Sáng 10/5, Hội đồng giám sát liên ngành do Bộ trưởng Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà chủ trì với sự tham gia của đại diện các bộ, ngành trung ương và UBND tỉnh Hà Tĩnh đã xem xét lại toàn bộ quá trình khắc phục sự cố môi trường của Formosa.
Theo ông Hoàng Văn Thức, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường, Hội đồng đã đánh giá từ việc khắc phục 53 lỗi vi phạm đến việc hoàn thành 17 hạng mục bảo vệ môi trường mà Bộ Tài nguyên yêu cầu bổ sung. Formosa đã đầu tư tài chính, công nghệ để khắc phục 52 trên tổng số 53 lỗi. Kết quả giám sát liên tục từ tháng 7/2016 đến nay cho thấy vấn đề môi trường đã kiểm soát được,
Theo đánh giá của Hội đồng, khi vận hành lò cao số 1, trạm sinh hóa xử lý tăng thêm 300 m3 nước thải một ngày. Nước thải sinh hóa là nước thải quan trọng nhất phát sinh từ lò cốc. Với hệ thống xử lý, quy trình công nghệ hiện nay và việc giám sát của tổ liên ngành hoàn toàn kiểm soát tốt vấn đề này, nước thải trước khi ra môi trường đều đạt quy chuẩn 52 và 40.
Về khí thải, khi vận hành lò cao phát sinh khí thải từ công đoạn lò cao và lò thép. Fomrosa đã lắp đặt đủ 15 trạm quan trắc khí thải cùng với thiết bị quan trắc tự động được kết nối với Bộ Tài nguyên, cho phép quan trắc giám sát 24/24h khí thải của hệ thống này. Các ống khói đã được vận hành trước như lò cốc hay ống khói nhà máy nhiệt điện đều đạt tiêu chuẩn.
Với sự nỗ lực của Formosa và sự kiểm soát nghiêm ngặt của các cơ quan nhà nước từ Trung ương đến địa phương, Hội đồng đã đề nghị cho Formosa vận hành thử nghiệm lò cao số 1 trong 6 tháng.
Để chuẩn bị cho việc vận hành thử nghiệm lò cao số 1 và xưởng luyện thép sắp tới, Bộ trưởng Tài nguyên Trần Hồng Hà yêu cầu Formosa củng cố thiết bị, nhân lực, tăng cường giám sát môi trường tự động cũng như định kỳ thông qua việc kiểm soát thông số về sử dụng hoá chất, tiêu thụ năng lượng, quy trình vận hành của các công trình, thiết bị và thông số khác có liên quan một cách minh bạch.
Bộ trưởng Hà cũng yêu cầu tổ giám sát của Bộ và tỉnh Hà Tĩnh tăng cường làm việc, trong đó có việc lấy mẫu tần suất dày hơn để xử lý nước thải, khí thải và môi trường xung quanh cả môi trường biển.
Đầu năm 2016, hiện tượng cá chết hàng loạt khởi nguồn từ một số lồng nuôi cá bè gần khu công nghiệp Vũng Áng (Hà Tĩnh), sau đó lan đến Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế. Cuối tháng 6, Formosa Hà Tĩnh đã thừa nhận là nguyên nhân trực tiếp gây ra sự cố môi trường biển, cam kết bồi thường 500 triệu USD. Số tiền này đang lần lượt đến tay người dân.