Đấu tranh nữ quyền - Cuộc chiến không hồi kết tại Hàn Quốc

Đấu tranh nữ quyền - Cuộc chiến không hồi kết tại Hàn Quốc

Nơi Jiyoung phá thai là nơi cuối cùng trên trái đất mà cô buộc phải tới để làm thủ tục - đó là giả thiết nếu như cô có quyền lựa chọn.
* * *
ĐẤU TRANH DỠ BỎ LỆNH CẤM PHÁ THAI

“Tôi rất hoang mang khi bước vào phòng phẫu thuật, chiếc ghế ướt đẫm máu của một sản phụ vừa phá thai trước đó”, Jiyoung nhớ lại. “Tuy nhiên tôi vẫn phải cắn răng chấp nhận làm, bởi nếu không làm ở đây thì chẳng có chỗ nào khác chứa chấp tôi”.

Những trải nghiệm kinh hoàng này lại hết sức phổ biến đối với không ít phụ nữ trưởng thành và nữ sinh Hàn Quốc. Nghiên cứu của Đại học Pai Chai ước tính rằng có tới nửa triệu phụ nữ và nữ sinh phá thai bất hợp pháp mỗi năm tại Hàn Quốc, trong khi chính phủ nước này ước tính khoảng 50.000 ca nạo phá thai đã được thực hiện trong năm 2017. Suốt 66 năm qua, phá thai là hành vi bất hợp pháp tại Hàn Quốc, do đó để có được con số chính thức các ca phá thai là điều không thể.

Đấu tranh nữ quyền - Cuộc chiến không hồi kết tại Hàn Quốc ảnh 1

Cụ thể hơn, việc hình sự hóa hành vi phá thai khiến phụ nữ và trẻ em gái gặp nguy hiểm. Do bị các bệnh viện từ chối tiếp nhận, họ không còn lựa chọn nào khác ngoài việc mạo hiểm sức khỏe thể chất và tinh thần của họ bằng cách uống thuốc phá thai hoặc tìm tới các cơ sở phá thai “chui”.

Vào ngày 30/3 năm 2019, hơn một nghìn phụ nữ đã vượt qua thời tiết giá lạnh và cái nhìn giễu cợt của không ít đàn ông ở Seoul để yêu cầu chính phủ Hàn Quốc chấm dứt quy định cấm nạo phá thai.

Theo luật hiện hành, những phụ nữ bị phát hiện phá thai có thể phải đối mặt với khoản tiền phạt lên tới 2 triệu won (hơn 40 triệu đồng) hoặc một năm tù. Các chuyên gia y tế hỗ trợ phá thai có thể phải đối mặt với mức án tù lên tới hai năm nếu bị tòa kết án.

Các trường hợp ngoại lệ duy nhất cho phép nạo phá thai đó là trong các trường hợp phụ nữ bị hãm hiếp, loạn luân, bệnh lý cụ thể hoặc rối loạn di truyền, hoặc nếu sức khỏe của sản phụ bị đe dọa bởi thai kỳ. Ngay cả trong những trường hợp hạn chế này, thì người vợ cũng cần phải có sự đồng ý của chồng mình mới được phép nạo phá thai.

Việc hình sự hóa phá thai ở Hàn Quốc đã dẫn đến sự phân biệt đối xử và kỳ thị đối với nhiều thế hệ phụ nữ và trẻ em gái. Những luật lệ mang tính bảo thủ này đang khiến phụ nữ ở một trong những quốc gia phát triển nhất châu Á trở thành công dân hạng hai.

Các cuộc tuần hành vào mỗi cuối tuần là một phần của làn sóng đấu tranh cho nữ quyền chưa từng có, đánh dấu một bước ngoặt cho phụ nữ đấu tranh chống lại sự bất bình đẳng giới sâu sắc ở đất nước này.

Tất cả những người xuống đường đều có chung một hy vọng mãnh liệt rằng phán quyết của Tòa án Hiến pháp Hàn Quốc sẽ thay đổi quyền con người của phụ nữ và trẻ em gái.

“Những tác động của việc hính sự hóa tội phá thai rất đa dạng. Nó vi phạm quyền bảo vệ sức khỏe và thân thể của phụ nữ, họ không nhận được sự chăm sóc và tư vấn cần thiết khi phải tìm tới các cơ sở nạo phá thai không đảm bảo”, Jiyoung cho biết.

