Để người khiếm thị tự ‘câu’ được nhiều ‘cá’ hơn

Để người khiếm thị tự ‘câu’ được nhiều ‘cá’ hơn

Hiện nay, phần lớn người khiếm thị tại Việt Nam đều có thu nhập ở mức trung bình thấp trở xuống. Nhưng làm thế nào để cải thiện thu nhập cho người khiếm thị, vẫn là vấn đề chưa thể giải quyết triệt để suốt nhiều năm qua.

________________

Những điểm sáng lẻ loi

“Xin lỗi em, khách lại gọi. Đợi chị một chút nhé.”

Trong cuộc phỏng vấn kéo dài khoảng 30 phút từ 9h tối, phải đến 3, 4 lần chị Ân (30 tuổi) xin tạm ngừng để trả lời khách hàng. Là người khiếm thị, nhưng chị vẫn làm việc với cường độ không kém gì người sáng mắt. Vài năm gần đây, được giao nhiệm vụ dẫn dắt lớp trẻ, chị lại thêm bận rộn vì phải quán xuyến công việc ngoài giờ hành chính.

Vị trí chuyên viên marketing và chăm sóc khách hàng cho một công ty kinh doanh máy rửa bát mang lại cho chị Ân 16 triệu đồng/tháng. Thêm thu nhập của chồng là vừa đủ để chị lo tiền học và tiền ăn cho 3 đứa con đang tuổi lớn. Nhiều người bất ngờ khi biết rằng chị Ân chính là trụ cột về kinh tế của gia đình.

“Mình không muốn trở thành một gánh nặng cho gia đình và xã hội. Nên dù phải nỗ lực gấp đôi, gấp ba người bình thường, mình vẫn sẽ tiếp tục lao động.”

Để người khiếm thị tự ‘câu’ được nhiều ‘cá’ hơn ảnh 1
Chị Ân đang tư vấn về sản phẩm máy rửa bát cho một khách hàng. (Ảnh: Nhân vật cung cấp)

Trong cộng đồng người khiếm thị, Khúc Hải Vân là một cái tên khá nổi bật. Mở trung tâm tin học cho người khiếm thị, mở phòng thu âm thanh, phát triển phần mềm - đó là những công việc mà anh Vân đã từng “kinh” qua. Anh được cộng đồng “phong tặng” danh hiệu Hiệp sĩ công nghệ thông tin, vì những đóng góp của mình vào công tác đào tạo tin học và phát triển công nghệ cho người khiếm thị.

Nhưng đó đã là câu chuyện của 15 năm trước. Năm 2018, anh Vân mạo hiểm “nhảy” sang lĩnh vực kinh doanh. Hiện, anh đã làm một nhà phân phối chất tẩy rửa được 3 năm. Mỗi tháng, anh kiếm được khoảng 20 triệu đồng từ kinh doanh online và bán hàng tại đại lý riêng của mình.

Cũng như chị Ân, anh Vân luôn là một chiếc “cột nhà” vững chắc của gia đình. Bên cạnh đó, anh còn thường xuyên trích một phần thu nhập để ủng hộ các dự án xã hội cho người khiếm thị.

Anh Vân được xã hội ưu ái coi là tấm gương điển hình cho sự vươn lên của người khuyết tật. Nhưng anh chỉ cười: “Mình đang làm những việc bình thường như bao người khác thôi mà!”

Để người khiếm thị tự ‘câu’ được nhiều ‘cá’ hơn ảnh 2
Anh Vân tại đại lý phân phối nước tẩy rửa của mình. (Ảnh: Việt Khôi)

Tuy nhiên, rất ít người khiếm thị làm được như anh Vân và chị Ân. Theo ông Đinh Thanh Tùng, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Người mù (HNM) Việt Nam, đa số người khiếm thị hiện nay chủ yếu làm hai nghề được coi là “truyền thống” của họ: xoa bóp bấm huyệt và thủ công mỹ nghệ. Báo cáo tổng kết đề án trợ giúp người khuyết tật giai đoạn 2012-2020 cho thấy, thu nhập trung bình của hầu hết người khiếm thị làm xoa bóp bấm huyệt là 3 triệu đồng/tháng; còn thủ công mỹ nghệ chỉ là 1,4 triệu đồng/tháng.

Theo thống kê từ World Bank, GDP bình quân đầu người của Việt Nam năm 2020 là 2.785 USD. Như vậy, thu nhập trung bình hàng tháng của người Việt là 232 USD, tức là khoảng 5,3 triệu đồng. Số liệu này cho thấy, thu nhập của đa số người khiếm thị tại Việt Nam đều thấp hơn mặt bằng chung xã hội, dù mặt bằng này mới đang ở mức trung bình thấp.

