Mỗi nơi áp dụng một kiểu
Ghi nhận tại các trạm y tế trên địa bàn thành phố Thủ Đức (TP Hồ Chí Minh) như Tăng Nhơn Phú B, Phước Long B, Linh Đông, Tam Phú… thường xuyên có hàng chục F0 đến khai báo y tế và đăng kí cách ly tại nhà. Tuy nhiên, mỗi phường lại có một cách khai báo y tế khác nhau, khiến người dân còn nhiều băn khoăn.
Chị Lê Thị Ngọc, ngụ ở phường Phước Long B cho biết, sau khi test nhanh, chị phát hiện mình dương tính với virus SARS-CoV-2, tuy nhiên gọi điện thoại lên trạm y tế phường thì cán bộ y tế thông báo chị cần trực tiếp đến trạm y tế phường khai báo.
“Khi TP Hồ Chí Minh đang ở đỉnh dịch, tôi cũng mắc COVID-19, tôi được yêu cầu cách ly và có nhân viên y tế đến tận nhà hỗ trợ khai báo y tế. Tuy nhiên hiện nay, khi tôi test xác định mình mắc COVID-19 lần hai, tôi đã gọi lên trạm y tế phường để khai báo thì cán bộ y tế kêu tôi lên phường khai báo, vì ngày càng nhiều F0, nên cán bộ không hỗ trợ tại nhà nữa. Tôi nghĩ mình đang là F0 mà đi lung tung thì sẽ lây nhiễm ra cộng đồng, nhưng khi tôi ra đến trạm y tế phường, tôi lại thấy rất nhiều F0 như tôi đến đây và cũng đang xếp hàng dài để chờ khai báo y tế”, chị Lê Thị Ngọc băn khoăn nói.
Trong khi đó, tại phường Tăng Nhơn Phú B (thành phố Thủ Đức), người dân khi là F0 lại được sử dụng hai hình thức trực tiếp và trực tuyến để khai báo y tế. Chị Vũ Thị Ánh, ngụ ở phường Tăng Nhơn Phú B cho biết: “Khi tôi test nhanh biết mình là F0, tôi đã gọi điện cho đường dây nóng của trạm y tế phường. Tôi được một nhân viên y tế của trạm y tế phường hướng dẫn test nhanh tại nhà và gửi kết quả qua đường dây nóng. Chỉ vài phút sau, cán bộ y tế phường đã gửi lại cho tôi một đường link để tôi tự khai báo online và bắt đầu thực hiện cách ly tại nhà. Tôi thấy cách làm này khá nhanh và hiệu quả vì những F0 như tôi không phải di chuyển nhiều, tránh lây lan dịch bệnh ra cộng đồng”.
Người dân là F0 phải đến tận trạm y tế phường Phước Long B để thực khai báo y tế trực tiếp. |
Không như chị Vũ Thị Ánh và chị Lê Thị Ngọc, chị N.T.D, ngụ ở phường Linh Đông (thành phố Thủ Đức) cho biết: “Khi test nhanh COVID-19 cho kết quả 2 vạch, tôi thông báo ngay với trạm y tế phường, chỉ vài phút sau có hai cán bộ y tế đến nhà test nhanh lại cho cả nhà. Sau đó, nhà tôi được dán bảng đỏ và giăng dây. Trong khi đó, hàng xóm nhà tôi cũng có F0 mà không thấy giăng dây và có bảng đỏ trước nhà. Tôi cũng không hiểu vì sao cùng một phường mà mỗi nhà lại được áp dụng một kiểu khác nhau khi có F0”.
