Người dân Cà Mau còn thờ ơ với bão
Theo ghi nhận tại cửa biển Cái Đôi Vàm, huyện Phú Tân, đến trưa 24/12, một số phương tiện vẫn đang hoạt động trên biển, một số tàu cá đánh bắt vừa mới vào tới vựa thu mua. Một ngư dân vừa lựa tôm cá, vừa cho biết: "Có nghe thông báo bão, được chính quyền gọi vô, không cho đi biển nữa nhưng khổ quá đi đại. Không đi lấy gì ăn, chỉ đi gần bờ chớ có đi xa đâu mà lo".
Một vài phương tiện nhỏ của ngư dân Cái Đôi Vàn vào bờ sau khi báo có bão gần.Ảnh: Báo Cà Mau |
Lực lượng Biên phòng Rạch Gốc kêu gọi tàu thuyền và người dân thực hiện các biện pháp an toàn phòng tránh bão. Ảnh: Báo Cà Mau |
Một số hộ dân sống ngay trên tuyến đê phòng hộ vẫn còn thờ ơ, không mấy quan tâm đến tin bão cũng như việc chằng chống nhà cửa. Bà Hồ Thị Thắm, sinh sống trên tuyến đê phòng hộ thị trấn Cái Đôi Vàm, huyện Phú Tân cho biết: “Gia đình chỉ có 2 người, chồng tôi còn đi bạn cho ghe đang ở ngoài biển. Trên ghe có định vị, bộ đàm hiện đại lắm, có gì người ta gọi vô liền. Sáng nay có nghe địa phương đi kêu gọi bà con chằng chống nhà cửa mà có mình nên đợi ổng đi ghe vô mới tính”, theo báo Cà Mau.
Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau Nguyễn Tiến Hải chỉ đạo và lưu ý các ngành nghiêm túc thực hiện ý kiến của Thủ tướng. Trong sáng 25/12 cần di dời người già, người bệnh, trẻ em đến nơi an toàn. Di dời hết dân ở cụm dân cư phía đông và khu vực Cái Đôi Vàm (huyện Phú Tân). Phải thực hiện quyết liệt, ai không di dời thì có biện pháp cưỡng chế. Khi di dời dân thì lực lượng bộ đội, công an phải có kế hoạch bảo vệ an toàn.
Tàu bè đã vào bờ mà neo đậu không đúng nơi đã hướng dẫn thì yêu cầu đến đậu nơi theo quy định. Yêu cầu ngư dân không ở lại trên tàu. Việc chằng chống nhà cửa tiếp tục làm quyết liệt, ai không thực hiện thì phải lập biên bản và cưỡng chế thực hiện. Lực lượng y tế trên tinh thần sẵn sàng tham gia ứng cứu, cơ sở y tế chuẩn bị hóa chất đầy đủ, đảm bảo an vệ sinh toàn thực phẩm, phòng chống dịch. Sở Công thương đảm bảo quản lý giá cả, lương thực, tránh tình trạng tăng giá do khan hiếm hàng…
Bà Rịa-Vũng Tàu hỗ trợ nhân viên y tế cho Côn Đảo
Chiều 24/12, Sở Y tế đã tổ chức cuộc họp với lãnh đạo các đơn vị trực thuộc Sở về công tác phòng chống, ứng phó với bão số 16. Tại cuộc họp, Sở Y tế đã chỉ đạo các đơn vị y tế trực thuộc Sở chậm nhất là 11 giờ ngày 25/12, các cơ sở khám chữa bệnh hoàn thành việc tổ chức di dời bệnh nhân đang nằm điều trị tại các phòng bệnh ở tầng trên cùng xuống các tầng thấp hơn hoặc đến khu vực an toàn; đồng thời tổ chức di dời các trang thiết bị, máy móc, thuốc, hóa chất đến khu vực an toàn. Sở Y tế đã thành lập 10 tổ phụ trách các địa bàn để trực tiếp phối hợp chỉ đạo, triển khai công tác ứng phó bão số16; đồng thời điều động 2 bác sĩ của Bệnh viện Lê Lợi và Bệnh viện Bà Rịa ra Côn Đảo hỗ trợ cho Trung tâm Y tế Quân dân y Côn Đảo, theo báo Bà Rịa-Vũng Tàu.
Nhân viên Khoa cấp cứu Bệnh viện Bà Rịa làm việc với cường độ cao chuẩn bị phương án đối phó với cơn bão số 16. Báo: Bà Rịa-Vũng Tàu
Tàu thuyền hối hả neo đậu tại Sóc Trăng
Đến cuối giờ chiều 24/12, tỉnh đã tiến hành di dời 18.000 người trong vùng nguy hiểm vào các khu vực an toàn để trú tránh bão, đồng thời vận động hỗ trợ hàng loạt gia đình ven biển chằng chống lại nhà cửa, cho đá vào bao dằn nên mái tôn để ứng phó với bão.
Các tàu thuyền neo đậu tại cảng Trần Đề, Sóc Trăng. Ảnh: PLO |
Người dân đặt các bao tải đá lên mái nhà. Ảnh: PLO |
Toàn bộ 1.198 tàu thuyền, trong đó có 350 tàu đánh bắt xa bờ của Sóc Trăng đã kết nối được liên lạc và vào các khu vực trú ẩn an toàn như Côn Đảo – Vũng Tàu, những tàu đánh bắt gần bờ vào khu vực Mỏ Ó, Bãi Giá, cảng cá Trần Đề trú ẩn, theo báo Pháp luật TP HCM.
Tổng hợp