Vượt hơn 60km đường quốc lộ dưới nắng hè gay gắt, chúng tôi tìm đến thôn Phúc Lâm (xã Phúc Tiến, huyện Phú Xuyên, Hà Nội) và tận mắt quan sát cây đa "Giời ơi". Cây đa nằm ven đường tỉnh lộ 428, tán cây che phủ cả con đường. Đặc biệt hơn, đây là loại cây đa có nhiều rễ, có rễ treo lơ lửng giữa không trung, có rễ lại chọc thẳng xuống đất giống như những loại rễ bình thường khác. Và tại đây, chúng tôi đã được nghe người dân trong làng kể về những truyền tích 'có 1-0-2' xung quanh cây đa này.
Cây đa "Giời ơi" nằm tại thôn Phúc Lâm, xã Phúc Kiến, huyện Phú Xuyên, Hà Nội |
Nhìn tấm bia công nhận cây đa "Giời ơi" là cây di sản Việt Nam, điều đầu tiên khiến chúng tôi thắc mắc, đó là cái tên Cây đa "Giời ơi". Giải thích về cái tên 'độc và lạ' này, chủ quán nước ngay bên cạnh gốc cây cho hay: " Từ khi sinh ra, tôi đã thấy ông bà, cha mẹ gọi tên cây như vậy. Không biết cây có từ bao giờ nhưng rất thiêng, vào các ngày rằm, mùng 1 người dân thường mang hương hoa ra để cúng lễ". Ngay sau đó, người bán nước chỉ chúng tôi đến nhà ông Đào Thanh Thực (Bí thư thôn Phúc Lâm) để tìm hiểu rõ hơn về những câu chuyện xung quanh cây đa này.
Cây có tuổi đời hơn 200 năm |
Tiếp đón chúng tôi với chén nước vối đậm chất quê, ông Đào Thanh Thực mừng rỡ kể lại, cây đa "Giời ơi" hay còn gọi là cây đa Tía, là cây cổ thụ đầu tiên của huyện Phú Xuyên được Nhà nước công nhận là cây di sản Việt Nam vào ngày 9/4/2014. Sở dĩ 'cây thiêng' có tên là cây đa "Giời ơi", bởi, tương truyền, trước đây, đoạn đường từ quốc lộ 1A xuống thôn Phúc Lâm, dường như rất vắng, chỉ lác đác một vài nhà dân. Đoạn từ cổng làng Phúc Lâm xuống cây đa "Giời ơi" không có nhà, một bên là cánh đồng, một bên là sông nước, bên kia sông là các ruộng ngô cao đến tận đầu người. Ai đi qua đoạn đường này có tiền của cũng đều bị cướp. Thất vọng, không làm được gì, người dân chỉ biết kêu than "Giời ơi" dưới gốc đa.
Cây có nhiều rễ, có rễ treo lơ lửng giữa không trung, có rễ chọc thẳng xuống đất |
Mặt khác, có nhiều người dân cũng truyền tai nhau rằng: "Vào trời mùa hè nóng nực, nhiều người dân đi lễ thánh qua cây đa cũng vào nghỉ mát rồi kêu: "Giời ơi" mát quá. Hoặc có nhiều người, khi họ gặp khó khăn trong cuộc sống cũng chạy ra gốc đa, ngước mặt lên trời rồi kêu "Giời ơi"". Phải chăng, cái tên cây đa "Giời ơi" cũng từ đó mà nên.
Tán cây rộng, tỏa bóng mát |
Cũng theo lời ông Thực, người dân ở đây còn lưu truyền một câu chuyện khác quanh 'cây thiêng' này. "Ngày trước, trong vùng có một người đàn ông giàu có nhưng có tật mê bài bạc. Ông ta vì cơ mà mà thua sạch cửa nhà. Trước canh bạc cuối cùng của mình, ông ta đột nhiên mang hương hoa ra gốc cây đa để khẩn cầu cho mình được thắng canh bạc cuối cùng. Người đời kể lại, trong canh bạc cuối cùng đó ông đã thắng và để đền ơn, ông ta đã xây một ngôi miếu nhỏ ở gốc cây đa để thờ. Bây giờ, ngôi miếu vẫn tồn tại và vào các ngày lễ, người dân nơi đây vẫn thường đến thắp hương cầu may".
Ngôi miếu nhỏ nằm cạnh cây đa "Giời ơi" hiện nay vẫn được người dân đến thắp hương, cầu may |
"Có một thời kỳ cây đa này còn được gọi là “cây đa cụ Đắp”, vì sau khi hòa bình lặp lại, cụ Đắp, một người dân trong thôn hàng ngày vẫn ra bán nước vối ở gốc cây. Mỗi bát nước vối cụ lấy 2 xu, hơn 10 năm cụ ngồi bán nước ở gốc cây. Cũng từ đây mà người dân đồn rằng cây đa này là do bố cụ trồng. Tuy nhiên, đến nay vẫn không ai biết chắc chắn", ông Thực nhớ lại.
Không ai có thể khẳng định rằng những câu chuyện kỳ bí quanh cây đa "Giời ơi" là thực hay hư nhưng nó vẫn tồn tại đến ngày nay. Đối với người dân nơi đây, cây đa không chỉ là biểu tượng cho sự trường tồn và sức sống dẻo dai mà còn gắn liền với đời sống tâm linh và hình ảnh làng quê Việt Nam. Trải qua bao thăng trầm, cây đa "Giời ơi" như một nhân chứng lịch sử, lặng lẽ chứng kiến sự "thay da đổi thịt" từng ngày của quê hương Phúc Lâm.
>>> Xem thêm:
- Bạc Liêu: Xoài hơn 300 tuổi được công nhận cây di sản
- Cây Di sản hàng trăm năm "bội thực" rồi chết sau khi được vinh danh