Theo kế hoạch, cây cầu mới sẽ thông tuyến trong ngày 30/8 và lễ khánh thành sẽ diễn ra vào ngày 4/9 tới.
Với ba nhịp dây văng thiết kế tựa những cánh buồm trắng và chiều dài 2,7km, Queensferry Crossing là cây cầu dây văng dài nhất thế giới. Cầu có chiều cao 210m so với mực nước biển, tương đương 48 chiếc xe buýt hai tầng - nét đặc trưng của thủ đô London - được xếp chồng lên nhau.
Để hoàn thành công trình hiện đại này trong vòng sáu năm, các kỹ sư xây dựng cầu đường Anh đã sử dụng tới 35.000 tấn thép và 150.000 tấn bêtông. Mặc dù chậm tiến độ so với thời gian dự kiến hoàn thành khoảng 10 tuần, song chi phí thi công công trình này chỉ ở mức 1,35 tỷ bảng Anh (tương đương 1,75 tỷ USD), tiết kiệm được khoảng 235 triệu bảng (303,15 triệu USD) so với dự chi ban đầu.
Thủ hiến Scotland Nicola Sturgeon nhấn mạnh Queensferry Crossing không chỉ là biểu tượng của Scotland hiện đại và đầy kiêu hãnh mà còn là cây cầu huyết mạch.
Theo thông báo của cảnh sát, để đảm bảo an toàn cho lễ khánh thành cầu Queensferry Crossing ngày 4/9 tới, nhà chức trách Anh đã cấm các máy bay tầm thấp (trong đó có máy bay không người lái) bay dưới 914,4m so với mực nước biển hoạt động quanh khu vực ba cây cầu Forth Road, Forth và Queensferry Crossing kể từ 19 giờ ngày 28/8 đến 12 giờ 30 ngày 29/8.
Lệnh cấm tương tự cũng sẽ được áp dụng tại các địa điểm trên trong thời gian 8-8 giờ 30 sáng 2-3/9 và 8-14 giờ ngày 4/9. Tuy nhiên, máy bay của Cảnh sát Scotland cùng Lực lượng Cấp cứu hoặc Lực lượng Hải quân và Bảo vệ bờ biển vẫn được phép hoạt động.
Trước Queensferry Crossing đã có hai cây cầu bắc qua sông Forth lần lượt đi vào hoạt động năm 1890 và 1964. Với lớp sơn phủ màu đỏ, cùng trọng lượng lớn nhất thế giới (54.000 tấn thép và 21.000 tấn bêtông), cây cầu đầu tiên mang tên Forth đã được Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Giáo dục của Liên hợp quốc (UNESCO) đưa vào danh sách Di sản Thế giới. Đây cũng là công trình lớn đầu tiên tại Anh được xây dựng từ vật liệu thép.