Câu chuyện Bảo vệ Di sản Thế giới không chỉ ở danh hiệu

0:00 / 0:00
0:00
(Ngày Nay) - Hơn bao giờ hết, chúng ta tự hào với khối danh hiệu đồ sộ được thế giới công nhận và ngưỡng mộ nhưng điều đó cũng đòi hỏi tính trách nhiệm và sự hiểu biết để gìn giữ những giá trị đang sở hữu.
Câu chuyện Bảo vệ Di sản Thế giới không chỉ ở danh hiệu

Tháng 11/2023, sau gần thế kỷ “lưu lạc” tại Pháp, ấn vàng “Hoàng đế chi bảo” đã trở về với Việt Nam sau lễ tiếp nhận tại Đại sứ quán nước ta ở Pháp hôm 16/11. Sau đó ít ngày, cũng tại thủ đô Paris (Pháp), Việt Nam trúng cử thành viên Ủy ban Di sản Thế giới nhiệm kỳ 2023-2027 với số phiếu bầu cao nhất trong Nhóm 4 khu vực châu Á-Thái Bình Dương, chính thức là thành viên Ủy ban Di sản Thế giới nhiệm kỳ 2023-2027. Những tin vui liên tiếp cho những người làm công tác bảo tồn văn hóa và công chúng Việt Nam chỉ trong cùng 1 tháng.

Cần phải nhắc lại rằng cuộc bầu cử để trở thành một trong 21 nước thành viên của Ủy ban Di sản Thế giới luôn khó khăn và có tính cạnh tranh rất cao bởi Ủy ban Di sản Thế giới là một trong những cơ quan điều hành quan trọng nhất của Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên hợp quốc (UNESCO). Ủy ban này có quyền quyết định những vấn đề then chốt liên quan tới việc công nhận các di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới; là đơn vị có trọng trách xem xét, đánh giá tình trạng bảo tồn của các di sản thế giới trên toàn cầu; quyết định chính sách, ngân sách chủ trương, định hướng phát triển của Công ước Di sản Thế giới. Đây cũng là Công ước có số lượng thành viên lớn nhất của UNESCO với 194 quốc gia.

Rõ ràng, điều này có ý nghĩa quan trọng về nhiều mặt, khẳng định đường lối đối ngoại đúng đắn của Đảng và Nhà nước ta như tinh thần của Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII và Chỉ thị số 25-CT/TW của Ban Bí thư về đa phương hóa, đa dạng hóa, hội nhập quốc tế toàn diện và sâu rộng, đẩy mạnh và nâng tầm đối ngoại đa phương, triển khai đồng bộ và phối hợp hiệu quả giữa ngoại giao chính trị, ngoại giao kinh tế và ngoại giao văn hóa, giữa ngoại giao song phương và ngoại giao đa phương.

Việc trúng cử với số phiếu cao cũng thể hiện uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế, sự tin tưởng, ủng hộ của cộng đồng quốc tế với khả năng đóng góp và năng lực điều hành của Việt Nam tại các thể chế đa phương toàn cầu; ghi nhận đóng góp thiết thực của Việt Nam trong quan hệ với UNESCO, trong gìn giữ, bảo tồn, phát huy giá trị di sản ở Việt Nam.

Tự hào, trách nhiệm và hiểu biết

Nhưng, cũng trong tháng 11/2023, dư luận “dậy sóng” với hiện tượng lấn biển ở Hạ Long để xây dựng các khu du lịch và khu đô thị. Theo nhiều chuyên gia, các hoạt động xây dựng ở ngay bờ biển cũng là một trong những nguyên nhân dẫn đến việc rác thải trôi ra Vịnh Hạ Long. Việt Nam hiện có tổng cộng 22 Di sản Thế giới được UNESCO vinh danh, gồm: 3 Di sản Thiên nhiên, 15 Di sản Văn hóa và 4 Di sản Tư liệu.

