Catalan – Hồi chuông cảnh báo

(Ngày Nay) - Một ngày cuối tuần đầy sóng gió tại xứ Catalan thuộc Tây Ban Nha. Hàng nghìn cảnh sát quốc gia giằng co cố chặn dòng người đổ tới các địa điểm công cộng, hàng trăm người bị thương, bầu không khí náo loạn được truyền đi trên màn hình tivi khắp thế giới. Nhưng đây không phải cảnh tượng của một vụ thiên tai hay bạo động, mà là một cuộc trưng cầu dân ý về độc lập.
Catalan – Hồi chuông cảnh báo

Bất chấp sự phản đối từ phía chính phủ trung ương và sự phủ nhận của Tòa án Hiến pháp Tây Ban Nha, chính quyền khu tự trị Catalan quyết định tiến hành một cuộc trưng cầu dân ý mà bản thân họ hiểu rằng không có hiệu lực pháp lý dù theo hiến pháp nước này hay theo thông lệ quốc tế.

Và ngay sau khi cuộc trưng cầu dân ý diễn ra, chính quyền Catalan đã lên kế hoạch đường đi nước bước hướng tới tuyên bố độc lập, dù kết quả kiểm phiếu 90% ủng hộ chưa hẳn phản ánh đúng nguyện vọng của người dân xứ Catalan khi chỉ có 42% cử tri đi bỏ phiếu.

Cuộc trưng cầu dân ý và những gì diễn ra sau đó hứa hẹn một cơn bão đang đổ tới trên chính trường Tây Ban Nha. Nó có nguyên nhân do đâu, và đang gửi đi thông điệp gì tới Tây Ban Nha và cả châu Âu?

Nguyên nhân Lịch sử - Địa lý - Văn hóa

Khác với những liên bang như Hợp chúng quốc Hoa Kỳ gắn bó với nhau vì quyền lợi chung và vì mục đích xây dựng một quốc gia hùng mạnh, các vùng lãnh thổ của Vương quốc Tây Ban Nha gắn bó và hợp nhất thông qua hôn nhân của các vua chúa thời phong kiến từ nhiều thế kỷ trước.

Nằm ở cực Đông Bắc của bán đảo Iberian, Catalan là con đường chiến lược nối giữa Pháp và Tây Ban Nha, chịu ảnh hưởng văn hóa và các cuộc xâm lấn từ cả hai phía. Catalan cũng có vị trí hàng hải vô cùng thuận lợi, với thành phố Barcelona là một trong những thành thị trung tâm của Địa Trung Hải và là trung tâm giao thương quan trọng trong nhiều thế kỷ. Trên thực tế, cho đến ngày nay, Barcelona vẫn là trái tim của một khu vực châu Âu trải dài từ thành phố Marseille xuống vùng Valencia, và xét về mặt kinh tế là khu vực nổi trội hơn tất cả những phần còn lại của bán đảo Iberian.

Về văn hóa, người dân Catalan có ngôn ngữ riêng và tiếng Catalan là một trong những ngôn ngữ lâu đời nhất được phát triển từ tiếng Latin nguyên thủy, có sự tương đồng với không chỉ tiếng Tây Ban Nha mà còn với tiếng Pháp và tiếng Ý hiện đại. Đây là ngôn ngữ chính của 9,5 triệu người sống không chỉ ở Catalan, mà còn ở đảo Balearic, vùng Valencia và vùng Rousillon thuộc Pháp. Tiếng Catalan hiện là ngôn ngữ được đông người sử dụng hàng thứ 14 trong Liên minh Châu Âu EU.

Không chỉ về ngôn ngữ, mà người Catalan còn có nhiều khác biệt văn hóa so với những phần còn lại của Tây Ban Nha. Là vùng đất có lịch sử giao thương lâu đời và là một trung tâm của cách mạng công nghiệp, xứ Catalan sản sinh ra những con người lao động chăm chỉ và có tính cộng đồng cao.

Người Catalan lập hội nhóm cho mọi hoạt động lao động hay vui chơi giải trí của mình, từ hái nấm cho đến cổ vũ bóng đá. Các môn thể thao, nghệ thuật dân gian của xứ Catalan cũng đòi hỏi tính phối hợp của nhiều người, khác với điệu nhảy flamenco vốn mang nhiều tính cá nhân của người Tây Ban Nha. Ngay cả môn thể thao đấu bò tót quốc hồn quốc túy của Tây Ban Nha cũng bị coi là bạo lực và bất hợp pháp tại xứ Catalan.

Nguồn gốc lịch sử cũng như những khác biệt về ngôn ngữ, văn hóa luôn là những xúc tác để phong trào đòi độc lập cho xứ Catalan khơi gợi tinh thần dân tộc chủ nghĩa trong người dân ở đây. Tuy nhiên, nếu nhìn rộng ra cả một tiến trình lịch sử trên toàn lục địa châu Âu hay toàn thế giới, thì đây không phải những nguyên nhân có tính thuyết phục để các vùng lãnh thổ đòi độc lập và tuyên bố li khai.

