản đề nghị 20 hộ dân viết bình luận phản ánh tăng giá điện đi thẩm định lại đồng hồ điện, song chỉ có 3 hộ thực hiện, còn lại thì không.

"Khi họ phản ánh, chúng tôi cho người tới kiểm tra xem có đọc lộn số hoặc bị chập điện không. Khi không có sai sót, muốn xác định dùng điện nhiều hay ít thì chỉ có cách đi thẩm định đồng hồ điện. Hiện có hai hộ sau khi đi thẩm định về không còn khiếu nại, một hộ vẫn chưa hợp tác", ông Dũng nói.

Theo vị chủ nhiệm, khi thấy người dân bình luận trên Facebook, ông đã cho nhân viên ghi lại tên từng người để làm việc cho rõ ràng. Ông Dũng khẳng định hợp tác xã thu đúng, không bao giờ ăn chặn tiền của dân.

Ông Nguyễn Văn Hùng, quyền Chủ tịch UBND xã Cẩm Nhượng thì cho rằng hợp tác xã làm như vậy là sai, bởi người tiêu dùng có thể bình luận, phản ánh về việc sử dụng dịch vụ. Để biết sai hay đúng thì nên đến xác minh, giải thích rõ ràng, chứ không nên ra văn bản đề nghị dân đưa đồng hồ đi thẩm định.

"Xã đã mời đại diện hợp tác xã lên làm việc, họ hứa sẽ khắc phục tồn tại trên. Hiện còn một hộ dân sau khi được yêu cầu tháo đồng hồ chưa chấp nhận đấu nối lại để phản ứng", ông Hùng cho hay.

Đến nay, lý do tiền điện của các hộ này tăng vọt vẫn chưa có câu trả lời nào.

Hợp tác xã kinh doanh tổng hợp điện Thành Tâm cung cấp điện cho gần 3.000 hộ dân ở xã Cẩm Nhượng (Cẩm Xuyên). Giá điện của hợp tác xã là 2.827 đồng/KW (chưa thuế giá trị gia tăng), trong khi đó điện lực nhà nước thu 2.461 đồng/KW.

Ông Bùi Quang Quân, Giám đốc Điện lực huyện Cẩm Xuyên thông tin, trước kia, hệ thống điện của tỉnh Hà Tĩnh hoạt động theo mô hình hợp tác xã. Các đơn vị này phối hợp với chính quyền địa phương, xây dựng hệ thống trạm điện, đường dây hạ thế..., sau đó họ lập công ty cổ phần mua điện của nhà nước về bán lại cho người dân để hưởng chênh lệch.

Từ năm 2009, Chính phủ có chủ trương chuyển đổi mô hình này cho ngành điện quản lý. Hiện toàn tỉnh đã bàn giao được 257/262 xã, còn tồn tại 5 xã hoạt động theo mô hình hợp tác xã, trong đó có xã Cẩm Nhượng. Việc chuyển đổi không bắt buộc, nếu hợp tác xã làm đúng các quy định của nhà nước thì có thể giữ lại để hoạt động.

Theo ông Quân, nếu người dân muốn sử dụng điện của nhà nước, thì hợp tác xã phải được bàn giao cho ngành điện, khi đó mới có thể bán điện trực tiếp. Còn hiện tại, tài sản hình thành ban đầu là của hợp tác xã, nên ngành điện muốn bán trực tiếp cho dân cũng không thể được, và người dân cũng không thể tự chuyển đổi hình thức sử dụng dịch vụ.

"Thông thường thì hợp tác xã làm ăn có lãi nên họ mới giữ lại để hoạt động. Nếu chính quyền mạnh tay, xét trên lợi ích của dân, có thể quyết định bàn giao để dân hưởng lợi trực tiếp, còn hiện tại thì người dân đang phụ thuộc", ông Quân nói.

Theo Vnexpress
Thủ tướng Phạm Minh Chính và Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam tới sân bay quốc tế Trường Thủy (thành phố Côn Minh, tỉnh Vân Nam, Trung Quốc), bắt đầu chuyến công tác tham dự Hội nghị Thượng đỉnh GMS, Hội nghị Cấp cao ACMECS, Hội nghị Cấp cao CLMV và làm việc tại Trung Quốc. Ảnh: VGP/Nhật Bắc.
Thủ tướng tới Vân Nam, bắt đầu chuyến công tác tại Trung Quốc
(Ngày Nay) - Sáng 5/11, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam đã tới sân bay quốc tế Trường Thủy (thành phố Côn Minh, tỉnh Vân Nam, Trung Quốc), bắt đầu chuyến công tác tham dự Hội nghị Thượng đỉnh GMS, Hội nghị Cấp cao ACMECS, Hội nghị Cấp cao CLMV và làm việc tại Trung Quốc từ ngày 5 đến ngày 8/11/2024.
Cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump (trái) và Phó Tổng thống Kamala Harris đang chạy đua với thời gian. Ảnh: ABC.
Cuộc đua sít sao trước thềm ngày bầu cử Mỹ
(Ngày Nay) - Trước thềm ngày bầu cử Tổng thống Mỹ 2024 (5/11), hai ứng cử viên của đảng Dân chủ và đảng Cộng hòa đang chạy đua với thời gian nhằm kêu gọi sự ủng hộ của các nhóm cử tri chưa đưa ra quyết định, trong bối cảnh cuộc đua vào Nhà Trắng vẫn rất sít sao.
Khai thác chất liệu truyền thống dân tộc: Xu hướng sáng tác của nghệ thuật múa đương đại
Khai thác chất liệu truyền thống dân tộc: Xu hướng sáng tác của nghệ thuật múa đương đại
(Ngày Nay) - Cùng với các loại hình nghệ thuật khác, nghệ thuật múa Việt Nam đang tạo dấu ấn với công chúng trong việc khai thác những chất liệu truyền thống vào các tác phẩm, vừa giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc, vừa mang hơi thở cuộc sống đương đại vào các tác phẩm, tạo nên bản sắc của múa Việt trước thế giới.