Trước băn khoăn của dư luận về lộ trình thực hiện thí điểm chuyển dần viên chức giáo viên sang hợp đồng lao động, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cho rằng, đây là vấn đề lớn, có tác động đến hơn một triệu thầy cô giáo.
Trước mắt, sẽ nghiên cứu xây dựng đề án đề xuất thí điểm chuyển dần viên chức giáo viên sang hợp đồng lao động đối với một số trường đại học (ĐH) và một số trường trung học phổ thông có đủ điều kiện.
PV Tiền Phong đã có cuộc trao đổi với TS Vũ Thu Hương (Khoa giáo dục Tiểu học, ĐH Sư phạm Hà Nội) quanh vấn đề này.
Biên chế nhà nước là thứ duy nhất níu chân người tài?
Quan điểm của bà như thế nào về việc Bộ trưởng GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ nói sẽ thí điểm chuyển dần viên chức giáo viên sang hợp đồng lao động đối với một số trường đại học và một số trường trung học phổ thông có đủ điều kiện?
TS Vũ Thu Hương: Khi Bộ trường Phùng Xuân Nhạ phát biểu rằng sẽ bỏ biên chế tại trường Đại học, tôi đã nghĩ đến một tương lai khá không ổn cho các trường Đại học.
Đại học là nơi làm việc của rất nhiều nhân tài, ở đó có những người thực sự giỏi. Tuy rằng vẫn còn có một số giảng viên chưa phải là tài năng nhưng kiến thức của họ thừa đủ để làm ở rất nhiều môi trường khác nhau.
Đến tầm 35, 40 trở lên, phần lớn giảng viên đã lấy bằng tiến sĩ, có người còn có chức danh phó giáo sư, giáo sư. Công trình nghiên cứu của họ đã rất nhiều. Lúc này, khả năng của họ đã được khẳng định.
Danh tiếng của họ được hình thành và phát triển. Đến lúc này, công việc giảng viên ĐH không còn là quá tuyệt vời nữa khi họ thấy mức lương ba cọc ba đồng vẫn đeo bám họ suốt bao năm.
Ngoài chế độ bảo hiểm do biên chế đem lại, họ làm vì bổn phận, vì đam mê hoặc vì chính sự ràng buộc Biên chế mà họ đã kí cách đó hơn chục năm.
Chắc chắn rất nhiều các lưu học sinh là giảng viên ĐH sẽ chứng thực cho tôi rằng: trước khi đi ra nước ngoài học tập cao học, tiến sĩ, họ đều phải kí 1 bản cam kết là sau khi học sẽ trở về phục vụ cơ quan, phục vụ trường Đại học mà đã cho họ ra nước ngoài học tập.
Khi trở về nước, họ thực hiện cam kết của họ. Đến khi hết cam kết, Biên chế là thứ duy nhất níu chân họ. Ra khỏi biên chế không dễ dàng gì, họ ngại phải làm thủ tục, họ ngại làm mất lòng những thày cô đã hết lòng vì họ, họ ngại có sự ầm ĩ trong cơ quan khi bỏ biên chế….
Theo Bộ trưởng GD&ĐT, xóa biên chế chuyển sang chế độ hợp đồng đối với giáo viên là cần thiết để từng bước cải thiện thu nhập, nâng cao chất lượng đội ngũ gắn liền quá trình đổi mới, nâng cao chất lượng giáo dục. Bà có đồng tình với quan điểm này?
TS Vũ Thu Hương: Nhiều thạc sĩ, tiến sĩ sau khi học xong nước ngoài về lương bổng vẫn rất thấp, nhưng những cơ quan, doanh nghiệp bên ngoài lúc này sẵn sàng trả cho họ lương gấp 5 đến 10 lần để họ làm bán thời gian ở nơi đó. Đến lúc này, các giảng viên cảm thấy trường ĐH đang trả lương cho họ quá ít.