Trên thực tế, phong trào đòi độc lập cho xứ Catalan tuy đã bắt đầu từ một thế kỷ trước, nhưng chỉ âm ỉ và phát triển không mấy sâu rộng. Nó chỉ thực sự bùng lên từ năm 2006. Nguyên nhân bởi một số tranh cãi xung quanh giữa chính phủ ở Madrid và chính quyền Catalan về cách diễn giải Hiến pháp Tây Ban Nha xung quanh vấn đề quyền tự trị của Catalan, nhưng quan trọng hơn cả là những xung đột về quyền lợi kinh tế trong bối cảnh cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu năm 2008.

Nguyên nhân Kinh tế

Catalan là một khu vực thuận lợi cả về địa hình lẫn thổ nhưỡng, và đóng góp tới 20% nền kinh tế Tây Ban Nha. Tuy nhiên, Catalan cũng phải chịu một mức thâm hụt thuế lên tới 8% GDP của khu vực này, đồng nghĩa với việc người dân Catalan phải chia sẻ của cải của mình cho những khu vực khác của Tây Ban Nha. Trong năm 2010, có 16 tỷ Euro tiền thuế của Catalan nộp vào ngân sách trung ương không được tái đầu tư trở lại cho Catalan.

Bên cạnh sự mất cân bằng trong đóng góp và chi tiêu ngân sách, người Catalan còn cảm thấy không hài lòng trước nhiều chính sách của chính phủ trung ương mà họ cho rằng có ảnh hưởng tiêu cực đến nền kinh tế của địa phương, đặc biệt là các chính sách phát triển hạ tầng.

Có thể lấy ví dụ về sân bay Barcelona - sân bay đông đúc nhất của Tây Ban Nha tại nhiều thời điểm trong năm, cho tới năm ngoái vẫn không có hệ thống tàu điện kết nối với khu vực trung tâm. Bên cạnh đó, cơ quan kiểm soát hàng không quốc gia cũng ưu ái giành mọi chuyến bay xuyên lục địa tới sân bay Madrid, đồng nghĩa với việc thiếu đường bay thẳng tới Barcelona, ảnh hưởng nặng nề tới hoạt động kinh doanh đa quốc gia tại địa phương này.

Catalan – Hồi chuông cảnh báo ảnh 1

Một ví dụ khác là cảng Barcelona - một trong những hải cảng đông đúc nhất châu Âu và mang lợi nhiều lợi nhuận, bù lỗ cho các hải cảng thua lỗ khác của Tây Ban Nha. Cảng Barcelona sẽ còn mang lại nhiều lợi nhuận hơn nữa nếu có tuyến đường sắt vận tải hàng hóa từ đây sang châu Âu.

Xứ Catalan và Liên minh châu Âu (EU) trong nhiều năm nay đã vận động cho việc thiết lập Hành lang Địa Trung Hải - một tuyến hành lang đường bộ và đường sắt chạy qua Catalan và một số khu vực khác của Tây Ban Nha như Valencia, Cartagena, Malaga và Algeciras. Tuy nhiên, trong nhiều năm liền, chính phủ trung ương Tây Ban Nha đã cản trở kế hoạch này với lý do hành lang không chạy qua thủ đô Madrid.

Những bất đồng xung quanh ngân sách và quản trị được đẩy lên trong cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu năm 2008. Trong cuộc khủng hoảng này, xứ Catalan là khu vực bị cắt giảm ngân sách nhiều nhất. Trong năm 2010, xứ Catalan cũng xin quy chế được tự thu ngân sách - tương tự như quy chế tại một khu vực tự trị khác của Tây Ban Nhà là xứ Basque. Tuy nhiên, yêu cầu này cũng đã bị chính phủ trung ương từ chối.

Trong bối cảnh kinh tế như vậy, người Catalan cảm thấy chưa được đối xử tương xứng với những đóng góp của họ cho Tây Ban Nha. Điều này đẩy tâm lý muốn ly khai của người dân ở đây lên cao, cùng với niềm tin rằng Calatan sẽ giàu có hơn nếu được độc lập, bởi khu vực này  có GDP ngang với Đan Mạch và có GDP trên đầu người cao hơn toàn Tây Ban Nha.

Thông điệp cho châu Âu

Cuộc trưng cầu dân ý mới nhất của xứ Catalan diễn ra trong bối cảnh một làn sóng dân túy đang quét qua châu Âu, gây sóng gió trên chính trường nhiều nước lớn như Pháp và Đức. Chủ nghĩa dân túy và chủ nghĩa li khai tuy không giống nhau, nhưng chúng là hai mặt của một đồng xu. Cuộc trưng cầu dân ý của xứ Catalan, cũng như sự lên ngôi của các đảng cực hữu ở nhiều nước châu Âu khác, cho thấy các quốc gia đang phải chật vật đối mặt với thách thức duy trì sự toàn vẹn, sự đa dạng trong xã hội và trung hòa những khoảng cách và khác biệt nội tại.

