Mới đây, hai doanh nghiệp sản xuất thép cán nóng (HRC) tại Việt Nam bao gồm Tập đoàn Hòa Phát và Công ty TNHH Gang thép Hưng Nghiệp Formosa Hà Tĩnh đã gửi hồ sơ đến Cục Phòng vệ thương mại đề nghị khởi xướng điều tra chống bán phá giá đối với sản phẩm thép cán nóng HRC nhập khẩu từ Trung Quốc vào Việt Nam. Nguyên nhân là do sản lượng thép nhập khẩu thép tăng đột biến cũng như giá thép cán nóng từ Trung Quốc giảm mạnh.
Theo số liệu từ Tổng cục Hải quan, trong 2 tháng đầu năm 2024, Việt Nam đã nhập 1,89 triệu tấn HRC với giá trị nhập khẩu trên 1 tỷ USD. Trong đó, nguồn thép từ Trung Quốc là 1,4 triệu tấn, chiếm 74,2% tổng lượng nhập khẩu. Từ quý 1/2023 đến nay, giá HRC của Trung Quốc đã giảm từ 618 USD/tấn xuống còn khoảng 520 - 560 USD/tấn tùy loại.
Trước thực tế này, một số ý kiến Hoà Phát và Formosa Hà Tĩnh cho rằng việc giá thép nhập khẩu giảm có thể gây ra tình trạng cạnh tranh không lành mạnh, ảnh hưởng đến sản xuất trong nước. Vì vậy, cần áp dụng biện pháp chống bán phá giá đối với sản phẩm HRC nhập khẩu.
Trước thông tin này, tập thể 9 doanh nghiệp tôn mạ và ống thép Việt Nam bao gồm Công ty Cổ phần Tập đoàn Hoa Sen, Công ty Cổ phần Thép TVP, Công ty Cổ phần Tôn Đông Á, Công ty Cổ phần Thép Nam Kim, Công ty Tôn Phương Nam, Công ty Cổ phần Tôn Pomina, Công ty Cổ phần Sản xuất Thép Vina One, Công ty Cổ phần Sản xuất Kinh doanh Thép Việt Nhật và Công ty Cổ phần Kim khí Nam Hưng đồng thuận gửi Công văn đến các cơ quan liên quan để phản biện trước khả năng điều tra chống bán phá giá HRC nhập khẩu.
Thép nội "cung không đủ cầu"
Thép cán nóng (HRC) là nguyên liệu chính để sản xuất các sản phẩm tôn thép mạ kẽm, mạ lạnh, mạ màu, ống thép, thép kết cấu và các sản phẩm thép khác được sử dụng trong nhiều ứng dụng của ngành xây dựng, cơ khí và các ngành công nghiệp khác. Bất kỳ diễn biến bất lợi nào xảy ra với nguồn nguyên liệu này cũng có thể gây ảnh hưởng đến toàn ngành thép. Hiện, tại Việt Nam, chỉ có 2 doanh nghiệp gồm Hòa Phát và Formosa Hà Tĩnh có khả năng sản xuất sản phẩm thép cán nóng HRC.
Công văn của 9 doanh nghiệp dẫn Báo cáo của Hiệp hội Thép Việt Nam, nhu cầu tiêu thụ HRC của Việt Nam đang nằm trong khoảng 10 - hơn 13 triệu tấn/năm, vừa phục vụ cho việc sản xuất thành phẩm, vừa dự trữ lượng hàng tồn kho cần thiết cho hoạt động sản xuất kinh doanh. Tuy nhiên, hiện tại, tổng công suất thiết kế sản xuất HRC tại Việt Nam chỉ ở mức 8,2 triệu tấn/năm.
Năm 2023, sản lượng HRC do Hòa Phát và Formosa Hà Tĩnh bán nội địa trong năm 2023 chỉ đạt 3,403 triệu tấn, được phân bổ bán cho các doanh nghiệp sản xuất tôn mạ, tôn màu, ống thép để làm nguyên liệu phục vụ cho công đoạn sản xuất kế tiếp, phần còn lại Hòa Phát và Formosa Hà Tĩnh dành cho các thị trường xuất khẩu. Như vậy, sản lượng các nhà sản xuất HRC Việt Nam bán tại thị trường nội địa hiện chỉ có thể đáp ứng được khoảng 30% nhu cầu HRC của toàn Việt Nam.
Trao đổi với Báo Điện tử Chính phủ, ông Vũ Văn Thanh, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Hoa Sen cho biết: Trên thực tế, đối với ngành tôn mạ nói chung và Tập đoàn Hoa Sen nói riêng thường ưu tiên sử dụng các sản phẩm HRC được sản xuất trong nước. Bởi vì, các đơn hàng xuất khẩu sang Mỹ, Mexico phải chứng minh nguồn gốc xuất xứ để không bị áp thuế chống lẩn tránh và phù hợp với các quy định của Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP). Tương tự, xuất khẩu sang thị trường Qatar, Oman hay Đài Loan cũng yêu cầu sử dụng nguyên liệu thép cán nóng được sản xuất tại Việt Nam.
