Các cuộc thăm dò cho thấy đa số cử tri Pháp tin tưởng Tổng thống Macron sẽ xử lý được cuộc khủng hoảng an ninh và hai tuần sau khi chiến tranh nổ ra, ông Macron đã thu hút được sự ủng hộ từ 31% cử tri so với chỉ 18% của ứng cử viên cực hữu Marine Le Pen. Lần cuối cùng một ứng cử viên Tổng thống Pháp có vị thế dẫn trước lớn như vậy trong cuộc chạy đua tới Điện Élysée là hơn ba thập kỷ trước.
Tình hình nhanh chóng thay đổi chỉ vài tuần sau đó. Ông Macron vẫn giành được nhiều phiếu nhất trong vòng bầu cử đầu tiên vào ngày 10/4, nhưng đối thủ Le Pen đã có cuộc chạy nước rút ấn tượng, với số phiếu đầy triển vọng để chuẩn bị cho vòng bầu cử sắp tới vào ngày 24/4.
Đó là bởi vì bà có thể tin tưởng vào sự ủng hộ từ những cử tri đã bỏ phiếu cho ứng viên cực hữu Éric Zemmour và có khả năng là từ các thành viên kháng chính thống (anti-establishment) của giai cấp lao động. Chắc chắn, phần lớn những người ủng hộ chính trị gia cánh tả Jean-Luc Mélenchon, người đã giành được gần 22% số phiếu trong vòng đầu tiên, không đứng về phía bà Le Pen. Nhưng họ cũng chưa chắc sẽ ủng hộ Tổng thống Macron.
Cuộc bầu cử tổng thống Pháp năm 2022 có diện mạo hao hao năm 2017. Nhận thức của hai ứng cử viên đã thay đổi. Chủ nghĩa thực dụng nổi tiếng của ông Macron giờ bị coi là chủ nghĩa cơ hội, thái độ tách biệt với chủ nghĩa Gaullism (vốn thuộc đường lối cánh hữu) của ông bị coi là kiêu ngạo. Về phần mình, bà Le Pen đã "làm mềm" hình ảnh của mình và không gieo rắc nỗi sợ hãi như trước nữa.
Trong khi đó, khi các đảng thiên tả và thiên hữu mất đi sự ủng hộ, cử tri Pháp ngày càng thực tế hơn. Họ mong đợi những ứng cử viên mà họ bầu chọn sẽ tạo ra sự khác biệt về mặt vật chất trong cuộc sống của họ. Thất vọng với Macron và không còn e sợ Le Pen, nhiều người có thể thay đổi quan điểm chính trị truyền thống. Do đó, thách thức của ông Macron cho vòng thứ hai là thuyết phục các cử tri, đặc biệt là những người ủng hộ ông Mélenchon, bỏ phiếu cho mình thay vì bỏ phiếu trắng. Vì vậy, Macron không thể chỉ trông chờ vào việc giành chiến thắng trước những cử tri chán ghét phe cực hữu. Ông sẽ cần phải chứng minh rằng việc bỏ phiếu bầu cho mình sẽ tạo ra sự thay đổi thực sự.
Người bí ẩn
Ông Macron là một tổng thống tự lập. Ông tránh xa các con đường truyền thống để nắm quyền, thành lập một đảng chính trị ôn hòa mới, mang tên La République en Marche (Cộng Hòa Tiến Bước), vào năm 2016, chỉ một năm trước chiến dịch tranh cử tổng thống đầu tiên của ông, đánh dấu lần đầu tiên bước ra tranh cử.
