Sống chung với…mặn
Theo một sống người dân sống trên địa bàn tỉnh Bến Tre, hàng năm cứ vào khoảng tháng 2, tháng 3 thì nước mặn tràn về. Nguồn nước sinh hoạt hằng ngày được bà con dự trữ trước đó. Tuy nhiên năm nay, hạn, mặn đến sớm khiến nhiều người không kịp trở tay. “Khoảng tháng Chạp (tháng 12 âm lịch) là nước đã mặn rồi, sớm hơn mọi năm khoảng hai, ba tháng. Tình trạng này cũng từng xảy ra nhưng chênh lệnh khoảng mười bữa, nữa tháng là cùng. Chưa năm nào nước mặn tràn về sớm như vậy. Nhiều người ở đây không kịp dự trữ nước ngọt để xài”, ông Nguyễn Văn Quý (ngụ xã Thới Lai, huyện Bình Đại, tỉnh Bến Tre) cho biết
Người dân ở 3 huyện ven biển (Bình Đại, Thạnh Phú, Ba Tri) của tỉnh Bến Tre đã quá quen thuộc với việc thiếu nước ngọt trong mùa khô hạn. Nhiều hộ gia đình phải chắt chiu từng giọt nước ngọt để xài. Năm nay, mặn sớm khắc nghiệt khiến nước ngọt quý như vàng. Thậm chí, sống chung với… mặn được xem là giải pháp hiệu quả để tiết kiệm nước ngọt của người dân nơi đây.
Bà Nguyễn Thị Mười (ngụ xã Lộc thuận, huyện Bình Đại) chia sẻ với PV Người Đưa tin, mùa này, nước ngọt ở đây quý lắm. Xài cũng không dám, chỉ để uống, nấu ăn, tắm cho mấy đứa nhỏ. Còn người lớn, sức khỏe tốt thì tắm nước mặn rồi dội lại một ca nước ngọt rửa cái mặn trên người để không bị ngứa thôi. Mấy lu nước bà dự trữ chắc xài không đủ.
Hạn, mặn khiến cho 60.000 hộ dân trên địa bàn tỉnh Bến Tre phải xài nguồn nước nhiễm mặn. Việc đào giếng ở các giồng cát để có nguồn nước ngọt dùng e chừng cũng không mấy khả quan. Bởi lẽ, việc khai thác quá mức khiến cho nguồn tài nguyên này đang dần cạn kiệt chưa kể sẽ gây ra hậu quả sụt, lún sau này.
Không chỉ thế, tình trạng xâm nhập mặn khiến cho nhiều diện tích lúa ở một số tỉnh đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) bị thiệt hại nặng nề. Gần 100% diện tích lúa của tỉnh Bến Tre bị thiệt hại hoàn toàn. Một số ít lúa đang trổ bị nghẹn đồng, nông dân ra sức dưỡng lại với hi vọng “thu được hạt nào hay hạt đó”. Ông Hồ Văn Nam (ngụ xã An Ngãi Trung, huyện Ba Tri,tỉnh Bến Tre) cho biết: “Nghe nói năm nay nước mặn sớm nên tôi tranh thủ thu hoạch xong là xuống giống liền, vậy mà cũng không tránh khỏi. Giờ bất lực nhìn lúa chết dần chết mòn. Còn bao nhiêu thì cứu bấy nhiêu để vớt vát lại”.
Khô hạn làm rộng đồng nứt nẻ.
Tại tỉnh Trà Vinh, tình trạng nước mặn cũng đang bao vây, toàn bộ hệ thống cống phải đóng kín để tránh việc nước mặn tiến sâu vào nội đồng. Tuy nhiên, điều này khiến cho hơn 1000 ha lúa bị mất trắng, thiệt hại ước tính khoảng 30% đến 70%. Ông Nguyễn Văn Trưởng, Chi cục trưởng cục Thủy lợi tỉnh Trà Vinh cho biết: “Nước mặn theo hai nhánh song Hậu và sông Cổ Chiên lên giáp ranh tỉnh Vĩnh Long cách biển khoảng 80 km nhiều diện tích lúa bị thiệt hại nặng nề. Đây được xem là đợt hạn, mặn khắc nghiệt nhất từ trước đến nay”.
Thậm chí, thắng cảnh du lịch nổi tiếng của tỉnh này là ao Bà Om trên địa bàn tỉnh nước cũng khô cạn, đáy ao nứt nẻ. Theo người dân nơi đây, đến mùa khô hạn thì mực nước dưới ao cũng còn xấp xỉ 1m. Hiện tượng ao Bà Om khô cạn không còn một giọt nước chưa từng xảy ra trong lịch sử.
