Nhà tôi có thể bị cắt điện và nước trong nay mai.
Đó là bởi đề xuất của lãnh đạo thành phố Hà Nội dành cho những chung cư không đạt tiêu chuẩn về phòng cháy chữa cháy - vừa được đưa ra trong tuần này. Và căn hộ chúng tôi đang thuê ở Hà Đông, nằm trong danh sách 79 tòa chung cư chưa đạt các tiêu chuẩn PCCC nhưng đã đưa vào sử dụng.
Tất nhiên, sự trừng phạt này, theo một cách nào đó, sẽ ảnh hưởng đến chủ đầu tư. Có thể là các căn hộ của họ trong tương lai, ở một dự án khác, sẽ bán ế hơn. Họ có thể phá sản vì việc này (?) Tôi chưa nhìn thấy động lực thực sự để họ phải khắc phục sai phạm ở một tòa chung cư đã bán xong. Chỉ biết rằng, đầu tiên, nếu đề xuất này được thông qua, sẽ là thảm họa với cư dân.
Tuần sau, có thể tôi sẽ phải dạy con học trong ánh nến. Mà thật ra đấy cũng là kịch bản lý tưởng: tôi chắc cũng chẳng được phép về nhà với con, mà sẽ phải ở cơ quan để chuẩn bị bài vở. Chắc thằng cu lúc đó cũng sẽ ở cơ quan với mẹ nó luôn. Không điện, không nước, thì chỉ có thể sống lưu vong.
Chúng tôi đã vui vẻ dọn vào căn nhà đó mà không có ý niệm gì về việc họ đã đảm bảo tiêu chuẩn PCCC chưa. Bây giờ, khi sự đã đến nước này, chúng tôi chỉ có thể tự trách mình - cho dù việc đảm bảo các thủ tục đó, trước khi tòa chung cư được đưa vào sử dụng, không phải trách nhiệm của các cư dân. Nó là trách nhiệm của chủ đầu tư. Giám sát việc thực hiện trách nhiệm đó, là các cơ quan chức năng. Chúng tôi chỉ biết trách mình đã tin đối tác làm đúng luật pháp (bây giờ tin người khác làm đúng luật pháp cũng là một cái tội).
Chúng tôi chuẩn bị đón nhận sự trừng phạt vì lỗi lầm của kẻ khác.
“Sáng kiến” của Hà Nội với những tòa chung cư không đảm bảo tiêu chuẩn PCCC chỉ cho thấy một điều: tình thế đã muộn mằn. Thậm chí, là một tình thế bế tắc. Nhà thì phần lớn chủ đầu tư đã bán, bây giờ giơ đầu chịu báng là khách mua.
Việc Hà Nội công bố danh sách 79 tòa chung cư không đảm bảo tiêu chuẩn PCCC hồi tháng trước, vì thế, chỉ đáng hoan nghênh một nửa. Đáng hoan nghênh, vì nó là một động thái chủ động công bố thông tin cho người dân (điều không thường xuyên diễn ra với các cơ quan công nước ta). Nhưng chưa đáng hoan nghênh, vì nó đã diễn ra muộn. Bây giờ, trước tình thế bế tắc này, sẽ dễ dàng nhận ra, một bản danh sách “động”, được cập nhật liên tục từ phía công an về các công trình thiếu an toàn PCCC từ lúc nó mới được nghiệm thu, quan trọng thế nào với người dân.
Thay vì việc có thể "phòng cháy" bằng nhiều biện pháp chủ động, thì bây giờ, với sự tiết lộ muộn mằn hàng tá khu chung cư vi phạm PCCC, chính quyền lại đang loay hoay "chữa cháy" bằng việc đổ hàng xô bọt lên đầu kẻ đứng giữa - là người dân.
Chủ đầu tư có thể luồn lách, có thể chây ì, bằng cách nào đó chống đối lại các pháp định về PCCC. Việc này có thể chưa được giải quyết ngay. Nhưng việc công bố thông tin liên tục cho người dân, sẽ hạn chế rất nhiều rủi ro.
Ở chuyên mục này, 2 năm trước, tôi đã nhắc tới khái niệm “suo motu” mà nhiều nước sử dụng trong lĩnh vực thông tin. Nghĩa đen của cụm từ tiếng Latin này là “tự thân vận động” - tức là chính quyền chủ động cung cấp thông tin họ cảm thấy ích lợi cho người dân, mà không cần dân phải hỏi.
Đã có những tín hiệu cho thấy rằng ý thức này đang dần được hình thành. Đầu tháng này, Bộ Y tế đã yêu cầu các Sở công khai danh sách các cơ sở y tế vi phạm hoạt động chuyên môn. Điều này rất quan trọng, và tạo ra sự khác biệt cực lớn so với việc chính quyền và doanh nghiệp cứ giằng co trong các vi phạm, những quyết định xử phạt ban ra rồi cất trong tủ, hi hữu thì được báo chí biết tới.
Sự công bố chủ động này có thể được áp dụng trong nhiều lĩnh vực đòi hỏi tính an toàn cao: Bất động sản, thực phẩm, y tế, vận tải hành khách... Hay thậm chí, những sai phạm trong lĩnh vực hành chính công hay xây dựng cơ bản cũng có thể được công khai thành hệ thống - để người dân tiếp tục tham gia vào quá trình giám sát việc khắc phục.
Những việc đó sẽ không phải là hành động “bêu tên” nhằm triệt hạ cá nhân hay doanh nghiệp. Theo Luật tiếp cận thông tin sẽ có hiệu lực từ năm 2018, thì tất cả những thông tin này đều nằm trong diện người dân được biết. Nhưng người dân có thể sẽ không nghĩ ra để hỏi - và quá trình hỏi, thì mất thời gian. Sẽ không thể đòi hỏi khách mua chung cư nộp đơn yêu cầu cung cấp thông tin lên công an, hỏi xem nhà mình đã đảm bảo tiêu chuẩn PCCC hay chưa. Bệnh nhân có bệnh cũng không thể nhấc điện thoại nhờ Sở tư vấn phòng khám nào đủ tiêu chuẩn.
Sự chủ động cung cấp những thông tin hữu ích, không chỉ trực tiếp điều chỉnh vận động xã hội theo hướng tích cực. Nó gia tăng niềm tin giữa người dân và cơ quan công quyền - và bắn đi thông điệp rằng hệ thống công đang dốc lòng phục vụ. Và hơn nữa, một khi sự minh bạch được tuyệt đối hóa bằng công luận, những yếu tố kiểu "anh bỏ quá cho" sẽ phải biến mất.
Còn bây giờ, việc công bố thông tin muộn mằn, và giải pháp “quyết liệt” của Hà Nội, khiến tôi thật khó nghĩ về niềm tin.
Tôi còn đang bận nghĩ đến việc nhà mình sắp bị cắt điện.