Sự dẻo dai chính trị là thương hiệu của Macron. Các cử tri ngày nay coi ông là trung hữu, và ông ủng hộ các cải cách như tăng tuổi nghỉ hưu và cắt giảm các khoản trợ cấp xã hội hào phóng. Tuy nhiên, đôi khi ông Macron có xu hướng nghiêng về cánh tả. Để đối phó với các cuộc biểu tình thuộc phong trào "gilê vàng", ban đầu chỉ nhằm phản đối tăng giá nhiên liệu rồi biến thành phong trào kháng chính thống, ông Macron đã phát động một Đại hội đồng Tham vấn Quốc gia, trong đó các quan chức chính phủ, bao gồm cả Macron, sẽ lắng nghe kiến nghị của người dân cả nước. Ông Macron cũng thúc đẩy chi tiêu công "bất kể giá nào" để giải quyết tình trạng suy thoái kinh tế do hậu quả của đại dịch COVID-19. Và nền tảng chiến dịch tranh cử hiện tại của Tổng thống Pháp là cam kết hỗ trợ các bà mẹ đơn thân và tài trợ nhiều hơn cho giáo dục.
Bất chấp những động thái này, phe cánh tả Pháp không hài lòng với Macron. Các nhà hoạt động nhận thấy chương trình nghị sự của ông về khí hậu, y tế và giáo dục không đủ tiến bộ. Hơn nữa, nhiều cử tri phổ thông cho rằng tính cách của Macron xa cách với họ và phù hợp với tầng lớp tinh hoa.
Kể từ khi lên nắm quyền, ông Macron tập trung vào việc ra quyết định ở Điện Élysée. Ông tuyên bố ứng cử vào thời hạn chót với một “lá thư gửi người Pháp” đơn giản, chỉ tổ chức một cuộc mít tinh chính trị lớn trước vòng đầu tiên và từ chối tranh luận về các đối thủ của mình trước vòng nước rút.
Cách tiếp cận "vương giả" của ông cho nhiệm kỳ tổng thống mới nhấn mạnh sự dè dặt của nhiều cử tri Pháp về lãnh đạo của họ. Một cuộc thăm dò của công ty Ipsos-Sopra Steria đối với cử tri Pháp cho thấy chỉ 27% người được hỏi cảm thấy được Macron “thấu hiểu” so với 46% của Le Pen.
Vào cuối chu kỳ tranh cử, một cuộc tranh cãi đã làm gia tăng sự bất bình của công chúng đối với Macron: Thượng viện Pháp đã công bố một báo cáo gay gắt về việc chính phủ sử dụng các công ty tư vấn, bao gồm cả "gã khổng lồ" McKinsey của Mỹ. Ngay sau đó, công tố viên tài chính đã công bố một cuộc điều tra về việc McKinsey có tham gia rửa tiền và trốn thuế hay không.
Các mối liên hệ giữa Macron với McKinsey là rất mơ hồ, nhưng sự việc này đã khiến công chúng nhìn về ông như một người theo chủ nghĩa tinh hoa lạc lõng. Hiện ông Macron đang đối mặt với xu hướng chống đối mình ở cả hai phe cánh tả và cánh hữu. Nhiều người không có thiện cảm với bà Le Pen cũng không thoải mái bỏ phiếu cho Macron.
Le Pen 2.0
Thời vận của bà Le Pen phất lên không chỉ nhờ những người bạn của Macron mà còn bởi những sai lầm của các đối thủ cùng thuộc phe cánh hữu. Nếu bất kỳ chính trị gia cánh hữu nào thành công trong năm nay, nhiều người cho rằng đó phải là Zemmour, một người nhiệt thành chống chính sách nhập cư, người đã tuyên bố tranh cử tổng thống từ mùa thu năm 2021.
Ông Zemmour chỉ trích bà Le Pen vì không đủ cứng rắn trong vấn đề nhập cư. Các lập luận của ông về vấn đề này mang màu sắc phân biệt chủng tộc. Ông cảnh báo rằng cộng đồng người Hồi giáo ở Pháp sẽ dần lấn át những người Pháp đích thực, chính là những người da trắng và thế tục.
