Tại gia đình chị Trịnh Thị Quyên, các bình nước lọc đóng chai được xếp đầy một góc nhà để phục vụ cho việc ăn uống hàng ngày. Thuê nhà tại KĐT Tân Tây Đô từ năm 2014, thuộc huyện Đan Phượng, TP. Hà Nội, gia đình chị Quyên và các hộ dân khác trong khu đô thị hàng tháng vẫn mất tiền mua nước sạch từ nhà máy nước, song lại không dám sử dụng vì nồng độ asen cao vượt ngưỡng cho phép.
Chị Quyên cho biết, trước kia, khi còn sử dụng nước máy, con gái chị thường xuyên bị mẩn ngứa toàn thân, thậm chí những nốt muỗi đốt khi bị tiếp xúc với nước máy cũng trở nên mẩn đỏ trầm trọng hơn.
“Nước ở đây không thể dùng làm gì cả, nếu dùng để tắm thì bị ngứa ngáy. Còn dùng để rửa rau, vo gạo cũng không yên tâm. Nhưng nếu dùng nước lọc đóng chai để rửa rau thì kinh phí quá lớn, nên gia đình tôi đành phải chấp nhận, con ngứa, ốm đến đâu thì chữa tới đó”, chị Quyên ái ngại.
Chia sẻ thêm, chị Quyên cho biết: “Chúng tôi rất bức xúc. Khi hỏi công ty Hải Phát – chủ đầu tư tòa nhà (PV) về việc nước bẩn, không đạt chất lượng, họ trả lời là nước sạch, công ty môi trường cấp nước cũng nói là nước sạch. Nhưng nước này, chỉ để dùng xả bồn cầu là an toàn”.
Tại gia đình ông Nguyễn Văn Kiệm, sau khi thấy nước máy có dấu hiệu màu ngả vàng, nhớt, gia đình ông và nhiều hộ dân khác đã mang mẫu nước đi xét nghiệm thì thấy rằng nước sạch tại khu đô thị do Công ty CP Đầu tư công nghệ môi trường Việt Nam cung cấp độc quyền có nồng độ asen lớn hơn 3 lần so với mức cho phép. Để đảm bảo an toàn, gia đình ông Kiệm đã phải đầu tư kinh phí hơn 10 triệu đồng để lắp đặt hệ thống lọc tổng tại nhà. Theo đó, nước sau khi qua lần lọc thứ nhất được dùng để tắm giặt, rửa rau, nhưng kết quả xét nghiệm cho thấy nồng độ asen trong nước chưa thực sự an toàn, nên gia đình ông Kiệm phải trang bị thêm một hệ thống lọc nước khác, qua 2 lần lọc, gia đình ông mới dám dùng để ăn uống.
Cơ sở sản xuất nước sạch cung cấp cho người dân KĐT Tân Tây Đô. |
Cũng theo ông Kiệm, một số ít hộ trong khu đô thị chưa có điều kiện lắp đặt hệ thống xử lý nước vẫn phải chấp nhận sử dụng nước không đảm bảo, hoặc mua nước lọc đóng chai.
Anh Hồ Sỹ Thắng, cư dân tại khu chung cư chia sẻ ống lọc nước gia đình anh và nhiều hộ khác chỉ hơn 1 tháng lõi lọc nước đã chuyển sang màu vàng đục, đen, thậm chí là màu rêu.
“Bản thân cư dân chúng tôi cũng đã thu thập chứng cứ để kêu với chủ đầu tư tòa nhà. Quan điểm của họ là ghi nhận và hứa sẽ tìm hướng giải quyết, song kể từ năm 2014 đến nay, đã 3 năm trôi qua, chất lượng nước vẫn chưa có cải thiện. Nước là nguồn thiết yếu, nếu không quan tâm, không chỉ ảnh hưởng đến sức khỏe hiện tại, mà còn có thể ảnh hưởng tới con em chúng tôi sau này. Có ai biết rằng nước ô nhiễm khi ngấm vào người sau này sẽ xảy ra chuyện gì”, anh Thắng lo ngại.
Bức xúc, lo lắng là tâm lý chung của những cư dân Tân Tây Đô trong những năm qua. Sau quá trình tìm hiểu về quá trình sản xuất nước sạch, anh Hồ Sỹ Thắng cho hay cư dân nơi đây nghi ngại hơn nữa khi phát hiện nguồn nước đầu vào của nhà máy nước sạch là nước từ 2 giếng khoan được đặt cách một con kênh nước đen ngòm, bốc mùi khó chịu, cách nhà máy chỉ chừng vài trăm mét. “Nước ở con kênh này bẩn đến mức nhiều hộ sống tại các khu biệt thự liền kề đã phải chuyển đi vì quá hôi thối. Trước đây, nhiều căn biệt thự bị bỏ hoang, chuyển sang nuôi lợn. Tôi thắc mắc rằng, phải chăng việc quy hoạch nhà máy nước sạch có vấn đề? Tại sao có thể đặt một nhà máy nước ngay cạnh nguồn nước ô nhiễm?”, anh Thắng chia sẻ.
Thực tế, hàng tháng những người dân tại đây vẫn phải trả một khoản tiền không nhỏ để mua “nước bẩn”. Dù đã nhiều lần “cầu cứu” với chủ đầu tư là Công ty CP Đầu tư Hải Phát và nhà cung cấp nước là Công ty CP Đầu tư công nghệ môi trường Việt Nam, song đến nay, người dân vẫn chưa nhận được câu trả lời thỏa đáng, tiền vẫn mất và nước vẫn bẩn!
Trả lời báo chí về vấn đề này, ông Hà Hữu Thư, Giám đốc Công ty CP Đầu tư công nghệ môi trường Việt Nam thừa nhận việc nước sạch cho nhà máy cung cấp có hàm lượng asen vượt quá tiêu chuẩn cho phép.
Theo kết quả kiểm tra chất lượng nước gần nhất vào ngày 3/10/2017, hàm lượng asen có trong nước tại khu đô thị Tân Tây Đô (chưa qua thiết bị lọc) là 0,02mg/l, gấp 2 lần so với tiêu chuẩn của Bộ Y tế.
“Thực hiện chủ trương của thành phố Hà Nội, từ nay đến năm 2020, 100% người dân thành phố có nước sạch. Công ty đã bỏ tiền túi doanh nghiệp ra để cải tạo trạm cấp nước Tân Tây Đô. Tuy nhiên, công nghệ của công ty trước đây và hiện tại vẫn còn một số điểm chưa đạt quy chuẩn của Bộ Y tế. Trong thời gian tới, công ty sẽ đề nghị với UBND TP. Hà Nội để được đấu nối với đường nước sông Đà khi có đường nước sông Đà chạy qua đường 32”, ông Thư cho biết.
Theo VOV