Ở những vùng được thiên nhiên ưu đãi, nước ngọt quanh năm nhưng năm nay cũng không tránh khỏi tình hình mặn tấn công. Vùng đất Phú Hữu (huyện Châu Thành, tỉnh Hậu Giang) nổi tiếng với những vườn bưởi năm roi bạt ngàn, xanh tốt vì được tưới bởi nước sông mát, ngọt. Không ai nghĩ đến chuyện một ngày nào đó nước sông sẽ nhiễm mặn. Vậy mà điều đó đã xảy ra khiến không ít người ngỡ ngàng. “Từ nhỏ tới giờ tôi mới thấy nước sông mặn. Ở đây còn vậy, ở những vùng giáp biển chắc còn khủng khiếp hơn”, chị Nguyễn Thị Hoa (xã Phú Hữu, Châu Thành, Hậu Giang) chia sẻ.
Giá nước đắt như vàng
Nước mặn xâm nhập sớm và rộng khắp khiến hơn 1 triệu dân ở tỉnh Bến Tre phải chấp nhận sử dụng nước mặn trong sinh hoạt hằng ngày. Tình trạng này dẫn đến việc giá nước ngọt tăng vọt. Ông Hồ Văn Út, chủ tịch UBND xã Mỹ Hòa huyện Ba Tri, tỉnh Bến Tre nói: “Tình hình khô hạn, nước mặn xâm nhập ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống, sinh hoạt của bà con. Những hộ khá giả có điều kiện xây hồ, sắm lu dự trữ nước ngọt thì còn đỡ. Những hộ nghèo đành chấp nhận đổi nước với giá cao về xài”.
Người dân chắt chiu từng giọt nước ngọt.
Ông Hồ Công Nam (ngụ xã Thừa Đức, huyện Bình Đại, Tỉnh Bến Tre) có thâm niên gần 15 năm dùng xe bồn chở nước về bán cho bà con ở vùng khô hạn chia sẻ: “Nước ngọt chủ yếu lấy từ giếng khoan ở những vùng đất giồng cát. Năm nay, mới đầu mùa mặn giếng cũng đang cạn dần vì vậy giá nước mỗi ngày một tăng. Trung bình nước ngọt có giá 70 đến 80 ngàn đồng/m3. Ở những vùng xa xôi hẻo lánh, người dân phải trả từ 100 cho đến 150 ngàn đồng tùy nơi xa, gần”.
Mấy tháng qua, gia đình bà Hồ Thị Nguyệt (ngụ xã Bình Thắng, Bình Đại, Bến Tre) đã mua hơn trên dưới 10 xe nước về xài (mỗi xe gần 2 m3). Gia đình đã khó khăn giờ thêm một khoảng chi tiêu khiến cuộc sống bà Nguyệt càng nên chật vật. “Không đổi nước thì lấy gì xài. Xài từng giọt mà tiền nước hơn cả tiền ăn. Tôi chỉ mong giá nước ổn định để dân nghèo như chúng tôi đỡ khổ”.
Giá nước đắt đỏ là vậy, thậm chí một số nơi, người dân phải chi tiền mà vẫn không mua được để xài vì nước ngọt ngày một khan hiếm. Tại thị trấn Ba Tri, hàng ngàn hộ dân đang trong tình trạng “khát” nước ngọt trầm trọng phải chấp nhận mua nước ngọt với độ mặn 2 phần ngàn để sử dụng hàng ngày vì trạm cấp nước cũng bị nhiễm mặn. Tương tự, hơn 60 ngàn hộ dân trên địa bàn TP. Bến Tre cũng phải mua nước có độ mặn 1 phần ngàn về xài. Bà Nguyễn Thị Diễm Phương, Giám đốc Công ty cổ phấn cấp thoát nước tỉnh Bến Tre cho PV Người Đưa tin biết: “Để đáp ứng như cầu của người dân, công ty đã đẩy nhanh việc khai thác nước ngọt trên mặt rạch Cái Cỏ thuộc huyện Châu Thành chuyển về nhà máy nước Hữu Định và Sơn Đông trên địa bàn thành phố (TP) hòa với nguồn nước nhiễm mặn hiện nhằm hạ độ mặn xuống để cung cấp cho người dân”.
Giá rơm tăng vọt
Bên cạnh việc nước ngọt khan hiếm trầm trọng, giá bán mắc như giá vàng thì người dân vùng ĐBSCL còn phải chịu cảnh khan hiếm rơm. Giá rơm cũng đột ngột tăng cao do đây là một trong những nguồn thức ăn chủ yếu cho bò. Khô hạn cùng với tình trạng xâm nhập mặn khiến lúa bị thiệt hại vì vậy rơm cũng trở nên thiếu hụt. Hiện tại, giá rơm tại chợ rơm gần đập Ba Lai (huyện Ba Tri, Bến Tre) có giá khoảng 24.000đ tăng 7.000đ so với thường lệ.
An Nam