Cụ thể, ông Peter Sands - giám đốc điều hành của Quỹ toàn cầu phòng chống dịch bệnh, bệnh lao và bệnh sốt rét, nhận định tác động trực tiếp của tình trạng thiếu lương thực không chỉ khiến nhiều người chết đói mà còn chết vì bệnh tật do sức đề kháng suy yếu.
"Tôi nghĩ rằng chúng ta có thể đã bắt đầu cuộc khủng hoảng y tế tiếp theo. Nó không phải là một mầm bệnh mới, nhưng sẽ có nhiều người mắc các căn bệnh truyền nhiễm thông thường hơn", ông Sands phát biểu bên lề hội nghị Bộ trưởng Y tế G20.
Vị chuyên gia cho rằng tác động tổng hợp của các bệnh truyền nhiễm, tình trạng thiếu lương thực và khủng hoảng năng lượng có thể dẫn đến cái chết của hàng triệu người.
Các chính phủ thế giới nên giảm thiểu tác động của cuộc khủng hoảng lương thực bằng cách cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe tuyến đầu cho các cộng đồng nghèo nhất, những người sẽ dễ bị tổn thương nhất, ông Sands khuyến cáo.
Theo số liệu của Tổ chức Y tế Thế giới, cuộc chiến ngăn chặn sự lây lan của COVID-19 đã lấy đi nguồn lực từ cuộc chiến chống lại bệnh lao, căn bệnh giết chết 1,5 triệu người vào năm 2020.
“Đó là một thảm họa đối với bệnh lao. Vào năm 2020, trên toàn cầu đã có 1,5 triệu người ít được điều trị bệnh lao hơn. Điều đó có nghĩa là hàng trăm nghìn người sẽ chết, nhưng những người đó cũng sẽ lây nhiễm sang người khác", ông Sands chỉ ra.
Phương Tây và Ukraine cáo buộc Nga cố tình gây áp lực buộc chính quyền Kyiv phải nhượng bộ bằng cách chặn tuyến đường xuất khẩu ngũ cốc ra nước ngoài.
Phía Moscow đã phản bác bằng cách nói rằng các biện pháp trừng phạt của phương Tây là nguyên nhân gây ra tình trạng thiếu hụt ở Trung Đông và châu Phi.