Cô Đàm Thị Xuân - mẹ của Thương xúc động rơi nước mắt, nhất là khi nghĩ đến những năm tháng khó khăn đã qua.
27,05 điểm - vẫn hơi tiếc nuối
Theo thống kê của Bộ Giáo dục và Đào tạo, Kỳ thi THPT quốc gia năm nay, cả nước có 82 thí sinh thi khối A đạt từ 27 điểm trở lên. Tại tỉnh Thanh Hóa, số thí sinh này chỉ có 5 em.
Với 27,05 điểm, Đặng Thị Thương cũng là thí sinh có điểm thi THPT quốc gia đứng thứ hai của trường THPT Quảng Xương 1, huyện Quảng Xương.
Theo thầy Nguyễn Ngọc Tuấn, giáo viên chủ nhiệm của Nguyễn Thị Thương suốt ba năm cấp ba tại Trường THPT Quảng Xương 1, thì Thương là học sinh xuất sắc nhất trường. Tố chất đặc biệt của em đã được trường nhận thấy ngay từ khi em bắt đầu vào học lớp 10.
Với những thành tích học tập tốt, Thương cũng tự tin đăng ký xét tuyển nguyện vọng một vào trường Học viện Kỹ thuật quân sự, dù điểm chuẩn dành cho thí sinh nữ của trường này năm 2017 cao ngất ngưởng ở ngưỡng 30 điểm.
Trong bốn lần trường tổ chức thi thử, Thương đều xếp thứ nhất. Cô học trò nhỏ còn đăng ký tham dự các kỳ thi thử do trường Trung học phổ thông Hàm Rồng tổ chức và cũng dẫn đầu. Thậm chí, Thương còn vượt qua cả các học sinh của trường Trung học phổ thông chuyên Lam Sơn khi là thủ khoa trong kỳ thi thử do Trường này tổ chức.
“Nhưng đó chỉ là kết quả thi thử thôi, thi thật thì em lại không giữ được phong độ đó,” Đặng Thị Thương chia sẻ đầy tiếc nuối.
Thương cho biết, do hoàn cảnh gia đình khó khăn, em đã nhận được sự giúp đỡ rất lớn từ thầy cô giáo. “Vì vậy, nếu kết quả thi không tốt em sẽ cảm thấy xấu hổ với mọi người. Điểm thi thật tuy cũng cao nhưng không đạt được như kỳ vọng nên dù có vui nhưng em cũng có chút tiếc nuối”, Thương bộc bạch.
Thấu hiểu tâm sự của cô học trò nhỏ, thầy Nguyễn Ngọc Tuấn đã luôn ở bên động viên em. “Tôi nghĩ rằng ở trong hoàn cảnh của Thương, với rất nhiều những áp lực về cuộc sống khó khăn, thì việc em đạt bao nhiêu điểm trong một kỳ thi không quan trọng bằng những nỗ lực không ngừng nghỉ của em trong suốt những năm tháng qua”, thầy Tuấn xúc động nói.
Vượt lên nghịch cảnh
Chia sẻ về cô học trò nhỏ đặc biệt của mình, thầy Tuấn bảo, khi mới vào lớp 10, nghe các học sinh chia sẻ về hoàn cảnh của Thương, thầy đã về thăm nhà để tìm hiểu thêm.
“Trước mắt tôi là ngôi nhà nhỏ, trống tuyềnh toàng, nhưng gọn gàng. Mẹ em rất niềm nở đón khách, nhưng ngồi hỏi chuyện gia đình mới được hai câu thì hai mẹ con ôm nhau khóc. Tôi cũng không kìm được nước mắt”, thầy Tuấn chùng giọng kể.
Bố Thương bị bệnh ung thư não và mất khi Thương mới đang học lớp 3. Chỉ hơn 2 năm sau đó, cuộc đời tiếp tục thử thách gia đình bé nhỏ của em khi mẹ Thương cũng bị phát hiện bệnh ung thư.
Nói về những ngày tháng cùng cực đó, cô Đàm Thị Xuân, mẹ Thương, lại không cầm được nước mắt.
“Khi đó, bác sỹ nói tôi chỉ có thể sống được khoảng hai tháng nữa. Nhưng là một người mẹ, cứ nghĩ đến cảnh mình mất đi, con sẽ phải đi ăn cơm chực, dù là ăn ở nhà chú bác thì vẫn là ăn cơm chực, thì tôi lại không thể chịu đựng được,” cô Xuân nghẹn ngào.
Và có lẽ, chính vì không thể để con đi ăn cơm chực, chính tình mẫu tử đã tiếp thêm cho cô sức mạnh phi thường để vươn lên chống chọi quyết liệt với bệnh tật.
Một năm nằm điều trị ở viện K là một năm quật cường của người mẹ không chỉ để dành sự sống cho bản thân mà còn là dành một mái ấm gia đình cho các con. Sức mạnh của người mẹ đã đẩy lùi bệnh tật. Trong 7 năm qua, cứ ba tháng một lần, cô Xuân lại ra Bệnh viện K ở Hà Nội để tái khám và lấy thuốc.
Hiểu được hoàn cảnh gia đình Thương, thầy cô giáo, ban giám hiệu trường THPT Quảng Xương 1 đã miễn cho em tất cả các khoản đóng góp, từ học phí đến tiền may đồng phục học sinh, kể cả học chính khóa và học thêm. Ngoài ra, các thầy cũng tìm thêm các nguồn tài trợ, vận động các nhà hảo tâm, để giúp em và gia đình vơi bớt khó khăn.
Để em yên tâm với việc ôn thi THPT quốc gia, thầy hiệu trưởng Lê Văn Dỵ hứa sẽ hỗ trợ em mỗi tháng một triệu đồng trong suốt bốn năm học đại học sắp tới.
Dù gia đình nhiều sóng gió, nhưng Thương bảo, em chưa bao giờ từ bỏ khát vọng học tập vì hiểu rằng, càng khó khăn thì càng phải cố gắng, và đó là con đường duy nhất giúp em và gia đình thoát khỏi khó khăn.
Nhận xét về Đặng Thị Thương, thầy Tuấn bảo đó là một nữ sinh bé nhỏ, nhưng rất nhiều nghị lực, mạnh mẽ và cá tính, nhưng cũng rất chan hòa với bạn bè, được thầy yêu, bạn mến.
“Lúc đầu, em cũng khá ngại ngần khi nhận sự giúp đỡ của mọi người, nhưng trong hoàn cảnh đó, em cũng không có sự lựa chọn nào. Em chọn đăng ký vào trường Học viện Kỹ thuật quân sự, một phần vì sở thích, một phần vì em không muốn sẽ phải nhờ nhiều vào sự giúp đỡ của mọi người. Tôi hy vọng em sẽ đỗ vào ngôi trường mà em mơ ước”, thầy Tuấn nói.