Hơn bao giờ hết, chúng ta tự hào với khối danh hiệu đồ sộ được thế giới công nhận và ngưỡng mộ nhưng điều đó cũng đòi hỏi tính trách nhiệm và sự hiểu biết để gìn giữ những giá trị đang sở hữu. Trân quý và bảo tồn những giá trị đang có còn quan trọng hơn việc chạy thay số lượng danh hiệu. Hơn nữa, niềm tự hào và trọng trách không cho phép vì lợi ích kinh tế trước mắt mà đánh đổi di sản.

Theo báo Quảng Ninh, công tác giáo dục về Di sản Hạ Long đã được “rốt ráo” đưa vào các bài giảng cho lớp trẻ. Từ năm 2017, để nội dung này được thực hiện chính thức và bài bản hơn, Ủy ban Nhân dân Thành phố Hạ Long đã xây dựng bộ tài liệu “Giáo dục Bảo tồn Di sản Thiên nhiên Thế giới Vịnh Hạ Long” để đưa vào giảng dạy tại tất cả các trường Trung học và Trung học Cơ sở trên địa bàn. Mục tiêu là để nâng cao hiểu biết cho học sinh về các giá trị cảnh quan, địa chất, địa mạo cũng như ý thức, kiến thức... để chung tay bảo vệ, giữ gìn và phát huy giá trị Vịnh Hạ Long. Trước đó khá lâu, năm 2002, Trường Trung học & Trung học Cơ sở Hùng Thắng (Thành phố Hạ Long) bắt đầu đưa vào giảng dạy bộ tài liệu “Giáo dục Bảo tồn Di sản Thiên nhiên Thế giới Vịnh Hạ Long”, do Sở Giáo dục và Đào tạo, Ban Quản lý Vịnh Hạ Long phối hợp với Chương trình Bảo tồn Biển và Tổ chức Bảo tồn Động, Thực vật Quốc tế biên soạn. Ngay từ khi bước vào lớp 1, học sinh được nghe truyền thuyết về sự ra đời của Vịnh Hạ Long. Học sinh từ lớp 2 đến lớp 5 lần lượt được học về hang động, rừng ngập mặn, san hô, cá, núi đá vôi, du lịch trên vịnh, chất thải và xử lý chất thải...

Mọi công tác tuyên truyền xem như khá bài bản, hoàn chỉnh, nhưng tất cả lại gợi nhắc về câu chuyện “Di tích và gánh nặng danh hiệu” mà báo chí từng nêu cách đây ít năm, trong đó thực trạng các địa phương “chạy đua” để di tích được công nhận danh hiệu. Di tích cũng như di sản, nó hàm chứa những trầm tích tự nhiên, lịch sử và văn hóa. Thế nhưng nếu chúng ta cứ lo xếp hạng, công nhận di tích mà không có biện pháp bảo tồn, tôn tạo theo đúng trình tự, tính chất của từng di tích thì hệ lụy và cái giá phải trả là không hề nhỏ.

Cần chiến lược cụ thể

Đồng bộ và chi tiết hóa các hành lang pháp lý cho di sản cũng là một vấn đề mà chúng ta cần lưu tâm. Tại một số cuộc hội thảo vừa qua, vấn đề những quy định trong việc quản lý vùng đệm, vùng lõi, vùng lân cận của di sản đã được đặt ra, về hồ sơ dự án Luật Di sản Văn hóa (sửa đổi) có sự … vênh với các luật khác (Luật Đầu tư), để khi triển khai dự án tại vùng lõi, vùng đệm của di sản có hướng dẫn cụ thể.

Nhiều chuyên gia cho rằng cần có điều khoản do Chính phủ quy định chi tiết về bảo vệ các yếu tố gốc cấu thành di sản, di tích, cảnh quan môi trường, sinh thái. Cụ thể, Di sản Vịnh Hạ Long đã được UNESCO ghi danh bởi giá trị thẩm mỹ, nhưng các đánh giá về tác động môi trường hay báo cáo khác không bao giờ đề cập đến. Việc công nhận về giá trị địa chất cũng thế phải quy định rất rõ yếu tố gốc của di sản từ đó các yếu tố đánh giá tác động tới di sản phải được thể hiện.

