Trọng tâm trong các cuộc đàm phán kéo dài 2 ngày ở Rome là một nghị quyết chung trong việc giải quyết tình trạng ấm lên toàn cầu, trước thềm hội nghị thượng đỉnh môi trường COP26 khai mạc ở Glasgow hôm thứ Hai tuần sau.
Trước đó, Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Antonio Guterres cảnh báo các nhà lãnh đạo G20 nên thể hiện "nhiều tham vọng hơn và hành động nhiều hơn" và vượt qua sự ngờ vực để đạt được các mục tiêu về khí hậu.
“Chúng ta vẫn còn thời gian để đưa mọi thứ đi đúng hướng, và tôi nghĩ hội nghị G20 là cơ hội để thực hiện điều đó", ông Guterres nói.
An ninh được thắt chặt ở Rome khi Tổng thống Mỹ Joe Biden đến thủ đô của Ý với mong muốn xóa bỏ những tàn tích của chính quyền Trump và tái khẳng định vai trò lãnh đạo của Mỹ trên trường thế giới sau 4 năm áp dụng chính sách "Nước Mỹ trên hết".
Tuy nhiên, hội nghị G20 năm nay sẽ không có sự tham dự của Tổng thống Nga Vladimir Putin và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình của Trung Quốc. Cả hai dự kiến sẽ tham dự bằng hình thức trực tuyến.
Người chủ trì hội nghị thượng đỉnh, Thủ tướng Ý Mario Draghi, đã kêu gọi một "cam kết của G20 về sự cần thiết phải hạn chế sự gia tăng nhiệt độ lên 1,5 độ C" so với mức tiền công nghiệp, mục tiêu tham vọng nhất được nêu trong Thỏa thuận Paris năm 2015 về biến đổi khí hậu.
Hôm thứ Sáu, Thủ tướng Anh Boris Johnson - người chủ trì cuộc đàm phán của Liên Hợp Quốc vào tuần tới, đã đưa ra cảnh báo nghiêm khắc về những gì có thể xảy ra nếu G20 không đạt được các mục tiêu khí hậu.
“Chúng ta sẽ không thể ngăn chặn sự ấm lên toàn cầu ở Rome hoặc trong cuộc họp ở COP26. Chúng ta chỉ có thể hy vọng sẽ làm chậm tình hình", ông Boris khẳng định.
Mặc dù dự kiến sẽ không có cam kết mới nào về vaccine ngừa COVID-19 tại hội nghị G20, nhưng một thông cáo báo chí từ cuộc họp thứ Sáu của các Bộ trưởng Tài chính và Y tế G20 tuyên bố rằng các nước thành viên sẽ "thực hiện các bước để giúp tăng cường cung cấp vaccine và các sản phẩm y tế thiết yếu và đầu vào trong việc phát triển các quốc gia.''