Mẫu hình phụ nữ mới
Theo các chuyên gia, bên cạnh những tác động tiêu cực, đại dịch COVID-19 cũng được xem như đòn bẩy giúp phát triển công nghệ số, góp phần phục hồi và phát triển kinh tế đất nước. Cùng những nguồn lực khác trong xã hội, cách mạng 4.0 (CM 4.0) tạo ra những cơ hội đầy triển vọng để nữ giới nâng cao năng lực, trau dồi, phát triển bản thân, tìm kiếm những cơ hội nghề nghiệp ở nhiều lĩnh vực.
Theo Statista, tỷ lệ sở hữu smartphone có thể xem như một chỉ số để đo lường mức độ phát triển của nền kinh tế của một quốc gia. Năm 2020, tỷ lệ sử dụng smartphone tại Việt Nam lên tới 63,1% người dùng, xếp thứ 9 trên thế giới. Dự đoán với bước phát triển của công nghệ thông tin (CNTT), cho tới năm 2025, thị trường kinh tế số tại Việt Nam có thể đạt tổng giá trị vào khoảng 52 tỷ USD.
Để đón đầu làn sóng kinh tế trên, thời gian qua, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam đã tích cực triển khai phong trào thi đua “Xây dựng người phụ nữ Việt Nam thời đại mới”. Đây là động lực cũng như cam kết của Hội trong việc nâng cao năng lực, vị thế của phụ nữ Việt. Các hoạt động, dự án truyền thông, đào tạo hội viên hiệu quả đã được triển khai, phần nào hỗ trợ phụ nữ tiếp cận, sử dụng các nền tảng trực tuyến thông dụng. Nhiều phụ nữ được tập huấn kỹ năng ứng dụng CNTT trong sản xuất, kinh doanh, hỗ trợ kết nối với các sàn thương mại điện tử để tiêu thụ sản phẩm.
Nhận xét về bối cảnh chuyển đổi số tại Việt Nam cùng những xung lực hỗ trợ phụ nữ, bà Nguyễn Thu Giang - Phó Viện trưởng Viện phát triển sức khỏe cộng đồng Ánh sáng (Light), cho biết sự phát triển mạnh mẽ của CM 4.0 đã và đang tác động tổng thể đến xã hội và từng cá nhân, trong đó có người phụ nữ. Điều này thúc đẩy nội hàm “người phụ nữ thời đại mới” giãn nở, mở rộng. Người phụ nữ không chỉ bồi đắp học thức, kinh nghiệm, gìn giữ các giá trị truyền thống tốt đẹp của gia đình, dân tộc mà còn cần linh hoạt, năng động hơn để nắm bắt công nghệ.
“Phụ nữ ngày nay cần nắm giữ công nghệ vì đây là phương tiện phát huy tối đa khả năng, năng lực trong giảm nghèo, phát triển kinh tế cũng như gắn kết gia đình, giao tiếp – giao lưu – kết nối trong cộng đồng và môi trường quốc tế”, bà Giang nhấn mạnh.
Còn tồn tại khoảng cách
Ngoài mặt tích cực, chuyển đổi số cũng đặt ra nhiều thách thức qua việc phần đa phụ nữ Việt Nam còn hạn chế trong tiếp cận với công nghệ số. Đặc biệt, năng lực, khả năng tiếp thu, tiếp cận với công nghệ của nhóm phụ nữ yếu thế như: người nghèo, người di cư, người cao tuổi, trẻ em gái, người khuyết tật… còn hạn chế. Để có thể tiếp cận với công nghiệp, phụ nữ yếu thế thường đối mặt với vô số rào cản trầm trọng trong đó cái nghèo, vấn đề bình đẳng giới, định kiến giới, khuôn mẫu giới.
Ảnh minh họa. |
Một bài toán nan giải khác phụ nữ hiện nay phải đối mặt còn là những thay đổi trong cách thức làm việc truyền thống, sự gia tăng áp lực về dịch chuyển lao động, gia tăng khoảng cách giới, nguy cơ thất nghiệp... nhất là với những người chưa được trang bị kiến thức, kỹ năng, phương thức làm việc. Rất nhiều phụ nữ khởi nghiệp mà thiếu hụt các kỹ năng tiếp cận khách hàng qua các nền tảng mạng xã hội, sàn thương mại điện tử..., nhiều doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ chưa thật sự chú trọng chuyển đổi số, sử dụng công nghệ, máy móc, phương tiện sản xuất lạc hậu, chưa tham gia được vào chuỗi giá trị sản xuất.
Theo ông Đào Quang Vinh, nguyên Viện trưởng Viện Khoa học lao động và Xã hội, Việt Nam vẫn còn khoảng cách giới trong phân bổ việc làm theo khu vực, nghề nghiệp; còn chênh lệch rất lớn giữa thu nhập của lao động nam và lao động nữ. Đã từng có giai đoạn, tiền lương bình quân của nữ luôn thấp hơn nam giới khoảng 30 USD trên tổng mức lương chưa đạt 200 USD/tháng.
“Sự chênh lệch sẽ càng gia tăng trong ứng dụng CM 4.0 bởi mức lương tốt thường được trả cho người lao động tay nghề cao, thông thạo kỹ thuật số, trong khi lao động nữ phần nhiều không đáp ứng được nhu cầu này”, ông Vinh cho hay.
