Một chiếc lược trắng bằng nhựa đã ngả màu vàng, hơn chục năm trước có lần thấy ông đứng ngoài sân Nhà thờ lớn, cẩn thận rút nó ở túi ngực ra chải lại tóc trước khi vào lễ.
Một quyển sách mỏng giấy đen ngả vàng in năm 1940, kém ông cụ 2 tuổi, trong đó dạy những câu giao tiếp tiếng Ý đơn giản. Trước khi mất mấy năm, ông cũng hay ngồi trên giường cầm, lầm bầm đọc, một kiểu luyện trí nhớ người già.
Một cái khung ảnh bằng bìa các-tông ông tự làm, trước để trên đầu giường, viền dính óng ánh giấy màu, trong lồng ảnh chụp chung với thằng cháu đích tôn là con trai tôi…
Một đời người đi qua trong chớp mắt, ông co gập hai vai hít thật sâu hơi thở cuối cùng, từ từ giãn ra rồi mất. Kỷ niệm lọt thỏm trong chiếc hộp gỗ bé xíu.
Một tuần cũ, có nhiều mất mát về người bất ngờ, dưới biển Indonesia, dưới chân cầu Chương Dương, dòng sông Hồng. Những bức hình di vật còn sót lại của nạn nhân trong vụ rơi máy bay là giày trẻ em màu đỏ, điện thoại di động, valy… bày la liệt dưới sân nắng. Buồn, gợn, suy nghĩ mông lung.
Tôi rất thích một chi tiết trong bộ phim tài liệu về chiến tranh Việt Nam, có bà mẹ Mỹ tóc bạc trắng kể lại ngày nhận xác đứa con chết trận, vật vã đau đớn, rồi tự an ủi rằng Chúa đã cho bà mượn một thiên thần, giờ ông ấy lấy lại, giữ lại trong trí nhớ những giờ phút đẹp nhất họ lớn lên cùng nhau.
Bà để con cách nhà hàng ngàn km, bởi nếu gần nhà, “sẽ có lúc ra cào đất lên để được sờ vào nó”.
Cách đây mấy năm, anh bạn tôi khi ốm, giấu biệt, chỉ có trước khi mất vài chục phút, không rõ bằng cách nào anh post lên Facebook “Chào các bạn yêu quí của tôi, L đi trước nhé”.
Khi sống anh cũng vậy, luôn vui vẻ và đáng yêu.
Nhà học giả, gã côn đồ hay đình đám Facebookers… Cuối cùng thì ai cũng về với đất trong nhiều hoàn cảnh khác nhau, mang theo những điều thiện và ác.
Về mặt tín ngưỡng, chúng ta ít nói về những điều được coi là xui xẻo. Thật ra khi chứng kiến sự ra đi của ai đó, quen, thân hoặc xa lạ đều dễ khiến lòng bỗng chùng lại và cũng không ít mong muốn sẽ sống như thế nào đó phải tử tế hơn.
“Chiếc hộp ký ức” còn lại ngoài cuộc đời hay trên trang Facebook cá nhân dù không phải là những vật dụng quen thuộc, nhưng nếu được là vài ký ức vụn đẹp đẽ cho người còn ở lại, nhẽ thật đáng tích cóp để dành khi còn khỏe.