Năm nay, tự dưng tôi nghĩ đến thêm một mốc nữa. Đấy là năm nay, Hoàng Anh sẽ bằng tuổi tôi khi ông Hào mất.
Tôi, như mọi đứa con, không bao giờ cảm thấy đủ thân thiết với bố mình cho đến khi ông qua đời. Chúng tôi cũng sống với nhau có hơn chục năm. Nhưng cũng như mọi đứa con khác, tôi sẽ luôn vô thức mang theo sự thiếu vắng của hình bóng người cha, dù là 20, hay 30 năm đã qua đi. Sự thiếu vắng trở thành một thực thể hữu hình, có tồn tại, âm thầm ở đó.
Gần hai chục năm trước, hồi tôi nhảy việc lần đầu tiên, khi còn là một cậu bé mới ngoài hai mươi tuổi, tôi đã bối rối ghê lắm. Tôi đã kể chuyện này trên facebook một lần, và vì sao đó rất lâu sau vẫn có người nhớ: chiều hôm đó, khi nhận lời đề nghị của công ty đối thủ, tôi đã về văn phòng, xem Ben Hur một mình.
Khi Ben Hur vào thành Jerusalem, anh hỏi người ăn xin mù rằng sao đường phố vắng vẻ thế. Người ăn xin trả lời, dân chúng đã đi xem phiên xử hết rồi. Đó là phiên xử vị giáo sĩ trẻ tuổi đến từ Nazareth – người sau này sẽ bị đóng đinh lên cây thập giá. Ben Hur bỏ một đồng xu vào bát của người ăn xin mù, rồi chạy đi. Nhưng ngay khi Ben Hur quay đi, người ăn xin lật ngược chiếc bát lại, để đồng xu rơi xuống đất.
Tôi bỗng nhiên thấy tủi thân ghê gớm. Tôi không hiểu sao người ăn xin lại bỏ đồng xu đi. Tự dưng tôi nghĩ, nếu còn bố, hẳn chúng tôi sẽ nói chuyện với nhau về chi tiết đó. Ông Hào đã luôn cố gắng khuyến khích đứa con trai đọc và suy nghĩ, dạy nó cách nêu ra những chủ đề thảo luận, dù chẳng được bao nhiêu ngày. Nếu còn bố, chắc tôi sẽ hỏi, bố ơi sao người ăn xin lại bỏ đồng xu đi.
Tôi ra hành lang công ty và đứng khóc nức nở một mình. Không phải chuyện đồng xu, mà là vì chiều hôm đó, tôi đứng trước quyết định lớn đầu tiên trong đời. Tôi đã rắp tâm bỏ học đại học rồi, tôi sẽ đi làm thôi. Nhưng nhảy việc thì tôi chưa biết nó là cái sự kiện như thế nào. Lúc đó tôi muốn có ai đó để hỏi, rằng mình nên làm như thế nào.
Đêm qua, tôi lại gặp hình ảnh một người ăn xin nữa trên phim. Trong Kadaisi Vivasayi (Người nông dân cuối cùng), có một người điên do Vijay Sethupati đóng. Người yêu tự tử vì tình yêu giữa họ bị cấm đoán, anh đi khắp các ngôi đền, mong gặp được thần Murugan.
Ở một ngôi đền nọ, anh nhìn thấy một người ăn xin. Người ăn xin đang ngồi cạnh thùng rác và bới cơm thừa để ăn. Anh giở cơm ra định ăn, nhưng rồi gói lại, bước đến và đưa gói cơm nguyên cho người ăn xin. Ông lão từ chối. Anh gay gắt, thế cứ coi như đây là cơm thừa đi. Ông lão ăn xin lúc đó mới nói khẽ, “Vậy anh bỏ vào thùng rác đi”. Anh khẽ đặt gói cơm lên thùng rác. Người ăn xin đứng dậy lấy gói cơm đó từ thùng rác, rồi ngồi xuống ăn.
Năm nay, tôi đã sống lâu hơn thời gian bố tôi được sống; và Hoàng Anh đã bằng tuổi tôi khi ông đi. Năm nay, tôi không còn băn khoăn khi một người ăn xin trên phim làm một việc khó hiểu nữa. Tôi hiểu vì sao ông ta làm thế rồi. Tôi có lẽ đã hiểu cả lý do người ăn xin trong Ben Hur thả đồng xu xuống đất.
Hơi kỳ lạ khi người ta đánh dấu sự trưởng thành của mình bằng những người ăn xin trên phim nhỉ. Nhưng nó có một logic đấy. Những người ăn xin già bên lề đường, xuất hiện mấy mươi giây, làm những cử chỉ khó hiểu nhưng ám ảnh, thường xuyên là nơi các đạo diễn gửi gắm các biểu tượng ẩn dụ của mình. Bây giờ tôi đã ở tuổi trung niên, tôi đã hiểu hết rồi.
Năm nay, Hoàng Anh đã bằng tuổi tôi khi không còn bố. Sinh nhật này, tôi nhận ra, mình sẽ phải bắt đầu cho con những thứ mà tôi đã không được có. Nghĩ như thế, tuổi tác lại thành một thứ tài nguyên quan trọng và bớt buồn vì mình đang già đi nhỉ.