1/ Một người đàn ông ở phường Hiệp Bình Chánh (Q.Thủ Đức, TP.HCM) sở hữu lô đất nông nghiệp, đất trồng cây lâu năm, thuộc quy hoạch cây xanh, đường giao thông...
Chủ đất bị cơ quan chức năng phát hiện xây dựng trái phép 38 công trình nhà ở trên đất nông nghiệp để bán cho nhiều người khác làm nơi sinh sống. Người đàn ông bị xử phạt 1,5 triệu đồng cho hành vi tự chuyển mục đích sử dụng đất, kèm biện pháp buộc khôi phục tình trạng ban đầu.
Sau một thời gian, nhà chức trách tiến hành cưỡng chế tháo dỡ các căn nhà xây dựng trái phép nói trên, “đẩy” người mua nhà ra đường khi chỉ cách mùa Tết cổ truyền của dân tộc chừng hơn ba mươi bữa.
Một Chủ tịch phường ở TP.Biên Hoà (Đồng Nai) vừa bị cách chức vì thiếu trách nhiệm trong quản lý, lãnh đạo điều hành tại địa phương, trong đó có việc buông lỏng quản lý dẫn đến tình trạng phân lô bán nền, xây dựng trái phép, không phép.
Theo thông tin được công bố, vào năm 2019, trên địa bàn phường xuất hiện 35 căn nhà liền kề xây dựng trái phép trên đất nông nghiệp. Chính quyền tiến hành xử lý nhưng công trình này vẫn tiếp tục thi công và rao bán khi hoàn thiện.
2/ Công ty TNHH Xây dựng Thương mại Thuận Việt được chấp thuận thay thế Công ty Dịch vụ công ích quận 4 trong Liên danh xây dựng dự án 1.330 căn hộ chung cư tái định tại khu 38,4 ha Bình Khánh, theo quy hoạch có tên là lô R8, R9.
Kể từ đây, hai lô nhà chung cư tái định cư R8, R9 biến mất, thay vào đó là dự án căn hộ thương mại hoàn toàn mới có tên New City. Thanh tra Chính phủ khẳng định chủ đầu tư tự ý thay đổi thiết kế lô R8, R9 từ nhà ở tái định cư sang căn hộ thương mại, chuyển nhượng cho người sử dụng hơn 1.000 căn.
Thanh tra Sở Xây dựng TP.HCM cũng ra quyết định xử phạt hành chính Công ty Thuận Việt số tiền 108 triệu đồng với hàng loạt sai phạm tại dự án New City, như: kinh doanh bất động sản không đủ điều kiện, không được phép đưa vào kinh doanh theo quy định…
Mới đây, Công ty cổ phần đầu tư LDG bị phát hiện chiếm đất, xây dựng trái phép gần 500 căn biệt thự, nhà liền kề với tổng diện tích là hơn 18 ha trên địa bàn huyện Trảng Bom (Đồng Nai).
UBND tỉnh Đồng Nai phạt công ty này 540 triệu đồng, buộc nộp lại số tiền thu lợi bất hợp pháp gần 6 tỷ đồng, nếu không thực hiện sẽ bị cưỡng chế theo quy định.
Ngoài ra, một biện pháp kèm theo khác là buộc khắc phục bằng cách tiếp tục thực hiện thủ tục giao đất, thuê đất theo quy định đối với trường hợp sử dụng đất khi chưa thực hiện thủ tục giao đất, cho thuê đất.
3/ Những vụ việc như trên là kết quả của quá trình đua nhau xây dựng trái phép, đầu tư các dự án bất động sản nhưng yếu kém về năng lực tài chính hoặc huy động vốn thông qua kinh doanh bất động sản khi chưa đủ điều kiện.
Cá nhân xây nhà trái phép trên đất nông nghiệp bị phạt, cưỡng chế, buộc hoàn trả nguyên trạng đất. Lãnh đạo cấp phường, xã bị cách chức vì thiếu trách nhiệm, buông lỏng quản lý.
Cũng trên đất nông nghiệp, công ty xây hàng trăm biệt thự trái phép bị phạt hành chính kèm biện pháp “hoàn thành thủ tục”. Trên đất công, doanh nghiệp bất động sản thay đổi thiết kế từ nhà tái định cư sang căn hộ thương mại, đem bán, xâm phạm lợi ích nhà nước và nhân dân cũng chỉ bị phạt tiền.
Và đến nay, vẫn mãi chưa thấy người đầu chính quyền cấp quận, huyện hay tỉnh, thành nào có động thái xử lý trách nhiệm các cá nhân hay tổ chức liên quan vì để xảy ra sai phạm trên địa bàn, như người đứng đầu chính quyền cơ sở ở Biên Hoà.
Các Nghị định trong lĩnh vực xây dựng xem hành vi xây dựng không phép, sai phép là vi phạm hành chính, chỉ bị phạt tiền. Và Bộ luật hình sự cũng chỉ xem xét các hành vi này khi gây ra hậu quả chết người hoặc gây thiệt hại nghiêm trọng cho sức khoẻ, tài sản của người khác.
Bởi thế, với các công trình không phép, sai phép kiểu này, sau khi chủ đầu tư hoàn thành việc đóng phạt thì nhiều khả năng sẽ được các cơ quan hữu quan tạo điều kiện hoàn thành thủ tục hoặc “để yên” cho tồn tại.
Sẽ không có việc cưỡng chế hàng trăm căn biệt thự, phá dở hàng nghìn căn hộ chung cư để hoàn trả lại đất nông nghiệp hay thu hồi nhà tái định cư bố trí cho dân. Vì “gạo đã nấu thành cơm!”, có muốn trở lại như ban đầu, cũng khó!