Nhà chính trị cực hữu này đưa ra một chính sách "trục xuất'' người nhập cư về quốc gia bản xứ của họ. Quan điểm của Zemmour đã thu hút được sự ủng hộ không chỉ từ các cử tri của Le Pen mà thậm chí từ các thành viên trong gia đình bà: Marion Maréchal, cháu gái của Le Pen, là một người có tư tưởng cực hữu và ủng hộ Zemmour thay vì người nhà. Sự việc nghiêm trọng tới mức bà Le Pen hoang mang xuất hiện trên TV trên tháng 3 và than thở về sự phản bội.
Tuy nhiên, chủ nghĩa cực đoan của Zemmour cuối cùng lại giúp ích cho bà Le Pen bởi bà không còn là chính khách cực đoan nhất trong mắt công chúng. Việc làm mềm đi hình ảnh của bà Le Pen đã là một dự án dài hơi.
Kể từ khi tiếp quản đảng Mặt trận Quốc gia từ cha mình, ông Jean-Marie Le Pen, vào năm 2011, bà Marine Le Pen đã cố gắng thu hút sự ủng hộ từ đông đảo công chúng Pháp. Bà quyết tâm gấp đối sau thất bại năm 2017, tin rằng xu hướng bỏ phiếu chống lại tư tưởng cực hữu (một hiện tượng được gọi là le front républicain) là lý do khiến bà không thể chiến thắng.
Từng bị chế giễu vì tính cách ngoan cố, nữ chính khách sinh năm 1968 trở nên dễ mến hơn trong những lần xuất hiện trước công chúng bằng cách mặc đồ những bộ đồ có gam màu dịu mắt và tươi cười rất nhiều. Bà chia sẻ về những khó khăn của mình khi là một người mẹ đơn thân và về tình yêu dành cho loài mèo.
Trong lần tranh cử tổng thống thứ ba, cương lĩnh chính trị của bà cũng đã phát triển từ chủ nghĩa dân tộc cực hữu sang chủ nghĩa dân túy cực hữu. Đặc biệt, Le Pen đã tập trung vào các vấn đề bất bình đẳng kinh tế, hạ thấp các đề xuất theo chủ nghĩa dân tộc của mình trong quá khứ. Điều này phù hợp với các ưu tiên của cử tri Pháp, hơn một nửa trong số họ bày tỏ quan ngại về sự sụt giảm sức mua của thị trường trong nước. Cuộc chiến ở Ukraine và các lệnh trừng phạt chống lại Nga đã làm trầm trọng thêm những lo ngại đó, đặc biệt là khi giá khí đốt tăng.
Tác động kinh tế của các lệnh trừng phạt đối với Nga là một lý do tại sao cuộc chiến của Tổng thống Nga Vladimir Putin dường như không làm tổn hại đến việc ứng cử của Le Pen, mặc dù bà từng bày tỏ sự đồng tình với chính sách của Putin.
Le Pen phản đối các biện pháp trừng phạt đối với Nga khi Putin sáp nhập Crimea vào năm 2014, cùng năm đó đảng của bà đã vay 10,2 triệu USD từ một ngân hàng Nga-Séc có quan hệ với Điện Kremlin. Bà cũng đã gặp tổng thống Nga 3 năm sau đó tại Moscow.
Tuy nhiên, sau khi chiến sự tại Ukraine bùng nổ, bà Le Pen tuyên bố sẽ sát cánh cùng Tổng thống Macron trong thời điểm khủng hoảng, mặc dù vẫn phản đối việc áp đặt các lệnh trừng phạt đối với ngành năng lượng của Nga vì ảnh hưởng của chúng đối với các hộ gia đình Pháp. Bà cũng ủng hộ sự tái hợp tác chiến lược giữa NATO và Nga “ngay khi chiến tranh Nga-Ukraine kết thúc và hứa sẽ rút Pháp khỏi bộ chỉ huy quân sự của NATO, một động thái có khả năng gây mất ổn định liên minh này.