“Sau khi phẫu thuật, tôi không cầm được máu, thế nên tại lại phải quay lại phòng khám kinh khủng đó. Các bác sĩ và y tá dường như lảng tránh tôi và không đưa ra lời giải thích thực sự nào về tình trạng của tôi. Nhưng sao tôi có thể trông mong gì ở một nơi như vậy?”, cô gái trẻ nói.

Đấu tranh nữ quyền - Cuộc chiến không hồi kết tại Hàn Quốc ảnh 2

Vào ngày 11/4 năm 2019, hội đồng xét xử bao gồm 9 thẩm phán đã đưa ra quyết định rằng phá thai ngoài vòng pháp luật là vi hiến và giới lập pháp Hàn Quốc có thời hạn tới cuối năm 2020 để sửa đổi luật.

Quyết định mang tính bước ngoặt này được đưa ra sau nhiều năm đấu tranh không biết mệt mỏi của phụ nữ Hàn Quốc, từ thanh thiếu niên cho tới phụ nữ trung niên, những người sẵn sàng đối đầu với các vấn đề cấm kỵ.

Các nhóm vận động nữ quyền Hàn Quốc đã soạn thảo một bản kiến nghị kêu gọi các nhà lập pháp xóa bỏ tội phá thai, có chữ ký của hơn 230.000 người. Họ tổ chức các hoạt động và tung ra các hashtag truyền thông xã hội để nâng cao nhận thức của xã hội về các vấn đề vốn bị coi là nhạy cảm, từ phá thai đến bạo lực tình dục.

Phán quyết này được ca ngợi là một chiến thắng cho bình đẳng giới, nhưng các nhà hoạt động vì quyền của phụ nữ cho rằng tới khi nào các định kiến bảo thủ vẫn còn tồn tại thì quyền lợi của người phụ nữ sẽ vẫn bị cản trở.

“Ngay cả khi phụ nữ không còn là tội phạm khi phá thai, họ sẽ vẫn bị xã hội phán xét. Phá thai vẫn bị coi là hành động vô đạo đức ở Hàn Quốc, họ coi đây là hành động của những cô gái trẻ tuổi hư hỏng”, Woo Jiann - nữ sinh viên 25 tuổi, người đồng sáng lập Femidangdang, một nhóm nữ quyền có trụ sở tại Seoul.

Hàn Quốc đã trở thành một trong những quốc gia phát triển cuối cùng loại bỏ lệnh cấm nạo phá thai. Một cuộc khảo sát của công ty Realmeter trong tháng 4 năm 2019 cho thấy hơn 58% số người Hàn Quốc được hỏi ủng hộ việc loại bỏ lệnh cấm, trong khi vẫn còn hơn 30% người muốn giữ lại.

Phán quyết của tòa án được đưa ra trong bối cảnh phong trào nữ quyền đang phát triển mạnh mẽ ở Hàn Quốc sau khi hàng chục nghìn phụ nữ tuần hành vào năm ngoái để phản đối tình trạng quay lén phụ nữ tại những địa điểm công cộng.

“Phá thai vẫn còn là một điều cấm kỵ vì xã hội của chúng tôi có quan điểm khắt khe về tình dục đối với phụ nữ”, Yong - một nữ du học sinh Hàn Quốc tại Đức, cho biết. “Tôi mới đi phá thai, tôi đã mắc phải sai lầm vì còn trẻ, nhưng tôi biết mình phải làm điều tốt nhất cho bản thân. Nhiều người bạn của tôi ở quê nhà chia sẻ rằng đối với họ việc phá thai giống như tận thế”.

Số lượng các ca phá thai ở Hàn Quốc hiện nay đã giảm đáng kể, với gần 50.000 trường hợp trong năm 2017, giảm từ khoảng 340.000 người vào năm 2005, khi các biện pháp kiểm soát sinh sản ngày càng phổ biến và số lượng phụ nữ trong độ tuổi sinh nở cũng suy giảm, theo Viện Y tế và Phúc lợi xã hội Hàn Quốc cho biết.

Các nhà vận động cho rằng lệnh cấm đã thúc đẩy phụ nữ chuyển sang dùng thuốc phá thai ở chợ đen và đẩy chi phí phá thai lên mức rất cao.

