Doanh nghiệp không có khả năng phục hồi sẽ không được vay vốn
Ngay sau Nghị định 31/2022/NĐ-CP của Chính phủ về hỗ trợ lãi suất từ ngân sách Nhà nước đối với khoản vay của doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh được ban hành, Ngân hàng Nhà nước đã khẩn trương ban hành Thông tư 03/2022/TT-NHNN hướng dẫn thực hiện và tổ chức Hội nghị trực tuyến toàn ngành triển khai chương trình hỗ trợ lãi suất 2% với tổng ngân sách là 40.000 tỷ đồng từ nguồn ngân sách Nhà nước.
Trả lời câu hỏi của đại biểu Quốc hội về những giải pháp để kiểm soát chương trình, tránh tình trạng dòng vốn đi vào khu vực không cần thiết và đặc biệt là trục lợi chính sách, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Nguyễn Thị Hồng cho biết, đây là gói hỗ trợ được doanh nghiệp và người dân rất quan tâm. Trong quá trình xây dựng, Chính phủ cũng họp rất nhiều để thiết kế các quy định đảm bảo việc triển khai thuận lợi nhất và hạn chế những khó khăn, vướng mắc. Ngân hàng Nhà nước cũng chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành bàn thảo để việc thực hiện hiệu quả nhất.
Theo Thống đốc Ngân hàng Nhà nước, tại Nghị quyết 11/NQ-CP về Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội và triển khai Nghị quyết 43/2022/QH15 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình cũng đã nêu rất rõ các nhóm đối tượng. Đó là những nhu cầu vay vốn thuộc một số ngành kinh tế đã được quy định tại Quyết định số 27/2018/QĐ-TTg ban hành Hệ thống ngành kinh tế Việt Nam là các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp theo chuẩn của Bộ Kế hoạch và Đầu tư. Thứ hai là nhu cầu cho vay mua nhà ở xã hội, nhà ở công nhân và cải tạo chung cư cũ sẽ do Bộ Xây dựng phối hợp với các địa phương để rà soát và công bố danh mục là cơ sở rất rõ ràng.
Để thiết kế một cách công bằng, công khai, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước cho biết, khi xây dựng chương trình này, có sự tham gia của các bộ, ngành liên quan trong các khâu dự toán, thực hiện dự toán cũng như quyết toán, đặc biệt trong Nghị định cũng quy định cần có sự tham gia của Kiểm toán Nhà nước đối với các khoản cho vay trước khi Bộ Tài chính thực hiện quyết toán.
Vấn đề thứ hai mà các đại biểu Quốc hội đặt ra là sau đại dịch, rất nhiều doanh nghiệp đang có khoản vay phải hoãn giãn, chưa phải trả nợ và cũng không có tài sản đảm bảo để thế chấp, nhưng những doanh nghiệp này lại có các phương án kinh doanh tốt, thuộc nhóm cần được phục hồi, liệu có tiếp cận được gói hỗ trợ này không. Trả lời về vấn đề này, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Nguyễn Thị Hồng cho biết, ngay từ khi bàn thảo và trình Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng đã họp nhiều lần, xác định các đối tượng có thể tiếp cận phải là các doanh nghiệp có khả năng trả nợ, khả năng phục hồi. Trong các Nghị định và Thông tư hướng dẫn của Ngân hàng Nhà nước đều yêu cầu các tổ chức tín dụng cho vay đúng đối tượng, đảm bảo được các yêu cầu mới cho vay. Nếu trong quá trình thẩm định, đánh giá mà các tổ chức tín dụng xác định doanh nghiệp đó không đủ điều kiện sẽ không tiếp cận được chương trình này. Tuy nhiên, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cũng khẳng định, trên thực tế, trong thời gian qua Chính phủ cũng đã có rất nhiều giải pháp để hỗ trợ các doanh nghiệp bị tác động bởi đại dịch COVID-19 không thuộc nhóm đối tượng được hỗ trợ trong chương trình này.