Khi Le Pen xử lý nhanh chóng các bất lợi liên quan tới cuộc khủng hoảng Ukraine, tỷ lệ ủng hộ dành cho Zemmour bắt đầu giảm sút. Lời than thở của ông rằng cuộc chiến ở Ukraine là một sự “phân tâm” khỏi mối đe dọa thực sự của người nước ngoài và người Hồi giáo đã không diễn ra như ý muốn. Ông cũng không đề xuất rằng thay vì chào đón những người tị nạn đến Pháp, chính phủ nên trợ cấp cho Ba Lan để tái định cư người Ukraine.
Trong thời gian trước thềm vòng bỏ phiếu thứ nhất, các cử tri cực hữu theo chủ nghĩa dân tộc nhận ra rằng họ sẽ cần chọn giữa Le Pen và Zemmour để thống nhất số phiếu cho vòng sau. Kết quả là Zemmour chỉ sở hữu 7% phiếu bầu ở vòng một.
Khủng hoảng tính chính danh
Khoảng 80% những người ủng hộ Zemmour nói rằng họ sẽ ủng hộ Le Pen trong cuộc tổng tuyển cử, theo một cuộc thăm dò của Ifop-Fiducial, điều đó có nghĩa là bà có thể tập trung thu hút các cử tri trung dung mà không cần lo lắng về nội bộ phe cánh hữu của mình.
Bà Le Pen đã thực hiện một chiến dịch nhấn mạnh thông điệp kinh tế hơn là các biện pháp chống nhập cư, đánh bóng hình ảnh mình và tập trung thu hút phiếu bầu.
Để đảm bảo cho nhiệm kỳ thứ hai, ông Macron cần gấp rút cải tổ bộ máy chiến dịch so với Le Pen, người đã có sự lột xác về mặt chính trị. Tổng thống Pháp phải tìm sự kết nối với các cử tri cánh tả, những người mà ông đã xa lánh trong 5 năm qua và những người đã bỏ phiếu áp đảo cho ứng viên Mélenchon trong vòng đầu tiên. Đây sẽ là một một nhiệm vụ khó khăn hơn so với năm 2017: nhiều cử tri trung tả bỏ phiếu cho Macron đã thất vọng về nhiệm kỳ tổng thống của ông.
Một số người sẽ bỏ phiếu cho nhà lãnh đạo 44 tuổi một lần nữa chỉ đơn thuần là để ngăn chặn Le Pen, nhưng nếu Macron muốn hạn chế nguy cơ bỏ phiếu trắng, ông sẽ cần phải thực sự lưu tâm tới các vấn đề của cử tri cánh tả trong nhiệm kỳ thứ hai. Đặc biệt, ông Macron vẫn chưa có một chiến lược khí hậu thực sự đầy tham vọng, vốn là chủ đề chính trong chiến dịch của ứng viên Mélenchon.
Ông Macron không cần phải chứng minh rằng số phận của châu Âu và thế giới phụ thuộc vào nhiệm kỳ thứ hai của mình, mà ông cần hiểu và phải đáp ứng những mối quan tâm hàng ngày của người dân Pháp. Ngay cả khi Macron tái đắc cử, nhiệm kỳ thứ hai của ông sẽ không thuận buồm xuôi gió.
Phe cực hữu có thể sẽ có màn thể hiện tốt nhất trong lịch sử vào ngày 24/4 và điều đó sẽ thu hút những người ủng hộ trước cuộc bầu cử lập pháp vào tháng 6. Ở dấu hiệu đầu tiên của cải cách, nguy cơ xảy ra các cuộc biểu tình trên đường phố sẽ rất cao.
Nếu có thể vượt qua, ông Macron sẽ phải phản ứng nhanh hơn với các cử tri của mình và tiếp cận với các cử tri thuộc tầng lớp lao động, thanh niên và các nhà hoạt động công bằng xã hội và có ý thức về môi trường. Ông sẽ cần phải xây dựng sự đồng thuận theo cách mà mình chưa làm được trong nhiệm kỳ đầu.