Theo ông Vũ Văn Dũng, loại cây thàn mát được trồng phổ biến ở khắp Hà Nội, đặc biệt là các công viên trong nội đô. Loài cây này rất đẹp, nở hoa trắng trời vào những ngày tháng 3. Tuy nhiên, đây là cây rất độc, có thể gây nguy hiểm cho người chạm vào nhựa thân cây hoặc hạt cây. Ở vùng cao, khi giã hạt cây này thả xuống suối sẽ làm cá chết dọc con suối.
Theo ông Dũng loài cây này phải được kiểm soát đặc biệt, tuyệt đối không nên trồng ở trường học, công viên vì những nơi này, trẻ con thường đến chơi, không may chạm vào nhựa cây hay nghịch hạt cây đều rất nguy hiểm.
Ngoài cây sưa trắng, một số loài cây khác cũng được đề nghị chặt bỏ hoặc kiểm soát chặt chẽ, tuyệt đối không được trồng trong trường học như cây Vông Đồng, loài cây mới đây khiến hàng chục học sinh ở Nghệ An bị ngộ độc do ăn phải hạt. Mới đây, Bộ Y tế đã có công văn kiến nghị chặt bỏ loài cây này trong khuôn viên trường học. Theo ông Dũng, loại cây này cũng được trồng khá phổ biến ở Hà Nội. Hạt của cây rất độc, nếu ăn phải rất nguy hiểm.
Ngoài ra, Hà Nội cũng có nhiều loại cây độc khác được trồng khá phổ biến như cây trúc đào, cây thông thiên, cây huỳnh anh. Đây cũng là những loại cây cần được chặt bỏ hoặc kiểm soát chặt chẽ. Ông Dũng cũng đề xuất loại bỏ cây dâu da xoan (còn gọi cây xoan đào), cây trứng cá. Đây là hai loại cây đã bị TP HCM đưa vào danh mục cấm trồng trên đường phố vì rất dễ gãy cành, gây nguy hiểm trên đường đi khi có gió bão.
Theo ông Vũ Văn Dũng, cây xanh ở Hà Nội rất đa dạng và có giá trị nhiều mặt từ bảo vệ môi trường, giảm ô nhiễm, giá trị thẩm mỹ cũng như bảo tồn nguồn gene. Tuy nhiên, còn tồn tại nhiều loại cây độc, có hại cho môi trường. Vì vậy, Hà Nội cần có kế hoạch rà soát, kiểm kê cây xanh, tốt nhất nên thành lập bản đồ cây xanh của thành phố.