Số lượng các ca phá thai ở Hàn Quốc hiện nay đã giảm đáng kể, với gần 50.000 trường hợp trong năm 2017, giảm từ khoảng 340.000 người vào năm 2005, khi các biện pháp kiểm soát sinh sản ngày càng phổ biến và số lượng phụ nữ trong độ tuổi sinh nở cũng suy giảm.Viện Y tế và Phúc lợi xã hội Hàn Quốc 

Trong nhiều trường hợp, các sản phụ phải ký đơn xác nhận rằng họ sẽ không truy cứu các bác sĩ nếu có chuyện gì xảy. Trước đó, đã có trường hợp của một bác sĩ bị buộc tội tiến hành gần 70 vụ phá thai bất hợp pháp.

Bác sĩ phụ khoa Yoon Jung-won, người đã thực hiện hàng trăm ca phá thai cho những người bị hãm hiếp, cho biết một số bác sĩ đã kêu gọi quyền không thực hiện thủ tục phá thai sau khi tòa án dỡ bỏ lệnh cấm. Tại bệnh viện nơi cô làm việc, bác sĩ Yoon đã phá thai cho rất nhiều phụ nữ, từ những cô gái tuổi teen mang thai ngoài ý muốn, đến những phụ nữ cảm thấy họ quá nghèo để nuôi con, hoặc thậm chí có những người là nạn nhân các vụ tấn công tình dục.

“Một số bác sĩ không muốn thực hiện phá thai đơn giản vì đây là một công việc bị kỳ thị. Nó gây mất nhiều thời gian và công sức”, bác sĩ Yoon cho biết.

NGỌN LỬA ÂM Ỉ TRONG LÒNG XÃ HỘI

Giống như nhiều cuộc chiến giữa các quốc gia, mâu thuẫn giữa hai giới ở Hàn Quốc bắt nguồn từ kinh tế. Khi nền kinh tế Hàn Quốc phát triển nhanh chóng trong những năm 1970 và 1980, nhiều người đàn ông có công việc ổn định, được trả lương cao. Phụ nữ không cần phải ra ngoài kiếm tiền bởi tiền lương của chồng đã đủ để chu cấp cho gia đình. Chính điều này đã cho phép ra đời hệ thống hoju, mà theo luật pháp quy định rằng người đàn ông là chủ gia đình, hệ thống này hiện đã bị bãi bỏ vào năm 2005.

Vào cuối những năm 1990, cuộc khủng hoảng tài chính càn quét các quốc gia châu Á đã khiến nhiều gia đình Hàn Quốc rơi vào cảnh phá sản. Đây cũng là lúc phụ nữ dần thâm nhập vào thị trường lao động và cạnh tranh trực tiếp với nam giới. “Rất nhiều định kiến tiêu cực về phụ nữ, rất nhiều áp đặt về giới tính bắt đầu xuất hiện vào đầu những năm 2000”, James Turnbull - một người nước ngoài cư trú lâu năm tại thành phố Busan, cho biết.

Ngày nay, nền kinh tế Hàn Quốc đang gặp không ít khó khăn do xung đột thương mại với Nhật Bản và giữa Mỹ-Trung. Suy thoái kinh tế toàn cầu đã ảnh hưởng nặng nề đến nền kinh tế vốn định hướng xuất khẩu, đặc biệt là các ngành vận tải và đóng tàu, vốn rất quan trọng đối với Hàn Quốc. Các tập đoàn khổng lồ cũng gặp rắc rối và cắt giảm nhân công. Các khoản nợ gia đình đang tăng cao và tính theo phần trăm GDP, thuộc hàng cao nhất trong số các nước phát triển.

Đấu tranh nữ quyền - Cuộc chiến không hồi kết tại Hàn Quốc ảnh 3

Trong khi đó, năng lực của giới lao động Hàn Quốc trở nên quá cao so với các công việc có sẵn trên thị trường. Với tỷ lệ người đi học đại học ở Hàn Quốc cao hơn bất kỳ quốc gia phát triển nào khác, nhiều người có trình độ học vấn cao đang rất cần việc làm, trong khi chỉ có thể tìm các công việc tạm thời. Tỷ lệ thất nghiệp ở lứa tuổi thanh niên đang ở mức gần 10%, gấp khoảng 3  lần mức trung bình quốc gia. Thay vì ra ngoài tìm hiểu hẹn hò và kết hơn, nam và nữ giới Hàn Quốc phải lao vào một cuộc chiến tìm kiếm việc làm.