Một đại diện của Trạm y tế phường Tăng Nhơn Phú B (thành phố Thủ Đức) cho biết, gần 2 tuần qua, số ca F0 tại phường gia tăng, do đó để thuận tiện cho người dân trong khai báo y tế, trạm y tế phường cũng áp dụng linh động theo 2 hình thức: Người dân có thể khai báo trực tiếp qua số điện thoại là đường dây nóng của trạm y tế lưu động đã cung cấp trước đó cho tổ dân phố và F0 khỏe mạnh có thể đến trạm y tế phường khai báo y tế trực tiếp hoặc nhờ người thân đến khai báo. Khi đến trạm y tế khai báo, F0 và người thân F0 đều phải đeo khẩu trang, sát khuẩn... Đối với F0 khai báo trực tiếp sẽ được cán bộ y tế test khẳng định lại trước khi cấp giấy áp dụng cách ly 7 ngày tại nhà.
Cần khai báo trung thực, chính xác
Hiện nay, ngoài những F0 trung thực khai báo y tế với địa phương, còn xuất hiện không ít người dân có tâm lý chủ quan khi cứ nghĩ mình đã tiêm đủ liều vaccine, nên dù mắc COVID-19 cũng sẽ bị nhẹ và chỉ cần ra hiệu thuốc mua thuốc uống, không cần đến trạm y tế phường để khai báo y tế. Tuy nhiên, theo các chuyên gia y tế, việc khai báo với y tế phường rất cần thiết, đặc biệt đối với những trường hợp lớn tuổi và có bệnh lý nền.
Ngày 28/1 vừa qua, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP Hồ Chí Minh đã đưa ra cảnh báo đối với người dân thông qua trường hợp một bệnh nhân 65 tuổi tử vong do tự điều trị COVID-19 tại nhà mà không khai báo y tế phường.
Tương tự, ngày 25/2, chị N.T.T., ngụ ở phường Tam Phú (thành phố Thủ Đức) phát hiện mình mắc COVID-19, nhưng không khai báo với trạm y tế vì nghĩ mình sẽ nhanh khỏi do đã tiêm đủ 3 mũi vaccine. Ngoài ra, theo chị T., lý do chị ngại khai báo y tế với phường vì sợ nhà sẽ bị giăng dây, khi đó chồng chị sẽ không được đi làm và các con cũng không được đến trường.
Theo một đại diện của Trạm y tế phường Tăng Nhơn Phú B (thành phố Thủ Đức), hiện nay, dù số F0 tăng nhanh, nhưng cán bộ y tế vẫn đang cố gắng hỗ trợ người dân khai báo y tế khi cách ly tại nhà, vì vậy người dân vẫn cần khai báo trung thực, chính xác. "Việc bệnh nhân F0 khai báo là vô cùng quan trọng. Ví dụ trong một gia đình có F0 thì các thành viên còn lại có nguy cơ nhiễm rất cao. Khi người dân khai báo là F0 sẽ giúp y tế có thể theo dõi sức khỏe kể cả các F1, nhất là với gia đình có người thuộc nhóm nguy cơ để có biện pháp can thiệp kịp thời", cán bộ y tế này cho biết.
Ông Phạm Đức Hải, Phó trưởng Ban chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 và phục hồi kinh tế TP Hồ Chí Minh cho biết, trước tình hình dịch bệnh vẫn diễn biến phức tạp và khó lường như hiện nay, việc khai báo y tế khi nhiễm bệnh vẫn rất cần thiết cho công tác phòng, chống dịch. "Hiện nay, chúng ta đang áp dụng trạng thái bình thường mới và thích ứng an toàn với dịch bệnh nhưng vẫn cần thống kê số ca nhiễm ở từng địa phương để có thể xác định ổ dịch, tránh làm nguồn lây nhiễm trong cộng đồng. Mặt khác, khi người dân khai báo trung thực cũng giúp người bệnh được hướng dẫn, tư vấn và điều trị phù hợp, được theo dõi sức khỏe để phòng những trường hợp chuyển nặng được điều chuyển kịp thời. Chưa kể, khi chúng ta khai báo còn giúp ngành y tế có các biện pháp ứng phó kịp thời với xu hướng dịch, tránh gây quá tải, áp lực lên hệ thống y tế", ông Phạm Đức Hải cho biết.