Có lẽ một vài người ở đây đã chứng kiến một đám đông các bạn trẻ ngủ vạ vật tại sân bay, trong những bộ đồng phục màu sắc. Họ đang đón một nhóm nhạc thần tượng từ nước ngoài.
Tôi đã choáng trong lần đầu tiên nhìn thấy khung cảnh đó. Các bạn - đều ở đang độ tuổi thiếu niên - đã ngủ ở sân bay từ đêm hôm trước, để đón 2 nam ca sỹ trong một chuyến bay sẽ hạ cánh vào gần trưa. Chắc chắn đã có rất nhiều cuộc đấu tranh quyết liệt trước đó với cha mẹ để được phép đi qua đêm. Họ nằm, hoặc ngồi bệt trên đất, mặc những bộ quần áo màu đỏ rực. Họ đều ở độ tuổi đang cần sự giám hộ, và họ đã ngủ trên ghế băng, thậm chí trên nền nhà từ đêm hôm trước. Họ rất đề phòng ống kính máy ảnh, từ chối nói chuyện với phóng viên, và tạo ra cảm giác mình đang bảo vệ một giá trị rất quan trọng. Tôi đã cố bắt chuyện với họ, hỏi tên ban nhạc, nhưng chỉ nhận lại những ánh mắt khó chịu.
Một cuộc tụ tập của của những chiếc áo đỏ tại sân bay Nội Bài, lúc đầu, chỉ là cuộc gặp gỡ khách hàng của một công ty giải trí. Ban nhạc kia là một sản phẩm giải trí, được thiết kế tinh tế. Nhưng sau đó, có rất nhiều yếu tố được thêm vào: chiến lược marketing khiến cho khách hàng cảm thấy rằng tiêu thụ mặt hàng này là một phần giá trị của họ; sự bài xích và thiếu thông cảm của những người lớn xung quanh, khiến cho các cô gái và chàng trai trẻ này thực sự cảm thấy rằng họ đang bảo vệ một giá trị nào đó. Họ gắn kết lại, và không ai có đủ khả năng đi vào quả cầu nhỏ của họ.
Giữa tôi, những người khác trong sân bay Nội Bài ngày hôm đó, với đám đông áo đỏ kia, là một thứ thường hay được đơn giản hóa bằng tên gọi “khoảng cách thế hệ”. Nhưng thực chất, nó có thể là hai quả cầu giá trị khác nhau, không hề có sự giao thoa. Nếu như ngày mai, chúng ta cần huy động nguồn lực để xây dựng một nền văn hóa tiên tiến và đậm đà bản sắc dân tộc, như vẫn hay được kêu gọi, thì các lực lượng này sẽ làm việc với nhau như thế nào? Rất khó khăn với những ánh mắt như vậy.
Giá trị của mỗi người thể hiện qua những gì họ đã làm, chứ không phải những gì họ đã tiêu thụ. Tiếc rằng ngành marketing đang thuyết phục chúng ta điều ngược lại: các trang web hỏi “Bạn nghĩ gì?”; các nhãn thời trang hỏi “Phong cách của bạn là gì?”; các nhãn nước giải khát hoặc cửa hàng cà phê thì nâng niu trân trọng tên của bạn và in nó lên vỏ lon hoặc viết ly nhựa. Đến mì ăn liền cũng hỏi bạn “Hôm nay đã giúp trẻ em nghèo chưa?”. Ngay cả việc làm từ thiện giờ cũng được biến thành một loại hàng hóa và phân phối đến tận nơi người muốn nhận. Đó là cách vận hành tất yếu của ngành marketing - không có điều gì đáng bàn trong phương thức này.
Nhưng điều này, khiến cho rất nhiều người, đặc biệt là những bạn trẻ, chưa va chạm nhiều trong cuộc sống, bỗng nhiên cảm thấy rằng bản thân có một giá trị, chỉ bởi vì mình đã tiêu thụ một thứ gì đó. Chủ nghĩa cá nhân, nhờ vào nền kinh tế thị trường, chưa bao giờ được khuyến khích như hôm nay.
Cách đây chưa lâu, Yuval Levin, một học giả bảo thủ có ảnh hưởng tại Hoa Kỳ, đề xuất một ý tưởng. Ông gọi nó là “Xã hội phân mảnh” (Fragmented Society). Nó là một biểu hiện của chủ nghĩa cá nhân đang lên cao, khi các nhóm người trong xã hội tập trung lại với nhau căn cứ trên các giá trị chung của họ, thay vì chia sẻ các giá trị phổ quát của xã hội. Thay vì một khối cầu lớn, chúng ta có nhiều viên bi nhỏ.