Chưa nhận được nhiều sự quan tâm

Có nhiều nguyên nhân, cả chủ quan lẫn khách quan khiến phần lớn người khiếm thị chưa thể có thu nhập khá hơn.

Theo ông Đinh Thanh Tùng, nguyên nhân hàng đầu là do sự tiếp cận hạn chế với giáo dục. Hầu hết người khiếm thị làm nghề xoa bóp bấm huyệt hay thủ công đều không có bằng tốt nghiệp đại học, trung học phổ thông, hay thậm chí là trung học cơ sở. Ông Tùng cho biết, Việt Nam mới chỉ có khoảng 7-8 trường học và trung tâm giáo dục dành riêng cho trẻ em khiếm thị, một con số khá khiêm tốn.

Để người khiếm thị tự ‘câu’ được nhiều ‘cá’ hơn ảnh 3
Một người khiếm thị đang xoa bóp, bấm huyệt cho khách tại cơ sở Hội người mù thành phố Đồng Xoài, tỉnh Bình Phước. (Ảnh: Hội người mù Việt Nam)

Theo Điều tra quốc gia về Người khuyết tật Việt Nam công bố năm 2019 bởi Tổng cục Thống kê và UNICEF, được thực hiện trên 35.442 hộ thuộc 63 tỉnh thành trên cả nước, khoảng 55% người được hỏi trên cả nước không muốn thuê lao động là người khuyết tật.

Thiếu cơ hội việc làm cũng ảnh hưởng tới hiệu quả của các lớp học nghề, khi “nhiều người khiếm thị tham gia chưa nghiêm túc, bởi nghĩ học xong cũng chả dùng được,” theo lời chị Đỗ Thuý Hà - Chủ tịch HNM quận Đống Đa.

Để người khiếm thị tự ‘câu’ được nhiều ‘cá’ hơn ảnh 4
Một lớp đào tạo công nghệ thông tin trực tuyến cho người khiếm thị do Hội Người mù Việt Nam tổ chức. (Ảnh: Hội người mù Việt Nam)

Nguyên nhân cuối cùng đến từ sự giúp đỡ, bao bọc quá mức của một phần xã hội, làm triệt tiêu động lực phấn đấu của người khiếm thị. Theo lời ông Tùng, người khiếm thị tại một số tỉnh thành phía Nam thường được cộng đồng hỗ trợ khá nhiều, “có đơn vị 1 tuần nhận quà tới 2-3 lần”. Vì vậy, một số người khiếm thị bằng lòng với cuộc sống hiện tại, không còn muốn đi học hay làm việc. Trong trường hợp này, lòng tốt được cho đi không đúng cách đã trở thành thứ kìm hãm sự phát triển của người khiếm thị.

Cho “cần câu” cũng phải đúng cách

Ông Đinh Thanh Tùng khẳng định, giáo dục đào tạo là vấn đề tiên quyết cần cải thiện để nâng cao thu nhập cho người khiếm thị.

Theo Điều tra quốc gia về Người khuyết tật Việt Nam, có tới 72,3% trường tiểu học và THCS tại Việt Nam cho rằng, “thiếu giáo viên có trình độ, chuyên môn và kĩ năng giảng dạy trẻ khuyết tật” là lý do khiến họ gặp khó khăn công tác giáo dục trẻ em khiếm thị nói riêng và khuyết tật nói chung.

Vì vậy, chất lượng đào tạo cho người khiếm thị cần phải được nâng cao, với sự sự tham gia của các chuyên gia về công tác xã hội (CTXH) và nhân viên CTXH vào việc giảng dạy.

Để người khiếm thị tự ‘câu’ được nhiều ‘cá’ hơn ảnh 5
Người khiếm thị tại một lớp đào tạo tin học. (Ảnh: Hội Tin học TP HCM)

“Trình độ học vấn phải cao, thì mới kiếm được công việc tốt,” ông Tùng cho biết.

Bên cạnh đó, ngoài trách nhiệm xã hội của các doanh nghiệp, các hội người mù cũng cần chủ động tìm kiếm các cơ hội việc làm cho người khiếm thị tại địa phương, bà Đinh Việt Anh bổ sung.

Ngoài ra, từ thiện cũng là vấn đề cần xem xét lại. Cụ thể, hình thức viện trợ nhân đạo nên dần được thay thế bằng việc nâng cao năng lực và phát triển hành vi xã hội cho người khiếm thị, ví dụ như hỗ trợ công tác giáo dục - đào tạo; giúp các doanh nghiệp xây dựng môi trường làm việc phù hợp cho người khiếm thị; hay hỗ trợ người khiếm thị vay vốn ưu đãi để làm ăn.

