Trước đó, ByteDance đã thay thế Baidu để lọt vào top ba công ty hàng đầu của Trung Quốc và có những dấu hiệu cho thấy công ty này có thể tiến xa hơn nữa sau khi có báo cáo doanh thu quảng cáo đã tăng vọt trong quý hai, giúp công ty tăng trưởng nhanh hơn các đối thủ chính như Tencent Holdings và Alibaba Group Holding.
Theo báo cáo tuần trước của trang tin tài chính công nghệ The Information, ByteDance đã thu về 29 tỷ USD doanh thu trong quý 2 năm 2023, tăng 40% so với cùng kỳ năm ngoái.
Sự tăng trưởng của công ty đứng sau TikTok cũng vượt xa "gã khổng lồ" Meta, vốn cũng thu hút phần lớn doanh thu từ quảng cáo. Doanh thu nửa đầu năm của ByteDance đạt 54 tỷ USD, ngang bằng với 60,6 tỷ USD của Meta trong cùng kỳ.
ByteDance thuộc sở hữu tư nhân nên không bắt buộc phải tiết lộ công khai thông tin tài chính của mình, nhưng nếu báo cáo doanh thu là chính xác, điều này có nghĩa là tốc độ tăng trưởng doanh thu của nó vượt xa Tencent và Alibaba trong cùng kỳ, vốn đạt mức tăng trưởng lần lượt là 11% và 14%.
ByteDance thậm chí còn vượt qua Tencent về tổng doanh số bán hàng, nhưng vẫn chưa vượt qua Alibaba.
Sự tăng trưởng đột biến của ByteDance diễn ra trong bối cảnh ngành quảng cáo ở Trung Quốc dần phục hồi sau đại dịch.
Công ty này cũng tập trung đầu tư vào lĩnh vực mua sắm trực tuyến thông qua ứng dụng Douyin, qua đó giúp nền tảng này đạt mức tăng trưởng 80% về tổng khối lượng hàng hóa vào năm ngoái.
Trong khi đó, Tencent đã báo cáo doanh thu tăng 11% trong quý hai, đạt 149,2 tỷ nhân dân tệ (20,5 tỷ USD).
Quảng cáo chỉ chiếm 17% tổng doanh thu của Tencent trong quý này, còn khoảng 1/3 doanh thu đến từ lĩnh vực trò chơi điện tử và 1/3 doanh thu khác từ hoạt động kinh doanh đám mây và công nghệ tài chính dành cho doanh nghiệp. Tuy nhiên, quảng cáo là phân khúc tăng trưởng nhanh nhất của Tencent, tăng 34% trong quý 2 lên 25 tỷ nhân dân tệ.
Trong khi đó, Alibaba báo cáo tổng doanh thu là 234,16 tỷ nhân dân tệ với mức tăng trưởng 14% so với cùng kỳ năm ngoái. Khoảng một nửa tổng doanh thu của công ty này vẫn được đóng góp bởi hoạt động kinh doanh thương mại điện tử.
ByteDance hiện là đối thủ cạnh tranh trực tiếp với Alibaba vì nền tảng Douyin, với hơn 600 triệu người dùng hoạt động hàng ngày, hiện coi hoạt động thương mại điện tử như một trụ cột doanh thu chính.
ByteDance đang cố gắng đa dạng hóa nguồn doanh thu của mình, bao gồm mở rộng sang lĩnh vực giao đồ ăn và đặt phòng khách sạn, trong bối cảnh nền kinh tế Trung Quốc gặp nhiều khó khăn. Douyin vẫn là nguồn kiếm tiền lớn nhất khi nền tảng này trở thành một ứng dụng tích hợp "tất cả trong một".
Vài năm qua, công ty có trụ sở tại Bắc Kinh này đã phải đối mặt với làn sóng tẩy chay trên thế giới. TikTok đã bị cấm trên các thiết bị của chính phủ tại hơn 30 tiểu bang ở Mỹ, cũng như ở Liên minh châu Âu và Australia, vì lo ngại về bảo mật dữ liệu.
Theo báo cáo của trang The Information, khoảng 12% doanh thu quý 2 của ByteDance (tương đương 5,8 tỷ USD) phần lớn đến từ TikTok.