Internet, một thứ tưởng như là để con người chia sẻ các giá trị khác nhau, thật ra cho phép những người có cùng hệ giá trị tìm đến với nhau dễ dàng hơn. Họ trao đổi, nâng cao cái tôi của bản thân, rồi sau đó, chính Internet cung cấp các nền tảng để họ co cụm lại thành một tập thể. Họ không cần đi ra ngoài nhóm đó để có thể thỏa mãn bản thân nữa.
Còn rất nhiều yếu tố nữa khuyến khích chủ nghĩa cá nhân và sự phân mảnh của xã hội; mà Internet và chủ nghĩa tiêu dùng chỉ là hai ví dụ.
Câu hỏi đặt ra, là nếu như các lực lượng thanh niên dễ dàng bị “phân mảnh” như vậy, dễ dàng khu trú trong thế giới riêng được tạo thành nhờ hạ tầng công nghệ của họ như vậy, làm sao chúng ta có thể cùng họ chia sẻ các giá trị phổ quát, cùng nhau hành động và thay đổi xã hội?
Gần đây, tôi mở một lớp dạy truyền thông. Đối tượng là các bạn trẻ, độ tuổi từ 17 đến 28. Sau buổi đầu tiên, tôi nhận ra một điều, là hầu hết các bạn đều đối mặt với một vấn đề: họ thậm chí không thể diễn đạt rõ ràng suy nghĩ của mình với người khác. Họ muốn tìm đến tôi như là một nhà tư vấn, để làm sao viết hay hơn, nói một cách khác, là để truyền tải được suy nghĩ của mình cho nhiều người.
Khi tôi yêu cầu các bạn viết một đoạn văn đơn giản tả người thân, tất cả đều viết những đoạn văn rất cá tính. Nhưng không có đầu, không có cuối. Không một bài viết nào có mở bài, thân bài và kết luận. Tôi nhận ra rằng đó là cách họ đã viết những dòng trạng thái không đầu cuối trên facebook của mình suốt những năm trưởng thành.
Nhưng tôi tin rằng trạng thái đó chỉ là tạm thời. Đầu khóa học, tôi đề xuất với các học viên của mình, rằng sau khi kết thúc khóa học, chúng ta có thể dùng tiền học do chính các bạn đóng, cùng nhau đi đến một địa danh lịch sử ở miền núi. Ở đó, tôi gợi ý các bạn có thể gặp gỡ các chiến sỹ biên phòng, và cùng làm một hoạt động công ích nào đó giúp đỡ đồng bào dân tộc. Chúng tôi sẽ không sử dụng học phí của các bạn làm lợi nhuận, mà tạo ra giá trị công ích. Cạnh đó, chúng ta có thể cảm nhận về lịch sử. Tất cả đều tỏ ra rất hào hứng, và muốn đi luôn. Họ không hề thờ ơ, họ vẫn là thanh niên, và giữ được một sự tò mò quý giá với cuộc sống.
Căn cứ vào sự hào hứng ấy, trong khóa học của mình, tôi tự tin thiết kế các bài giảng về việc làm sao có thể giúp các học viên nói chuyện với những người bình thường nhất.
Chúng tôi thảo luận về những việc hết sức đơn giản. Như là làm sao có thể bắt chuyện với một người lái xe taxi, để có thể hiểu được tình trạng của những lao động phổ thông.
Chúng tôi cũng thảo luận về việc làm sao để có thể nói chuyện với những người bán hàng rong, những người sống trong các khu ổ chuột. Đó thật ra là những kỹ năng mà nhiều người trong các thế hệ trước dễ dàng làm chủ, nhưng với thế hệ này, thì đó là một điều rất khó khăn. Họ tiêu thụ nội dung nhiều, nhưng giao tiếp ít.
**
Chúng ta đang thiếu những cơ chế để khuyến khích thanh niên va đập vào phần còn lại của thế giới.
Ở khắp nơi, tôi thấy khả năng kết nối của hạ tầng công nghệ được ca ngợi, như thể nó không có mặt trái. Ở khắp nơi, tôi thấy những sở thích mới của các bạn trẻ được tôn vinh, như thể họ chỉ cần sống trong thế giới đó. Có một thực tế rất dễ bị lãng quên, đặc biệt là trong các xã hội đang phát triển như Việt Nam: lực lượng thanh niên, đặc biệt là thanh niên thành thị, dễ dàng tiến vào tầng lớp trung lưu hơn, dễ dàng làm chủ công nghệ hơn, và dễ dàng mang một hệ giá trị khác so với phần lớn dân số còn lại - những người nông dân, các nhóm thiểu số. Nói cách khác, gia tốc tiến về phía trước của thanh niên trong các xã hội đang phát triển, sẽ nhanh hơn phần còn lại, và khoảng cách vì thế cũng sẽ gia tăng qua thời gian.