"Thép nội rất được ưa chuộng, không có chuyện bị lép vế so với thép nhập khẩu. Thậm chí, giá HRC "nội" cao hơn so với sản phẩm nhập khẩu từ Trung Quốc khoảng 10 – 20 USD/ tấn, có thời điểm thép nội cao hơn 40 – 50 USD/tấn so với hàng nhập khẩu. Nhưng do yêu cầu của thị trường nhập khẩu, chúng tôi vẫn chấp nhận mua thép nội dù giá bán cao và thời gian giao hàng chậm", ông Thanh chia sẻ.
Áp thuế chống bán phá giá liệu có tạo thế độc quyền?
Trước thông tin có thể sẽ khởi xướng điều tra chống bán phá giá đối với sản phẩm thép cán nóng HRC nhập khẩu từ Trung Quốc vào Việt Nam, đại diện Tập đoàn Hoa Sen lo ngại: Nếu áp thuế chống bán phá giá đối với thép HRC nhập khẩu, sẽ khiến nguồn cung ngày càng khan hiếm và vô hình chung sẽ tạo ra thế độc quyền cho 2 doanh nghiệp sản xuất trong nước. Khi đó, các doanh nghiệp trong ngành tôn mạ và ống thép sẽ chịu ảnh hưởng nghiêm trọng và người tiêu dùng cũng sẽ phải sử dụng thép nội giá cao.
Một ý kiến nữa từ ông Phạm Văn Trượng, Phó Tổng Giám đốc Công ty CP Tôn Pomina cho rằng, việc yêu cầu khởi xướng điều tra chống bán phá giá đối với thép HRC nhập khẩu từ Trung Quốc là không có căn cứ. Bởi, Luật Quản lý Ngoại thương 2017 quy định việc áp dụng các biện pháp chống bán phá giá đối với hàng nhập khẩu sẽ phải đủ 3 điều kiện bắt buộc:
Thứ nhất, khi áp dụng biện pháp chống bán phá giá, hàng hóa nhập khẩu vào Việt Nam bị bán phá giá với biên độ bán phá giá được xác định cụ thể. Biên độ phá giá (mức độ chênh lệch giữa giá thông thường và giá xuất khẩu) trên 2% sẽ được coi là "bán phá giá". Trong khi đó, ước tính biên độ phá giá HRC nhập khẩu trong suốt năm 2023chỉ khoảng 1,26%, dưới 2% theo quy định.
Thứ hai, ngành sản xuất trong nước bị thiệt hại đáng kể hoặc bị đe dọa gây thiệt hại đáng kể hoặc ngăn cản sự hình thành của ngành sản xuất trong nước. Tuy nhiên, theo ông Trượng, các sản phẩm HRC do doanh nghiệp trong nước sản xuất đang "sống khỏe" và tăng trưởng tốt qua các năm.
"Báo cáo Hiệp hội thép Việt Nam (VSA) cho thấy, tổng sản lượng sản xuất thép cán nóng HRC toàn thị trường Việt Nam tăng vọt từ 4,13 triệu tấn (năm 2019) lên 7,3 triệu tấn (năm 2021), mức tăng trưởng tương đương 77,2%.
Bước sang năm 2022 - 2023, mặc dù không tăng vọt như giai đoạn trước, nhưng lượng bán hàng của thép nội vẫn duy trì ở mức cao khi năm 2022 là gần 6,2 triệu tấn, tăng lên 6,8 triệu tấn vào năm 2023, mức tăng gần 10%", ông Phạm Văn Trượng nêu dẫn chứng.
Điều kiện thứ 3, đó là tồn tại mối quan hệ nhân quả giữa việc nhập khẩu hàng hóa bị bán phá giá ở điều kiện 1 với thiệt hại của ngành sản xuất trong nước quy định ở điều kiện 2. Theo Luật Quản lý Ngoại Thương, các doanh nghiệp đề nghị phải chứng minh được thiệt hại của ngành sản xuất HRC nội địa thì mới đủ điều kiện khởi xướng điều tra chống bán phá giá đối với HRC nhập khẩu.
Từ những phân tích trên, tập thể 9 công ty tôn mạ và ống thép Việt Nam khẳng định rằng: Nếu khởi xướng chống bán phá giá và áp thuế chống bán phá giá đối với HRC nhập khẩu có thể ảnh hưởng tiêu cực tới ngành thép Việt Nam và toàn bộ nền kinh tế. Bởi việc áp thuế phòng vệ thương mại hoặc xây dựng bất kỳ rào cản thuế quan, phi thuế quan nào khác đối với HRC nhập khẩu đều làm giảm khả năng cạnh tranh của các doanh nghiệp sản xuất tôn mạ và ống thép Việt Nam tại cả thị trường nội địa lẫn thị trường xuất khẩu, hơn nữa còn làm ảnh hưởng đến môi trường kinh doanh lành mạnh giữa các doanh nghiệp cũng như tác động đến các ngành nghề khác như xây dựng, bất động sản, công nghiệp, logistics…
Có thể thấy, việc khởi xướng điều tra và áp thuế chống bán phá giá đối với thép HRC nhập khẩu vẫn phải do cơ quan quản lý quyết định dựa trên những dữ liệu cụ thể và đánh giá khách quan để đưa ra kết luận cuối cùng với nhóm hàng quan trọng này. Kết luận đó sẽ là tiền đề tạo ra môi trường cạnh tranh công bằng, lành mạnh giữa các doanh nghiệp sản xuất thép trong nước, cũng như tạo ra giá trị cao cho mặt hàng thép Việt Nam khi đưa ra thị trường nước ngoài.