Từ hiện tượng lấn biển Hạ Long,” cũng có thể thấy một câu chuyện tương tự về vấn đề hành lang pháp lý cho bảo tồn các bảo vật di sản trong sự kiện ấn vàng “Hoàng đế chi bảo” trở về Việt Nam. Thành công này khẳng định sự hợp tác giữa Nhà nước và tư nhân để hồi hương cổ vật Việt Nam còn đang lưu lạc ở nhiều nơi trên thế giới. Luật Di sản Việt Nam (ban hành năm 2001, có hiệu lực từ ngày 1/1/2002 và hiện đang trong quá trình sửa đổi) được nhiều chuyên gia cho rằng sẽ thúc đẩy sự quan tâm của xã hội đối với các cổ vật lưu lạc. Tuy nhiên, quá trình hợp tác giữa Nhà nước và tư nhân vẫn cần một chiến lược cụ thể, lâu dài để tìm hiểu, nghiên cứu, thống kê số cổ vật Việt Nam lưu lạc ở nước ngoài.

Đến cuối năm 2022, Việt Nam có thêm 27 Bảo vật Quốc gia, nâng tổng số lên thành 250, trong đó có nhiều Bảo vật Quốc gia được giữ trong các bộ sưu tập tư nhân. Thực tế ngày càng nhấn mạnh tới vai trò của tư nhân trong việc hồi hương cổ vật về Việt Nam, như trường hợp ấn vàng “Hoàng đế chi bảo” được gia đình ông Nguyễn Thế Hồng ở Bắc Ninh mua từ nhà đấu giá Pháp Millon, với giá 6,1 triệu euro (hơn 153 tỷ đồng).

Muộn còn hơn không

Hội nghị - Hội thảo xin ý kiến góp ý Hồ sơ Dự án Luật Di sản Văn hóa (sửa đổi), được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức hôm 13/11 tại Hà Nội và các điểm cầu trên cả nước, thu hút sự tham gia của đông đảo các nhà quản lý, nhà khoa học và nhà nghiên cứu văn hóa.

Có thể thấy rõ, với nỗ lực và sức đóng góp của toàn xã hội, qua hơn 20 năm thực thi, sự nghiệp bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa dân tộc đã đạt được một số thành tựu quan trọng, được Đảng, Nhà nước, nhân dân và quốc tế ghi nhận, góp phần phát huy các giá trị văn hóa truyền thống, củng cố khối đại đoàn kết dân tộc, thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội, nâng cao đời sống nhân dân, bảo đảm gắn kết hài hòa giữa phát triển kinh tế với văn hóa, xã hội…

Hiện các biện pháp bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa từ hướng tiếp cận tổng thể. Trách nhiệm quản lý nhà nước về di sản văn hóa từ Trung ương tới địa phương và cơ chế thống nhất về phân cấp, phân quyền trong quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa.

Các chuyên gia tham dự hội thảo nói trên cũng nhất trí về cơ chế huy động, thu hút tổng thể các nguồn lực xã hội tích cực tham gia bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa. Cơ chế đảm bảo để các quy định pháp luật về di sản văn hóa được thực thi hiệu quả. Thực trạng hiện nay nhiều người dân địa phương vẫn có suy nghĩ việc bảo tồn di sản là điều gì đó "xa vời," chủ yếu là trách nhiệm của các cơ quan nhà nước hoặc tổ chức phi chính phủ. Các chuyên gia nghiên cứu Hội đồng Anh khi thực hiện chương trình Di sản Kết nối, một phiên bản dành riêng cho Việt Nam của dự án “Di sản Văn hóa cho sự phát triển đồng đều,” chỉ ra rằng cần có thêm các sáng kiến để khuyến khích và thúc đẩy tinh thần tự nguyện hành động vì di sản văn hóa trong các cộng đồng. Một giải pháp khác là đẩy mạnh truyền thông về vai trò quan trọng và năng lực của chính người dân địa phương trong việc bảo tồn di sản văn hóa vốn thuộc về chính họ.

