Ở một quốc gia nơi mà thịt lợn đóng vai trò quan trọng trong bữa ăn thường ngày, dịch tả lợn châu Phi hoành hành đang làm giảm mạnh nguồn cung thịt - Fitch nói trong báo cáo mới công bố. Dịch tả lợn châu Phi có khả năng lây nhiễm cao và đến nay đã khiến chính quyền Trung Quốc tiêu hủy trên 1,17 triệu con lợn - theo Tổ chức Nông lương LHQ (FAO).
Trung Quốc là một trong số những nước tiêu thụ thịt lợn nhiều nhất và cũng là nhà sản xuất thịt lợn lớn nhất thế giới trong năm 2018 - theo dữ liệu của Statista.
Trong bối cảnh nguồn cung giảm mạnh, Trung Quốc rất cần nguồn hàng nhập khẩu để đáp ứng nhu cầu thịt trong nước. Ngoài ra, nước này cũng cần phải đi tìm những nguồn thịt mới và khuyến khích người dân sử dụng. Và trong trường hợp đó, thịt giả là một lựa chọn.
Năm 2018, ngành công nghiệp chế biến thịt của Trung Quốc đạt tổng giá trị sản xuất lên tới 910 triệu USD - tăng tới 14,2% so với năm trước đó. Để so sánh, thị trường của Mỹ chỉ đạt 684 triệu USD cùng năm - tăng 23% so với năm 2017.
Theo ông Simon Powell - chuyên gia nghiên cứu thuộc ngân hàng đầu tư Mỹ Jefferies - dịch tả lợn châu Phi nhìn ở góc độ khác lại đang mang tới làn gió “tích cực” cho ngành công nghiệp chế biến thịt thay thế ở Trung Quốc. Đại dịch này đã khiến nguồn cung cho thị trường thịt lợn ở Trung Quốc giảm 20 triệu tấn, nhưng cũng nhờ vậy mà người tiêu dùng quay sang sử dụng thịt giả như phương án thay thế.
“Tôi cho rằng nó có thể tạo ra xu hướng mới trong việc chuyển đổi sang sử dụng nguồn protein khác, cụ thể ở đây là thịt thay thế” - ông Powell nói.
Một nhân tố khác tạo động lực cho xu hướng sử dụng thịt giả chính là khẩu phần ăn truyền thống của Trung Quốc - theo Fitch Solutions. Điều này là do các loại thịt giả sản xuất trong nhà máy - được chế từ đậu phụ và các loại bột - vốn đã được sử dụng trong các bữa ăn truyền thống ở Trung Quốc.
Trên thực tế, một số người cho rằng người Trung Quốc đã bắt đầu sử dụng các loại thịt thay thế, hay thịt giả, từ thời nhà Đường, cách đây hơn 1.000 năm. “Xu hướng sử dụng thịt giả có thể được xem là xuất phát từ truyền thống này” - báo cáo của Fitch cho hay. Ngoài yếu tố truyền thống ra, xu hướng trên cũng bắt nguồn từ yếu tố môi trường, đạo đức và cả quan ngại về mặt sức khỏe.
Cộng đồng những người ăn kiêng vì sức khỏe và môi trường ở Trung Quốc có thể dẫn dắt xu hướng sử dụng thịt giả. Nhưng sẽ phải mất khá nhiều thời gian để xu hướng này lan rộng ở Trung Quốc.
“Không ai dám khẳng định rằng người dân Trung Quốc sẽ chuyển hết sang ăn thịt giả” - ông Powell nói thêm rằng thịt lợn vốn đóng vai trò quan trọng trong thức ăn hàng ngày của người Trung Quốc.
Được biết, nhu cầu thịt lợn của Trung Quốc từ trước đến nay chưa bao giờ ở mức thấp. Năm 2018, đất nước này chiếm tới 46% tổng lượng tiêu thụ thịt lợn của toàn thế giới - theo dữ liệu của OECD.
Từ tháng 8/2018, dịch tả lợn lan tới 31 tỉnh thành Trung Quốc. Khoảng 200 triệu con lợn - chiếm gần 50% tổng số lợn tại Trung Quốc - đã chết vì bệnh hoặc bị tiêu hủy. Đại dịch khiến giá thịt lợn tăng vọt tại Trung Quốc, dẫn tới hàng loạt hậu quả kinh tế nghiêm trọng.
Giá thịt lợn tại Trung Quốc tăng 27% trong tháng 7 và 47% trong tháng 8, đang dao động ở mức 30 - 33 NDT (4,2 - 4,6 USD)/kg. Chính quyền 4 tỉnh thành đã phải xả kho dự trữ thịt lợn đông lạnh để ổn định giá cả và trấn an tâm lý người tiêu dùng.
Thịt lợn là mặt hàng tiêu dùng lớn nhất trong rổ chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của Trung Quốc. Ngày 17/9, Tổng cục Thống kê Trung Quốc cho biết giá thịt lợn tăng 47% trong tháng 8 đẩy CPI nước này lên 2,8% tính đến cuối tháng 8, mức cao nhất trong vòng 20 tháng qua.
Hơn nữa, giá thịt lợn tăng kéo theo giá nhiều mặt hàng thực phẩm khác. Vài tháng qua, giá thịt gà, bò và cừu ở Trung Quốc cũng tăng vọt vì người tiêu dùng đổ xô mua các loại thịt khác để thay thế cho thịt lợn.