Nỗ lực ứng dụng chuyển đổi số vào hoạt động cho vay
Về ứng dụng, chuyển đổi số trong hoạt động cho vay, nhiều đại biểu cho rằng hiện nay nhiều nước trên thế giới đã ứng dụng chuyển đổi số vào hoạt động cho vay nhưng Việt Nam vẫn chưa triển khai được nhiều. Trước những ý kiến đề nghị ngành ngân hàng có giải pháp, góp phần tăng cường hiệu quả hoạt động của hệ thống ngân hàng, đáp ứng yêu cầu hội nhập kinh tế quốc tế, Thống đốc Ngân hàng Ngân hàng Nhà nước khẳng định, chuyển đổi số là một xu hướng ở các nước trên thế giới và nhiều nước đang tổ chức triển khai rất hiệu quả.
Đối với Việt Nam, trong Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII đã xác định rất rõ phải hướng đến chuyển đổi số và phát triển kinh tế số, xã hội số; Chính phủ đã có các chương trình và Ngân hàng Nhà nước cũng ban hành chương trình hành động, trong đó đặt ra những mục tiêu cụ thể đến năm 2025 phải phấn đấu tối thiểu 50% và đến năm 2030 là 70% các khoản vay, cho vay của ngân hàng, của các công ty tài chính đối với các khoản vay nhỏ lẻ phục vụ tiêu dùng phải được thực hiện qua kênh số.
Theo Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Nguyễn Thị Hồng, trên thực tế ngành ngân hàng là một trong những ngành rất tích cực trong vấn đề ứng dụng công nghệ và đã có các bước nền tảng để chuyển đổi số. Ngân hàng Nhà nước đã có văn bản hướng dẫn xác thực khách, tức là khách hàng mở tài khoản trên phương tiện điện tử mà không cần đến ngân hàng. Đấy là những nền tảng ban đầu, nhưng đối với các hoạt động khác như thanh toán tiền, về cơ bản các ngân hàng đã thực hiện trên kênh số và người dân có thể ở nhà cũng tiếp cận được dịch vụ ngân hàng.
Tuy nhiên, Thống đốc Nguyễn Thị Hồng cho biết, hiện nay việc xác thực khách hàng, kể cả khách hàng đến trực tiếp ngân hàng cũng như thông qua phương tiện điện tử để mở tài khoản đã thực hiện tốt, nhưng để biết khách hàng có khả năng trả nợ hay không lại là một điểm rất quan trọng đối với hoạt động tín dụng, hiện vẫn phải thực hiện trực tiếp.
Vì vậy, ở Việt Nam để xác thực thì khách hàng muốn vay vốn đang có khoản nợ và có khả năng trả nợ hay không để cho vay trên phương tiện điện tử mà không cần khách hàng phải đến ngân hàng, đòi hỏi hệ thống ngân hàng phải tập hợp được rất nhiều các dữ liệu, thông tin cơ sở để thẩm định được khách hàng đó có đủ khả năng trả nợ hay không, cần phải có thời gian để thực hiện.
Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cho biết, hiện nay Bộ Công an cũng đang triển khai rất quyết liệt việc xây dựng cơ sở dữ liệu công dân, có thể kết nối với các bộ, ngành và các ngân hàng. Ngân hàng Nhà nước cũng đang tích cực phối hợp với Bộ Công an để cập nhật dữ liệu về dân cư. Trong nỗ lực thực hiện ứng dụng công nghệ số vào hoạt động tài chính, vừa rồi một số ngân hàng cũng đã kết nối và thử nghiệm thông qua căn cước công dân để kết nối với tất cả các ngành khác.
Cũng trong phiên chất vấn, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Nguyễn Thị Hồng đã trả lời những câu hỏi của các đại biểu Quốc hội về việc giải quyết tình trạng nợ xấu, vai trò của Ngân hàng Nhà nước trong việc quản lý tốt tiền mặt, giá vàng, tránh tình trạng lạm phát…