“Những người trẻ tuổi rất thất vọng, đặc biệt là đàn ông, khi họ so sánh cuộc sống của mình với thế hệ cha ông trước đây” bà Lee Mi-jeong, một nhà nghiên cứu tại Viện Phát triển Phụ nữ Hàn Quốc. “Sự thất vọng đó lại bị đổ lên đầu phụ nữ”.

Đã có không ít vụ sát nhân hàng loạt ở Hàn Quốc mà nạn nhân là phụ nữ ở cả lứa tuổi học sinh và cao niên.

Kể từ năm 2018, khi phong trào #MeToo thịnh hành trên khắp thế giới, các nhà hoạt động của Hàn Quốc đã tổ chức một sự kiện ở Seoul, nơi phụ nữ ở mọi lứa tuổi chia sẻ các trải nghiệm về bạo lực tình dục. Nhiều người tham gia tỏ ra rất ngạc nhiên khi biết rằng chính họ là những nạn nhân của nạn bạo lực tình dục trong gia đình và nhà trường, dường như họ không có ngôn từ nào để diễn tả tình trạng của mình.

Thống kê của Viện Phát triển Phụ nữ Hàn Quốc cho thấy tỷ lệ bạo lực tình dục ở nước này đã tăng vọt trong vài năm qua. Trong khi tỷ lệ tội phạm và giết người nói chung ở Hàn Quốc vẫn còn rất thấp, nhiều phụ nữ ở Hàn Quốc bị sát hại hơn nam giới, điều này là bất thường ở một quốc gia phát triển, theo ông Turnbull.

Song Ran-hee - Tổng thư ký của Korea Women’s Hotline (KWH), một tổ chức phi lợi nhuận cung cấp dịch vụ tư vấn và che chở cho phụ nữ, nói rằng mặc dù không có số liệu thống kê chính thức về việc này, nhưng một số lượng lớn các vụ tấn công phụ nữ đến từ chính những người thân quen trong gia đình hoặc bạn trai.

“Ngay cả hành động chia tay với bạn trai cũng là một quyết định đầy nguy hiểm ở Hàn Quốc”, Song nói. “Tình trạng sát hại phụ nữ do mâu thuẫn tình cảm đã gia tăng trong những năm gần đây”.

Kim Ha-young, một nhà hoạt động nữ quyền 23 tuổi và là thành viên của Femidea, một nhóm chuyên dịch các bài báo về nữ quyền nước ngoài sang tiếng Hàn, cho biết: “Một số phụ nữ nói rằng họ sợ bị theo dõi, hoặc bị tung clip nhạy cảm nếu chia tay bạn trai”.

Đấu tranh nữ quyền - Cuộc chiến không hồi kết tại Hàn Quốc ảnh 4

Từ #MeToo cho đến đấu tranh xóa bỏ lệnh cấm phá thai, phong trào nữ quyền tại Hàn Quốc đang ngày càng đạt được những tiến bộ nhanh chóng. Những phụ nữ trẻ của Hàn Quốc đang từng bước thay đổi xã hội của mình. Họ không ngại lộ diện hay lên tiếng để bảo vệ cho quyền lợi của bản thân bởi họ hiểu rằng lời nói là sức mạnh.

“Thay đổi luật pháp và chính sách mới chỉ là bước đi đầu tiên, thay đổi văn hóa và định kiến xã hội mới là bước cuối cùng và khó khăn nhất”, bác sĩ Yoon nhận định.

TIN LIÊN QUAN
Tác phẩm có tên “Comedian” của nghệ sĩ người Italy Maurizio Cattelan ra mắt lần đầu năm 2019 tại triển lãm Art Basel ở Miami Beach, đã gây tranh cãi về việc có thể được coi là nghệ thuật hay không. Ảnh: AP
6,2 triệu USD cho quả chuối dán tường
(Ngày Nay) - 6,2 triệu USD là mức giá vừa được trả cho một tác phẩm nghệ thuật gây tranh cãi, một quả chuối tươi dán lên tường bằng băng dính bạc. Tác phẩm được đưa ra trong một cuộc bán đấu giá của Sotheby’s ở New York, Mỹ.
Quang cảnh Hội nghị.
Sản phẩm từ các ngành công nghiệp văn hóa tạo nên hiệu ứng du lịch
(Ngày Nay) - Ngày 21/11, tại thành phố Đà Nẵng, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan tổ chức Hội nghị triển khai Chỉ thị 30/CT-TTg, ngày 29/8/2024 của Thủ tướng Chính phủ về phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam (Chỉ thị số 30).