Các giá trị đạo đức không thể được giáo huấn thông qua lý thuyết thuần túy. Nó phải được tạo ra từ cảm nhận của chính các bạn trẻ thông qua việc giao tiếp với các nhóm khác trong xã hội. Ý thức về trách nhiệm xã hội chỉ có thể được tạo ra nếu họ biết rằng họ đang mang trách nhiệm với những con người cụ thể.
Chúng ta không thể mong chờ chiếc smartphone đem đến cho thanh niên các giá trị đó. Chúng ta chỉ có thể hy vọng rằng chiếc smartphone ấy, không làm điều ngược lại, tức là cô lập họ, giúp họ khu trú trong quả cầu của mình.
Việt Nam có một vài phong trào thanh niên. Nhưng một số lượng lớn trong đó mang nặng tính hình thức, được điều phối bởi các tổ chức chính trị. Phần còn lại, là tự phát, và hàm chứa nhiều rủi ro.
Các chương trình giáo dục dành cho thanh niên thiếu tính đa dạng. Phần lớn, chúng chỉ tồn tại trong nhà trường. Và không được thiết kế để cân bằng, hay chính xác hơn, là đương đầu với những thách thức mới của thời đại như tôi đã chỉ ra.
Gần đây, người ta nói rất nhiều đến ý thức du lịch của những bạn trẻ tại các vùng dân tộc thiểu số. Họ đến và đi chóng vánh, chụp một vài bức ảnh với cánh đồng hoa tam giác mạch hay trẻ em miền núi để đăng lên facebook. Họ đến và đi với hệ giá trị của mình, chứ không thực sự muốn giao thoa với hệ giá trị bản địa. Những điều này có thể tạo ra những hệ quả xã hội, kinh tế và môi trường cho các vùng họ đặt chân tới.
Và điều đáng nói nhất, các vùng cận biên này của phía Bắc Việt Nam hoàn toàn có thể là những khu vực nhạy cảm về an ninh và chính trị. Đó là nơi mà những cô gái dân tộc vẫn liên tục bị buôn bán qua bên kia biên giới, trong khi lực lượng thanh niên - những người tiên phong trong xã hội - tới đây để trả 10 nghìn đồng cho một lần vào chụp ảnh trong cánh đồng hoa tam giác mạch. Những cánh đồng này vốn được để trồng cây lương thực, giờ chỉ trồng một loại hoa có giá trị kinh tế thấp để làm du lịch. Họ gián tiếp khuyến khích đồng bào rời bỏ các sinh kế khác để phục vụ cho mình. Và các vấn đề của địa phương liệu có được giải quyết bởi lối hành xử này? Tôi rất nghi ngờ.
**
Làm thế nào để những người trẻ này, vốn đang có một cuộc sống đầy hứa hẹn, rời khỏi màn hình điện thoại để bắt đầu đi tìm kiếm những giá trị mới?
Những phong trào thanh niên cần được thiết kế tinh tế hơn. Sẽ rất dễ dàng để “lai ghép” những chuyến đi du lịch đến các vùng hoang sơ với những hoạt động tìm hiểu và chia sẻ cuộc sống của người dân bản địa. Vừa tạo ra sự hứng khởi, vừa tạo thêm giá trị. Nhiều NGO quốc tế đã rất thành công trong việc đưa thanh niên các nước phát triển đến du-lịch-tình-nguyện tại các quốc gia kém phát triển. Đó chỉ là một mô hình.
Những thiết kế tinh tế này phải đảm bảo được cả sự hào hứng cho thanh niên, một lực lượng trưởng thành trong kỷ nguyên công nghệ và có não trạng hoàn toàn khác biệt so với cha ông họ, vừa phải truyền đạt được các giá trị đạo đức phổ quát.
Đây là một nhiệm vụ không hề dễ dàng.
Nhưng đó không phải là nhiệm vụ bất khả thi. Nguồn lực trong xã hội, bao gồm cả tài chính và chất xám, vẫn đủ để thực hiện điều này. Điều cốt lõi, là tôi tin rằng chúng ta vẫn chưa nhận thức được đầy đủ những gì thanh niên đang đối mặt, để hành động.