Để bảo vệ di sản, trước hết phải coi cộng đồng, chủ thể nắm giữ di sản là trung tâm. Bảo vệ 'di sản sống', bảo vệ con người nắm giữ di sản, đó là điều quan trọng để xây dựng xã hội toàn diện, tăng khả năng phục hồi và bền vững cho tương lai.

Theo Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Di sản Văn hóa và Thiên nhiên thế giới Quần thể Danh thắng Tràng An có vẻ đẹp cảnh quan là các cánh đồng lúa; vì vậy, đề nghị UBND tỉnh Ninh Bình xem xét không thực hiện việc chuyển đổi diện tích đất trồng lúa sang đất khu đô thị để tránh làm ảnh hưởng đến cảnh quan thiên nhiên tạo nên giá trị của di sản.
Yêu cầu tỉnh Ninh Bình không làm ảnh hưởng xấu tới Di sản Tràng An
(Ngày Nay) - Liên quan đến đề xuất “xén” một phần cảnh quan thuộc vùng đệm Di sản Quần thể Danh thắng Tràng An để thực hiện dự án Khu Đô thị Ninh Thắng I của UBND tỉnh Ninh Bình; mới đây Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã có những ý kiến cụ thể, trong đó yêu cầu: không thực hiện chuyển đổi đất nhằm tránh làm ảnh hưởng đến cảnh quan thiên nhiên tạo nên giá trị của di sản.
Lịch sử của linh vật Olympic
Lịch sử của linh vật Olympic
(Ngày Nay) - Trong vòng hơn 50 năm, các vận động viên thi đấu tại Thế vận hội Olympic thường được cổ vũ bởi những linh vật độc đáo và ngộ nghĩnh.
Mối nguy hại tiềm tàng của mực xăm chứa vi khuẩn
Mối nguy hại tiềm tàng của mực xăm chứa vi khuẩn
(Ngày Nay) - Theo nghiên cứu mới của Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA), mực xăm hình và mực phun xăm thẩm mỹ được được đóng bao bì kín, trong đó có cả những loại được đánh dấu vô trùng, chứa hàng triệu vi khuẩn có nguy cơ gây bệnh.
UNESCO đồng ý đề xuất bảo tồn và phát triển Di sản thế giới Hoàng thành Thăng Long
UNESCO đồng ý đề xuất bảo tồn và phát triển Di sản thế giới Hoàng thành Thăng Long
(Ngày Nay) - Ngày 24/7, tại Trung tâm Hội nghị Bharat Mandapam ở Thủ đô New Delhi (Ấn Độ), trong khuôn khổ Kỳ họp lần thứ 46, Chủ tịch Ủy ban Di sản thế giới Vishal V. Sharma đã thông qua Quyết định số 46 COM 7B.43, chính thức đồng thuận với các nội dung đề xuất của Việt Nam về định hướng, tầm nhìn nghiên cứu, bảo tồn và phát triển Di sản thế giới Khu trung tâm Hoàng thành Thăng Long.
Chiều 27/8/2014, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tiếp tục chuyến thăm, làm việc tại Hà Giang nhằm kiểm tra tình hình thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng – an ninh và công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị trên địa bàn tỉnh. Trong ảnh: Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng thăm cán bộ, nhân viên lực lượng liên ngành Cửa khẩu quốc tế Thanh Thủy. Ảnh tư liệu: Trí Dũng
Thực hiện lời dặn dò của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại nơi cực Bắc thân yêu của Tổ quốc
(Ngày Nay) - Lời dặn dò của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng “Danh dự là điều thiêng liêng, cao quý nhất” đã trở thành kim chỉ nam để mỗi cán bộ, chiến sĩ Công an nhân dân “tự soi”, “tự sửa”, không ngừng rèn luyện, nâng cao năng lực công tác, ra sức giữ gìn, bảo vệ uy tín, sức mạnh của Đảng, bảo vệ cuộc sống bình yên, hạnh phúc của nhân dân...