Hiện tỉnh Bình Định chỉ còn ba trạm biến áp phân phối chưa thể tiếp cận để khôi phục cấp điện do vẫn còn ngập nước với tổng công suất chưa khôi phục cấp điện khoảng 0,13/200 MW, chiếm 0,07%.
Tỉnh Phú Yên, đến nay, nhiều khu vực thuộc các huyện Phú Hòa, Đồng Xuân, Sông Cầu, Đông Hòa, Tuy An và thành phố Tuy Hòa vẫn còn ngập sâu. Do vậy, còn 133/1.927 trạm biến áp phân phối chưa thể khôi phục cấp điện với tổng công khoảng 3,38/70 MW, chiếm 4,8%.
Đối với tỉnh Khánh Hòa, do bắt đầu xuất hiện mưa lớn gây ngập lụt từ ngày 5/11 nên ảnh hưởng đến tình hình cung cấp điện trên địa bàn huyện Khánh Sơn. Toàn tỉnh có một trạm biến áp phân phối đang bị cô lập với tổng công suất phụ tải chưa thể khôi phục cấp điện khoảng 0,10/280 MW, chiếm 0,04%.
Còn với tỉnh Đắk Lắk, Công ty điện lực Đắk Lắk đã khôi phục cấp điện hoàn toàn cho hai huyện Krông Năng và Krông Ana. Hiện tại một số khu vực các huyện Krông Păk và Cư Kuin đang bị ngập sâu nên còn 23 trạm biến áp phân phối chưa thể tiếp cận khôi phục cấp điện. Ước tổng công suất phụ tải không cung cấp được khoảng 1,1/200 MW, chiếm 0,55%.
EVN cũng cho biết đến 8 giờ ngày 7/11, có tám hồ chứa thủy điện của các đơn vị thuộc Tập đoàn đang xả điều tiết, đảm bảo an toàn và tham gia cắt giảm lũ cho hạ du.
Cụ thể, hồ Vĩnh Sơn A trong thời gian này xả với lưu lượng 27,5 m3/giây (xả tràn tự do), trong khi lưu lượng nước về là 35 m3/giây; hồ Sông Ba Hạ lưu lượng xả là 300 m3/giây thì lưu lượng nước về là 879 m3/giây; hồ Sông Hinh tương ứng: 200 và 150 m3/giây; hồ Buôn Tua Srah: 54 và 317 m3/giây; hồ Buôn Kuốp: 1153 và 1508 m3/giây; hồ Srepôk 3: 1006 và 1622 m3/giây; hồ Đơn Dương: 75 và 111,27 m3/giây và hồ Đại Ninh: 200 và 246 m3/giây.
Trong quá trình vận hành điều tiết hồ chứa thủy điện, các công ty thủy điện thuộc EVN đã phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương, tuân thủ theo các quy định của Quy trình vận hành liên hồ chứa và thực hiện xả điều tiết theo chỉ đạo của các Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn của các địa phương.