Thư đều in đẹp lắm, để trong phong bì sơn son thếp vàng hẳn hoi (đến mức, sau này tôi từng thấy có nhạc sĩ đóng khung treo lên tường). Nội dung là sau khi đã tìm hiểu và nghiên cứu kỹ tiểu sử cũng như sự nghiệp sáng tác của nhạc sỹ, họ quyết định sẽ đưa ông vào cuốn sách 500 nhạc sỹ tiêu biểu nhất châu Á thế kỷ 20...
Sách đã biên tập xong nội dung, chỉ còn chờ in. Nhạc sỹ không phải nộp tiền gì (vì đây là sự tôn vinh xứng đáng với tên tuổi của ông), nhưng mời ông gửi số tiền nhỏ để in sách. Số tiền rất nhỏ thôi, Hai Trăm Đô Mỹ.
Nhạc sỹ Phạm Tuyên cẩn thận nhờ người dịch thư, rồi tìm kiếm thông tin về nơi gửi, đúng là có thật. Nên ông cũng có gửi tiền 1 lần. Có sách gửi về sau 2 tuần, dày cộp, như quyển niên giám điện thoại. Phần về ông được nửa trang, “như cáo phó” (chữ của nhạc sỹ Tuyên). Ông hiểu vấn đề là gì, nên sau không máu me kiểu đó nữa.
Bạn bè tôi gửi tiền nhận sách nhiều lắm - nhạc sỹ Phạm Tuyên cười khùng khục.
Trào lưu đó cách đây đã hơn 10 năm, từng rất phổ biến trong giới nghệ sĩ. Cho đến nay, một số cuốn sách kiểu đó vẫn được đặt trang trọng trên giá, đánh dấu bằng bức thư mời sặc sỡ, kẹp đúng trang có tên chủ nhân...