Từng theo học ngành sư phạm, Võ Cẩm Giang (27 tuổi) cho biết cô thường xuyên mở các lớp dạy thanh nhạc tại nhà, kết hợp với bán hàng online để trang trải cuộc sống.
Cô gái đến từ Quảng Ngãi cho biết cơ hội việc làm dành cho người khiếm thị là không nhiều, lại không có thu nhập ổn định. Đầu năm 2020, Cẩm Giang được giới thiệu về công việc dán nhãn dữ liệu qua dự án INLAB, đơn giản là thu âm giọng nói thành văn bản hoặc soạn thảo văn bản từ âm thanh.
Chỉ cần một chiếc tai nghe và một máy tính, Võ Cẩm Giang có thể hoàn thành tốt công việc dán nhãn dữ liệu. |
Nhờ có khả năng thao tác tốt các thiết bị điện tử như máy tính và điện thoại, Cẩm Giang không mất quá lâu để làm chủ công cụ dán nhãn dữ liệu. Giang là một trong những học viên đầu tiên tham gia dự án đào tạo của INLAB, kết thúc khóa học cô rất mong chờ được trực tiếp làm việc để xem khả năng của mình tới đâu.
Không phải đợi lâu, Giang cùng hơn 20 người khác nhận được các đơn hàng đầu tiên từ Công ty Phenikaa Smart Solutions và Nhóm nghiên cứu AI Solutions của Học viện Kỹ thuật Quân sự.
Ông Phan Việt Anh – trưởng nhóm nghiên cứu AI Solutions, cho biết công việc dán nhãn dữ liệu của người khiếm thị gồm 2 gói. Gói 1 yêu cầu người khiếm thị nghe âm thanh và gõ lại thành văn bản. Gói 2 yêu cầu người khiếm thị sẽ đọc một đoạn văn bản được cho sẵn, sau đó thu âm lại thành dữ liệu âm thanh. Trong vòng 3 tuần, Cẩm Giang và các đồng nghiệp đã hoàn thành xong 3.000 file dữ liệu chuyển từ văn bản sang âm thanh.
Theo ông Việt Anh, sau khi hoàn thành 2 gói dữ liệu, nhóm nghiên cứu nhận thấy chất lượng sản phẩm của người khiếm thị gần như không khác của người thường. Họ đã tập và thử lại nhiều lần để có giọng đọc tự nhiên, trôi chảy, đảm bảo chất lượng theo yêu cầu. Điểm khác biệt duy nhất đó là người khiếm thị mất thêm một vài nhịp để thao tác nên họ bắt đầu và dừng các lệnh đọc chậm hơn một chút.
“Về việc thanh toán, chúng tôi tính theo giờ dữ liệu và trả công như những lao động thông thường”, ông Việt Anh cho biết. “Sau khi tiếp nhận sản phẩm của người khiếm thị, chúng tôi thấy rằng đây là một nguồn lao động có tiềm năng lớn trong xã hội, nhiều người làm việc với tinh thần trách nhiệm rất cao, vấn đề là chúng ta tìm được nguồn công việc phù hợp với họ”.
Anh Vũ Anh Dũng, Phó Chủ tịch Hội người mù huyện Thái Thụy (tỉnh Thái Bình), cho biết những ngày đầu mới làm, mọi người có thao tác hơi chậm do chưa kịp chuẩn bị. Sang đến những đợt sau, khi đã có đủ thiết bị và không gian làm việc thích hợp, việc xử lý 1.000 file dữ liệu trong 1 tuần không thành vấn đề.
Những đồng lương đầu tiên từ công việc dán nhãn dữ liệu có ý nghĩa rất lớn đối với anh Võ Anh Dũng. |
“Trong thời buổi dịch bệnh như hiện tại, người khiếm thị không phải lúc nào cũng có việc làm ổn định. Tôi mừng rơi nước mắt khi nhận được những đồng tiền đầu tiên từ công việc dán nhãn này, dù không nhiều nhưng cũng đủ để mua sữa cho con”, anh Dũng chia sẻ.
Còn theo Cẩm Giang, cô và các đồng nghiệp là những người tiên phong trong cộng đồng khiếm thị làm công việc dán nhãn dữ liệu. “Nếu lần này chúng tôi làm tốt và tạo ấn tượng cho các doanh nghiệp thì về sau các anh chị em khiếm thị khác sẽ có cơ hội kiếm thêm thu nhập để trang trải cuộc sống hàng ngày. Tôi mong sẽ có thêm nhiều đơn vị tin tưởng vào cộng đồng người khiếm thị và tạo thêm việc làm cho chúng tôi”.
Niềm tin cũng là thứ mà anh Việt Anh cho rằng cộng đồng, các doanh nghiệp còn thiếu khi đánh giá về khả năng của người khiếm thị.
“Bản thân tôi lúc đầu cũng không tin người khiếm thị có thể thao túc thành thục trên thiết bị di động và đảm nhận được công việc dán nhãn. Chỉ khi trực tiếp làm việc, tôi mới nhận ra tiềm năng rất lớn từ cộng đồng người khiếm thị trong lĩnh vực công nghệ”, Anh Việt Anh khẳng định.
“Hiện tại, trên cả nước có khoảng 9.000 người khiếm thị biết sử dụng máy vi tính và điện thoại thông minh, trong đó có khoảng 7.000 sử dụng thành tạo. Công nghệ thông tin là phương tiện hết sức hữu hiệu giúp người khiếm thị sinh hoạt, học tập, làm việc thuận lợi, nhanh chóng và hiệu quả hơn”, ông Phạm Viết Thu, Chủ tịch Hội Người mù Việt Nam, cho biết.