Theo ông Shifeta, các quốc gia châu Phi cũng phải xác định các phương tiện thực hiện các biện pháp này, nhất là việc thiết lập các nguồn tài chính mới và đảm bảo triển khai thực hiện đầy đủ để chống biến đổi khí hậu hiệu quả hơn.
Theo các chuyên gia, mặc dù châu Phi đã đề ra những mục tiêu đầy tham vọng nhưng nguồn lực tài chính, khả năng tiếp cận công nghệ và chuyên môn kỹ thuật hiện có vẫn ở một khoảng cách rất xa so với những tham vọng này. Vì vậy, châu lục này phải yêu cầu chia sẻ công bằng về tài chính khí hậu từ các nước phát triển, bao gồm cả việc chuyển giao công nghệ và nâng cao năng lực, để có thể duy trì các nỗ lực khử carbon và xây dựng khả năng chống chịu trước những tác động bất lợi của biến đổi khí hậu.
Mặc dù đóng góp tương đối nhỏ vào lượng phát thải khí nhà kính toàn cầu, các nền kinh tế châu Phi vẫn đang tiếp tục chịu phần lớn tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu. Thêm vào đó, những thách thức từ đại dịch COVID-19 và cuộc xung đột Nga-Ukraine đã làm gia tăng gánh nặng về nợ, giảm nguồn lực tài chính và gia tăng rủi ro an ninh trên lục địa.
Ông Shifeta cho rằng biến đổi khí hậu đe dọa các cộng đồng, hệ sinh thái và nền kinh tế của châu Phi. Theo ông, các nước cần tăng cường hợp tác, cả ở châu Phi cũng như với các đối tác quốc tế, không chỉ để giải quyết các mối đe dọa do biến đổi khí hậu gây ra, mà còn để tận dụng các cơ hội cho một quá trình chuyển đổi công bằng, toàn diện và bình đẳng hướng tới một nền kinh tế châu Phi xanh.