Chuyện sẽ không có gì nếu hai đứa dắt nhau về báo cáo với người lớn. Nhưng chúng sợ bị mắng, thậm chí là ăn đòn nên cố gắng ỉm đi lâu nhất có thể. Tôi đi công tác. Ở nhà, bà nội cu cậu phát hiện sự việc sau hai ngày. Bị bà truy hỏi, cu cậu loanh quanh một hồi rồi cũng phải nói thật. Bà nội gặp cậu bé kia hỏi, cậu bé nhận. Bố cậu bé bắt cậu mang xe của mình đền cho bạn. Tuy nhiên, sau đó cậu bé thấy không đành lòng, nên nhờ mấy cậu bạn khác làm chứng là hôm đó đã trả xe cho con tôi trước khi mất. Thế là hai đứa cãi nhau, con trai tôi cũng nhờ bạn làm chứng. Thực ra chẳng đứa bé nào có thể xác nhận có chuyện trả xe hay không, và câu chuyện nhùng nhằng giữa nỗi sợ của hai đứa trẻ.
Tôi nhận điện thoại của bà nội trên đường về nhà. Nghe chuyện giận lắm. Giận con không dám chịu trách nhiệm, lơ đãng, thiếu ý thức giữ gìn tài sản. Tôi nghĩ các phương án trừng phạt làm sao cho cu cậu phải sợ, phải nhớ để không còn tái phạm. Nhưng khi chưa kịp trừng phạt ông con thì cô giáo chủ nhiệm nhắn đến trường gặp cô.
Tôi bước vào ngôi trường nơi tôi đã từng học ngày xưa và bỗng nhiên bao nhiêu kỷ niệm thủa học trò ùn ùn kéo đến. Tôi không nghĩ đến việc trừng phạt ông con trai nữa. Chỉ nhớ đến những người bạn ấu thơ của mình, những đứa bạn đã từng đánh nhau, rồi thân thiết, rồi cùng nhau nghịch dại, cùng nhau lớn lên.
Tôi nghĩ đến con trai tôi và cậu bạn của nó. Chúng sẽ lớn lên cùng nhau thế nào nếu tôi trừng phạt con mình vì chuyện này? Liệu hai đứa bé sẽ còn có thể là bạn của nhau sau khi phải trả giá về tình bạn bằng sự trừng phạt?
Tôi nhờ cô giáo gọi hai đứa trẻ lên phòng hội đồng. Nói với chúng rằng chuyện cái xe người lớn đã giải quyết với nhau, nhắc nhở chúng về ý thức giữ gìn tài sản, và trách nhiệm phải giải trình mỗi khi có sự cố xảy ra. Cuối cùng, tôi bảo hai đứa bắt tay nhau và hứa không tranh cãi đổ lỗi cho nhau nữa.
Hai thằng bé thở phào kéo nhau về lớp. Còn tôi, cũng thấy một sự nhẹ nhõm lạ thường khi nhìn ra khoảng sân trường lung linh những ánh nắng mùa đông. Tôi thấy may mắn vì đã không trút giận xuống con trai mình, nhất là khi nó không mang lại bất cứ hiệu quả tích cực nào.
Những cơn giận, thực ra là vô cùng phù phiếm!