Dù được thành lập từ năm 1987, VASCO chỉ là một hãng hàng không nhỏ khai thác các loại tàu bay AN2, AN30, KingAir B200 để cung cấp dịch vụ hàng không chung như chụp ảnh địa hình, khảo sát địa chất, cấp cứu ý tế, tìm kiếm cứu nạn… và dịch vụ vận chuyển thương mại trên một số đường bay phục vụ kinh tế, dân sinh.
Vietnam Airlines cùng Techcombank thành lập hãng hàng không mới. Ảnh: Tri thức trẻ.
Nhằm tạo động lực phát triển cho VASCO trên cơ sở tái cơ cấu để vừa kết hợp kinh doanh vận tải hàng không thường lệ và dịch vụ hàng không chung với mục tiêu phục vụ kinh tế quốc dân, Ngân hàng Nhà nước đã cho phép ngân hàng Kỹ thương Việt nam Techcombank đầu tư vào lĩnh vực hàng không và hiện đang là cổ đông lớn của Vietnam Airlines.
Công ty cổ phần mới được thành lập với quy mô vốn điều lệ tối thiểu 300 tỷ đồng, đội tàu bay dự kiến dưới 10 tàu
Vietnam Airlines sẽ nắm 51% vốn điều lệ hãng hàng không, còn Techcombank sở hữu 49%. Vietnam Airlines góp vốn bằng tài sản hiện hữu do VASCO đang quản lý và khai thác, cùng kho phụ tùng vật tư ATR72…
Việc góp vốn của các bên được thực hiện theo đúng các quy định hiện hành. Giá trị tài sản góp vốn được định giá bởi Công ty cổ phần định giá và Dịch vụ tài chính Việt Nam (VVFC), là công ty thẩm định giá chuyên nghiệp theo phê chuẩn của Bộ Tài Chính.
Trong giai đoạn đầu hoạt động, Hãng hàng không cổ phần sẽ tiếp tục khai thác đội tàu bay ATR72, phù hợp cho các chặng bay đi từ/đến các sân bay địa phương, huyện đảo chưa tiếp nhận được tàu bay phản lực (B777, A320/A321) như Côn Đảo, Cà Mau, Rạch Giá, Điện Biên...
Động thái trên được đưa ra trong bối cảnh Hiệp hội Vận tải Hàng không Quốc tế (IATA) dự báo Việt Nam nằm trong top 10 thị trường hàng không tăng trưởng nhanh nhất thế giới trong hai thập kỷ tới.
A.M