Các cuộc trưng cầu dân ý đã là phương thức để tuyên bố độc lập và thiết lập ra quốc gia mới trong hàng trăm năm nay. Chúng thường không xảy ra tình cờ, mà theo những thay đổi và xu hướng có tính hệ thống trong lịch sử. Làn sóng trưng cầu dân ý gần đây nhất xảy ra từ 25 đến 30 năm trước, với sự tan rã của Liên bang Xô Viết và Liên bang Nam Tư. Hiện tượng các cuộc trưng cầu dân ý trong thời gian gần đây diễn ra ngày một nhiều, diễn ra với mục đích thay đổi cấu trúc nhà nước, bao gồm của BREXIT, cho thấy các quốc gia có thể đang không thay đổi và thích nghi kịp với các thách thức hiện tại.

Trong trường hợp cuộc trưng cầu dân ý ở Catalan, chính phủ trung ương ở Madrid đã phản ứng bằng một chiến dịch an ninh bàn tay sắt. Với một đất nước trong nội tại có nhiều phong trào li khai như Tây Ban Nha, phản ứng này có phần dễ hiểu khi họ không muốn hiệu ứng domino xảy ra. Tuy nhiên, cách phản ứng này không có tính tích cực trong việc xóa bỏ khoảng cách, xây dựng lại niềm tin và một sự đoàn kết thực sự giữa chính phủ trung ương và các khu vực tự trị.

Hơn thế nữa, các cuộc thăm dò dư luận cho thấy đa phần người dân Catalan muốn tiếp tục là một phần của Tây Ban Nha, nhưng họ cũng đòi hỏi quyền được bày tỏ quan điểm thể hiện qua lá phiếu trưng cầu dân ý. Có thể sẽ là một phản ứng có lợi hơn nếu Madrid nhìn nhận một cách tích cực nhu cầu của cử tri Catalan, hoặc đơn giản hơn là để cuộc trưng cầu diễn ra trong hòa bình và khuyến khích những người không ủng hộ độc lập đi bỏ phiếu.

Và đây cũng là tiếng chuông cảnh báo với những quôc gia châu Âu khác, nơi đang âm ỉ các phong trào li khai như Pháp, Anh và Italia.

Nhóm nhạc BTS tích cực quảng bá văn hóa Hàn Quốc. Ảnh: Bighit Entertainment
Giới trẻ châu Á kể chuyện văn hóa dân tộc
(Ngày Nay) - Người trẻ châu Á ngày nay không chỉ năng động, sáng tạo mà còn luôn ý thức gìn giữ và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc. Họ đang thổi bùng sức sống mới cho văn hóa truyền thống bằng những cách thức độc đáo và đầy cảm hứng.
Ảnh minh họa
Công an Hà Nội cảnh báo 24 thủ đoạn sử dụng công nghệ cao để lừa đảo chiếm tài sản
(Ngày Nay) - Theo Công an TP Hà Nội, tội phạm sử dụng công nghệ cao để lừa đảo chiếm đoạt tài sản vẫn diễn biến phức tạp, các đối tượng thường xuyên thay đổi phương thức, thủ đoạn hoạt động, lợi dụng không gian mạng để thực hiện hành vi phạm tội, gây thiệt hại đặc biệt lớn về kinh tế-xã hội.
Tầng lớp tỷ phú, giàu có tìm nơi tận hưởng cuộc sống “xa xỉ thầm lặng”
Tầng lớp tỷ phú, giàu có tìm nơi tận hưởng cuộc sống “xa xỉ thầm lặng”
(Ngày Nay) -  “Quiet luxury” - sự xa xỉ thầm lặng đang phát triển thành xu hướng sống, phong cách tận hưởng mới của giới thượng lưu. Bắt nguồn từ thời trang, xu hướng này “lấn sân” sang lĩnh vực bất động sản và được giới nhà giàu ưa chuộng. Điều này lý giải vì sao phân khu The Miyabi (thuộc Thành phố đảo Hoàng Gia - Vinhomes Royal Island) được săn đón ngay khi vừa ra mắt .
Ảnh minh họa
WHO ra mắt mạng lưới toàn cầu mới giám sát virus corona
(Ngày Nay) -  Ngày 27/3, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã ra mắt mạng lưới toàn cầu mới về virus corona CoViNet để phát hiện, theo dõi và đánh giá sớm cũng như chính xác các virus SARS-CoV-2, MERS-CoV và các chủng virus corona mới đe dọa nghiêm trọng sức khỏe cộng đồng.