Nguyễn Thị Mỹ Dung (sinh năm 1983, trú ở phường Lê Lợi, TP Vinh, Nghệ An) sinh ra trong một gia đình khá cơ bản. Bố mẹ kinh doanh buôn bán ở chợ nên kinh tế gia đình cũng ổn định. Do đó, từ nhỏ mấy chị em Dung được bố mẹ đầu tư cho ăn học đến nơi đến chốn.
Là người thông minh, sáng dạ nên sau khi tốt nghiệp THPT, Dung thi đỗ vào trường ĐH Quốc gia Hà Nội.
Người phụ nữ vỡ mộng làm giàu
Năm 2009, cô ra trường và được nhận vào làm việc ở một công ty nước ngoài với mức lương khiến nhiều người mơ ước. Chưa chồng con nên Dung cũng tiết kiệm được chút vốn kha khá.
Có máu làm giàu, lại là người nhanh nhẹn nên ngoài công việc ở công ty, cô còn buôn bán đủ các mặt hàng khác. Được bạn bè giới thiệu, cô tham gia đầu tư vào thị trường kinh doanh vàng và cũng thắng lợi được số tiền không nhỏ.
Thời điểm làm ăn được, Dung nhanh chóng kiếm được rất nhiều tiền. Lòng tham của con người là vô đáy nên còn muốn thu được lợi nhuận cao hơn nữa nên đã vay mượn bạn bè, người thân để lấy tiền đầu tư.
Thế nhưng, từ một người có tiền, việc làm ăn đổ bể khiến Dung nợ nần chồng chất. Không dám để bố mẹ biết, cô âm thầm gỡ gạc bằng cách mượn tiền của bạn bè để đắp đổi vào các món nợ đến hạn trả.
Xinh đẹp, trẻ trung lại ăn nói khéo léo nên được khá nhiều người tin tưởng cho mượn tiền. Khi số tiền vay mượn lên đến con số hàng tỷ đồng nhưng không có khả năng chi trả cô lâm vào cảnh vỡ nợ. Khi bị các chủ nợ thúc ép trả nợ, Dung nghĩ tới chị Hằng (đã đổi tên), một người bạn cũ ở quê, đang làm cho một ngân hàng lớn.
Để tạo niềm tin cho bạn, cô gái này tự nhận mình đang làm việc cho một hãng hàng không uy tín, có khả năng phân phối vé máy bay cho các đại lý. Ban đầu, để tạo lòng tin cho bạn, Dung hỏi vay bạn 100 triệu đồng để mua sổ cổ đông nhằm thuận lợi hơn trong việc kinh doanh vé máy bay và hẹn trả trong vòng 2 ngày.
Đúng hẹn, Dung gọi điện trả lại số tiền đã vay của người bạn đồng thời “tâng bốc” về việc làm ăn được sếp tin tưởng. Cô ngỏ ý rủ bạn cùng đầu tư kinh doanh.
Khi được bạn đồng ý, Dung thông báo phải góp 200 triệu đồng. 4 ngày sau, cô thông báo số tiền đó kinh doanh đã sinh ra lợi nhuận là 31 triệu đồng và kêu gọi chị Hằng tiếp tục đầu tư 600 triệu đồng nữa.
Do tin tưởng, người bạn nhanh chóng chuyển số tiền được yêu cầu. Cứ như vậy chỉ trong thời gian từ cuối năm 2012 đến đầu năm 2013, Dung đã lừa chị Hằng 13 lần, với số tiền 2,163 tỷ đồng.
Khi biết mình bị lừa, người bạn đã liên hệ yêu cầu trả tiền nhưng không thành. Chồng nạn nhân ra Hà Nội đòi nợ, không làm chủ được đã phá hỏng một số vật dụng tại căn hộ của Dung, vì vậy anh này phải lĩnh mức án 17 tháng tù.
Chị Hằng đã làm đơn tố cáo hành vi lừa đảo của Dung gửi lên cơ quan công an. Ngày 29/9/2014 Nguyễn Thị Mỹ Dung bị TAND tỉnh Nghệ An tuyên phạt 16 năm tù giam, buộc bồi thường cho bị hại số tiền 2,1 tỷ đồng.
Nỗi ân hận muộn màng
Gặp Dung trong trại giam, người phụ nữ này vẫn xinh đẹp, đằm thắm. Vẻ bề ngoài của nữ phạm nhân này khá hiền lành nên không ai dám nghĩ cô từng là “nữ quái” lừa đảo một số tiền lớn như vậy.
“Tuổi trẻ bồng bột khiến em phạm phải lỗi lầm. Khi làm ăn thua lỗ, nếu em biết dừng lại, biết chia sẻ với gia đình thì chuyện sẽ không đi quá xa như thế này. Cũng chỉ vì cái máu làm giàu quá lớn mà em thành con người như vậy”, Dung cho biết.
Ngày đầu mới vào trại, Dung có tâm lý chán nản, tự ti nhưng được các cán bộ trại giam làm công tác tư tưởng nên cô dần bình tâm lại.
Khi đã xác định được lỗi lầm của mình, phạm nhân đang từng ngày cố gắng cải tạo thật tốt để sớm được trở về với bố mẹ. Dung đang cải tạo tại đội 32, phân trại 1, Trại giam số 6 Bộ Công an đóng trên địa bàn huyện Thanh Chương, tỉnh Nghệ An với nghề làm bóng.
Công việc hàng ngày khá bận nên cô không nghĩ nhiều đến những chuyện mà mình đã gây ra. Những giờ nghỉ ngơi hay đêm đến, Dung thấy thương bố mẹ.
“Đến giờ, em vẫn dằn vặt vì hai tội lớn. Em thấy có lỗi với gia đình người bạn mà em đã lừa họ số tiền lớn đó. Em cũng thấy có lỗi với bố mẹ mình rất nhiều, bố mẹ đã già mà còn phải mang tiếng với bà con hàng xóm vì một người con gái mang tội lừa đảo như em”, Dung nghẹn ngào chia sẻ.
Theo An Ninh Thủ Đô