Cuối cùng, bản thân người khiếm thị cũng cần phải cố gắng, nỗ lực nhiều hơn để “đổi đời”. Trong việc này, sự truyền thông bên trong cộng đồng người khiếm thị đóng vai trò rất quan trọng. Ông Tùng đề xuất, một số người khiếm thị có thành tích nổi bật như chị Hà, anh Vân… có thể làm những diễn giả truyền cảm hứng cho cộng đồng của mình.

Để người khiếm thị tự ‘câu’ được nhiều ‘cá’ hơn ảnh 6
Với những thành tích nổi bật của mình, anh Vân có thể làm một diễn giả trong cộng đồng người khiếm thị. (Ảnh: Nhân vật cung cấp)

Giúp người khiếm thị tại Việt Nam nâng cao mặt bằng thu nhập và vị thế xã hội không phải việc đơn giản. Nhưng nếu chính quyền, doanh nghiệp, cộng đồng và cả người khiếm thị đều nỗ lực nhiều hơn, thì bài toán về chiếc “cần câu” sẽ được giải quyết trọn vẹn.

TIN LIÊN QUAN
Thiếu tá Hà Thanh thuyết minh phòng truyền thống cho các chiến sĩ mới.
Không phải cứ cầm súng mới là chiến đấu
(Ngày Nay) - Là một người vợ, một người mẹ nhưng trên hết là một người con của Tổ quốc, những nữ quân nhân luôn xứng đáng được tôn vinh với sự hi sinh cao cả cho sự nghiệp bền vững của dân tộc. Hơn 15 năm công tác tại quân đội, Thiếu tá Đinh Thị Hà Thanh luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ của mình, tỏa sáng với phẩm chất “Anh hùng - bất khuất - trung hậu - đảm đang”.
Ta đi theo ánh lửa từ trái tim mình...
Ta đi theo ánh lửa từ trái tim mình...
(Ngày Nay) - Tròn 80 năm xây dựng, chiến đấu và trưởng thành, dưới sự lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt của Đảng, Quân đội nhân dân Việt Nam cùng với toàn dân đã lập nên những chiến công vĩ đại trong sự nghiệp giải phóng dân tộc, bảo vệ Tổ quốc.
Quân đội Ukraine thiếu hụt nhân lực nghiêm trọng
Quân đội Ukraine thiếu hụt nhân lực nghiêm trọng
(Ngày Nay) - Vào một buổi chiều giá lạnh gần đây tại thành phố Kovel, miền Tây Ukraine, một người đàn ông tóc bạc, mặc quân phục chuẩn bị lên tàu. Vài phút sau, tàu rời ga trong một hành trình dài về phía Đông đất nước, hướng đến tiền tuyến trong cuộc chiến với Nga.
Ảnh minh hoạ.
Nga phát triển phương pháp mới chống bệnh huyết khối
(Ngày Nay) - Các nhà khoa học thuộc Đại học Vật lý và Công nghệ Moskva và Trung tâm Khoa học Lâm sàng Liên bang về Y học Hóa lý mang tên Lopukhin trực thuộc Cơ quan Y Sinh Liên bang của Nga đã phát triển một phương pháp mới để phân tích các hoạt chất sinh học có tác dụng trong việc tìm kiếm thuốc chống đông máu - những chất ngăn chặn hình thành cục máu đông.
Tiết mục biểu diễn văn nghệ của các thành viên Tổ chức Giao lưu Văn hóa Việt Nam-Australia (VACEO). Ảnh: Lê Đạt/PV TTXVN tại Australia.
2024 là năm "bội thu" của ngoại giao văn hóa Việt Nam
(Ngày Nay) - Trao đổi văn học nghệ thuật, trao đổi văn hóa du lịch, giao lưu thể thao, trao đổi học thuật, trao đổi triển lãm và các hoạt động văn hóa khác là những biểu hiện chính của ngoại giao văn hóa.
“Việt Nam là bạn…”
“Việt Nam là bạn…”
(Ngày Nay) - Không chỉ bảo vệ vững chắc Tổ quốc, Quân đội nhân dân Việt Nam còn cử lực lượng tham gia hoạt động Gìn giữ Hòa bình Liên Hợp Quốc tại các quốc gia và khu vực đói nghèo, có xung đột vũ trang tại Châu Phi. Cùng với đó, bộ đội ta cũng từng lên đường hỗ trợ Thổ Nhĩ Kỳ khắc phục hậu quả động đất… Tại sao phải cử bộ đội đi lo những chuyện “thiên hạ”? Đó có phải là những việc làm phù phiếm và viển vông?