“Những giảng tài năng thật sự đang hưởng mức lương bèo bọt ở trường ĐH chắc chắn là đang đợi chờ quyết định này của bộ trưởng để họ có thể ra đi vui vẻ. Họ sẽ cảm ơn bộ trưởng rất nhiều. Điều trái ngược là các sinh viên thì không thể vui nổi. Khi đó, tấm bằng đại học của họ có còn giá trị như của lớp đàn anh hay không là câu hỏi lớn đặt ra với các ĐH”- TS Vũ Thu Hương .
Ở khoa của tôi, rất nhiều các giảng viên đã được các doanh nghiệp mời làm bán thời gian với mức lương 30, 50triệu thậm chí 70triệu/tháng. Họ từ chối để tiếp tục hoàn thành trách nhiệm của họ tại trường Đại học vì sự tự trọng, vì trách nhiệm và đặc biệt là vì họ còn đang trong Biên chế.
Nếu giờ đây, bộ trưởng Nhạ bỏ Biên chế để đổi thành Hợp đồng lao động ở các trường ĐH, tôi nghĩ rằng sẽ có một lượng khá lớn những nhân tài ra đi ngay lập tức.
Không còn ràng buộc biên chế, họ sẽ thỏa sức tung hoành ở những lĩnh vực mà họ làm chuyên gia. Điều đó vừa giúp họ thực hiện những ước mơ, biến những nghiên cứu của riêng họ thành hiện thực, vừa đem lại cho họ cuộc sống khá giả với mức lương cao gấp 10, 15 lần khi họ còn ngồi trên giảng đường ĐH.
Theo Tiến sĩ, bỏ biên chế giáo viên sẽ để lại hậu quả gì?
TS Vũ Thu Hương: Tôi muốn hỏi bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ, liệu bộ trưởng có thể cho giảng viên chúng tôi mức lương như doanh nghiệp hay không? Sau 20 năm làm việc tại trường ĐH Sư Phạm HN, mức lương của tôi hiện giờ vẫn là 7triệu. Liệu bộ trưởng có thể cho một người như tôi mức lương cao hơn gấp 5, 10 lần như các doanh nghiệp đã mời chào hay không?
Đó mới chỉ là tôi, một giảng viên chưa thực sự nhiều uy tín và kinh nghiệm trong giới khoa học. Còn các đại giáo sư với 30, 40, 50 năm kinh nghiệm, liệu bộ trưởng sẽ trả lương cho họ bao nhiêu?
Chúng tôi, giảng viên ĐH, có tiết thì vào dạy, không có thì phải ở nhà vì không có bàn làm việc trong cơ quan. Điều kiện thí nghiệm, nghiên cứu khoa học cũng kém. Mức lương thì quá tệ. Điều mà giữ chân chúng tôi chỉ ở Biên chế, khi việc rời bỏ biên chế giờ còn là vô cùng khó khăn và ít nhiều đem lại sự ầm ĩ, xôn xao mà không ai muốn có.
Nên xem xét lại một cách nghiêm túc
Vậy bà có đề xuất, kiến nghị gì về việc bỏ biên chế giáo viên?
TS Vũ Thu Hương: Nếu Bộ trưởng muốn những người thực sự có khả năng ra đóng góp cho doanh nghiệp hết, còn ai sẽ ở lại đào tạo sinh viên? Tôi nghĩ, đã đến lúc việc bỏ Biên chế nên xem xét lại một cách nghiêm túc chứ không phải là câu chuyện phát biểu mỗi lúc một khác như hiện nay.
Điều cuối cùng tôi muốn khẳng định, nếu các trường ĐH chuyển đổi từ biên chế sang hợp đồng lao động, tôi nghĩ những giảng viên tài năng họ sẽ vô cùng mừng rỡ và sẽ ra đi khỏi trường ĐH ngay lập tức để thỏa sức tung hoành với cuộc sống thoải mái và đầy đủ. Vì vậy, bộ Giáo dục trước tiên cần cân nhắc kĩ lưỡng vấn đề này.
Nếu bộ có đủ người thay thế cho lực lượng giảng viên tài năng đi khỏi trường ĐH khi bỏ biên chế, tôi nghĩ việc bỏ biên chế chắc chắn sẽ được hoan nghênh nhiệt liệt. Còn nếu không, việc bỏ biên chế tại trường ĐH đúng là cần xem xét lại trước khi thực hiện.