Bên cạnh đó, lao động nữ còn là đối tượng chịu tác động nhiều nhất của quá trình chuyển đổi khi tỷ lệ lao động này chiếm khoảng 80-90% trong các ngành chế biến thủy sản, dệt may… có nguy cơ bị thay thế bởi máy móc. Điều đó cũng chỉ ra nguy cơ đánh mất sinh kế của một bộ phận không nhỏ lực lượng lao động trẻ là nữ trong tương lai không xa.
Mặc dù vậy, theo bà Tôn Nữ Thị Ninh, Chủ tịch Quỹ Hòa bình và Phát triển TP HCM, kỷ nguyên số là môi trường luôn đan xen giữa thách thức và cơ hội để phụ nữ bứt phá, phát triển bản thân, nâng cao ý thức làm chủ cuộc sống và tư duy bình đẳng giới. Công nghệ sẽ đóng vai trò kết nối giữa con người và thông tin, mở rộng cơ hội cho phụ nữ, nhất là giới trẻ.
Bà Ninh chia sẻ: “Những lợi thế của phụ nữ như tinh thần cầu tiến, sẵn sàng học hỏi và kiên trì, suy nghĩ đột phá sẽ là bàn đạp thúc đẩy họ phát triển. Bước ngoặt cho phụ nữ là khi họ dám đổi mới, sáng tạo”.
Điểm sáng của chính sách
Năm 2021, Chính phủ ban hành Nghị quyết số 28/NQ-CP phê duyệt Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2021-2030 với mục tiêu tổng quát: “Tiếp tục thu hẹp khoảng cách giới, tạo điều kiện, cơ hội để phụ nữ và nam giới tham gia, thụ hưởng bình đẳng trong các lĩnh vực của đời sống xã hội, góp phần vào sự phát triển bền vững của đất nước”.
Chiến lược trên bao gồm 6 mục tiêu và 20 chỉ tiêu cụ thể nhằm tiếp tục thu hẹp khoảng cách giới trong các lĩnh vực: chính trị; kinh tế, lao động; trong đời sống gia đình và phòng ngừa, ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới; y tế; giáo dục, đào tạo; thông tin, truyền thông.
Cùng với việc duy trì một số chỉ tiêu của giai đoạn trước, Chiến lược 2021-2030 bao gồm các chỉ tiêu mới như: tăng các cơ sở trợ giúp xã hội công lập triển khai các hoạt động trợ giúp, giảm tỷ trọng lao động nữ làm việc trong khu vực nông nghiệp; phòng ngừa và ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới; giảm tỷ suất sinh ở vị thành niên; bình đẳng giới được đưa vào chương trình giảng dạy trong hệ thống giáo dục quốc dân...
Nhận định về Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2021-2030, bà Nguyễn Thị Hà, Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH, cho biết với nỗ lực của cả hệ thống chính trị, sau 10 năm triển khai Chiến lược, Việt Nam đã thu được nhiều kết quả đáng khích lệ, góp phần thu hẹp khoảng cách giới trong các lĩnh vực, đóng góp tích cực vào quá trình phát triển kinh tế-xã hội của đất nước.
“Những thành tựu này là nền tảng vững chắc để các cấp, ngành tiếp tục duy trì và phát huy hơn nữa trong việc thực hiện các mục tiêu quốc gia bình đẳng giới trong giai đoạn tới”, bà Hà nói.
Tham gia hỗ trợ kỹ thuật trong quá trình xây dựng Chiến lược 2021-2030, bà Elisa Fernandez Saenz, Trưởng đại diện UN Women tại Việt Nam nhấn mạnh: “Trong 10 năm qua, phụ nữ Việt Nam có những đóng góp đáng kể cho các hoạt động sản xuất, kinh doanh. Nữ giới đã chiếm 47,7% lực lượng lao động, lãnh đạo nữ trong các doanh nghiệp chiếm 26,5%, tỷ lệ cao so với bình quân khu vực”.
Tuy nhiên đằng sau những kết quả đạt được, bà Elisa Fernandez cũng khuyến cáo Việt Nam cần tăng cường hơn nữa tỷ lệ tham gia của phụ nữ trong các vị trí lãnh đạo ở khu vực công, thu hẹp khoảng cách tiền lương giữa nam và nữ, giảm tỷ lệ bạo lực đối với trẻ em gái và phụ nữ, quan tâm hơn nữa tới các nhóm phụ nữ và trẻ em người dân tộc thiểu số, phụ nữ khuyết tật và nhiễm HIV, phụ nữ nông thôn hay những người bị ảnh hưởng bởi biến đổi khí hậu và thiên tai.
Để làm được điều trên, cần đảm bảo các mục tiêu của Chiến lược được lồng ghép một cách nghiên túc trong các kế hoạch của ngành và địa phương, cũng như các chương trình mục tiêu quốc gia. Việt Nam cũng cần đầu tư có mục tiêu vào thay đổi chuẩn mực xã hội theo hướng thúc đẩy cho bình đẳng giới, đây là điều cốt lõi để thúc đẩy bình đẳng giới mà rất nhiều quốc gia trên thế giới từng trải qua.