Kết thân với người khiếm thị được gì?

0:00 / 0:00
0:00

(Ngày Nay) - Không nói chuyện hơn thua, một nhóm người trẻ mắt sáng ở Hà Nội đã đến gần cộng đồng khiếm thị, kết bạn với họ, cùng họ trải nghiệm bóng tối, cùng chơi, trò chuyện, cùng tham gia các hoạt động xã hội… Các tình nguyện viên của Dự án The Eyes Project đã kiên nhẫn thực hiện suốt 2 tháng qua với mong muốn hiểu hơn về người khiếm thị, xóa dần khoảng cách giữa người mắt sáng và người khiếm thị.

Những điều chưa bao giờ

“Khiếm thị là người mù?”, “Người khiếm thị liệu có kém cỏi hơn người bình thường?”, “Người khiếm thị hòa nhập cuộc sống như thế nào?”, “Người khiếm thị muốn có một tình yêu với một người khiếm thị hay một người mắt sáng? Nếu có một phép màu, người khiếm thị có ước mình có một đôi mắt sáng hay không?… Tất cả những câu hỏi ấy, nếu chưa bao giờ tiếp xúc với người khiếm thị, rất ít người có câu trả lời.

Hai tháng qua, một hành trình dài với 68 ngày dành cho 17 cặp đôi kết nối người mắt sáng và người khiếm thị đã qua đi với 4 chuỗi sự kiện đầy yêu thương trong dự án The EYES Project. Rất nhiều bạn trẻ đi từ tò mò đến ngạc nhiên, bất ngờ, thậm chí phá vỡ hoàn toàn những định kiến về người khiếm thị sau những trải nghiệm thực tế trong dự án.

Kết thân với người khiếm thị được gì? ảnh 1

Đôi bạn Trần Phương Mai Đào Xuân Trung

Nguyễn Tuấn Anh - sinh viên khoa Phát thanh truyền hình K36, Học viện Báo chí và tuyên truyền làm bạn với Khương Bích Hằng cũng chừng ấy thời gian diễn ra dự án. Trước kia, khi chưa tiếp xúc với người khiếm thị, Tuấn Anh luôn mặc định người khiếm thị khó tiếp cận, khó mở lời nói chuyện, họ rất rụt rè. Nhưng sau 2 tháng, hình ảnh cũ kỹ về những người khiếm thị khép kín, lúc nào cũng dò dẫm với cây gậy trên đường bị xóa nhòa trong cậu. Cậu thấy một hình ảnh hoàn toàn khác về người khiếm thị: “Chị Hằng đọc tài liệu chữ nổi nhanh vô cùng. Đi lại trong trường thậm chí nhanh nhẹn hơn cả người mắt sáng. Ăn ngoài hàng cũng không có gì khác biệt, chỉ cần giới thiệu các món ăn trên bàn cho chị ấy, chị ấy sẽ tự dùng bữa một cách chuẩn xác và vô cùng ngay ngắn. Đặc biệt, tôi ấn tượng với cộng đồng người khiếm thị vì họ rất tâm lý, tinh tế hơn người bình thường”.

Với Trần Phương Mai (sinh viên năm hai ĐH Ngoại thương), khi được kết bạn với Đào Xuân Trung, một sinh viên khiếm thị đang học năm nhất, khoa Công tác xã hội, ĐH KHXH&NV Hà Nội, Mai thấy mình học được quá nhiều điều từ anh bạn hơn mình 4 tuổi này. Mai bảo: “Chưa bao giờ tôi thử nói chuyện với một người khiếm thị, tôi luôn nghĩ chắc họ gặp khó khăn lắm, vất vả lắm mới có thể sinh hoạt đời thường. Hóa ra không phải. Anh ấy nhớ giọng mình và nhận ra mình rất siêu, có thể phân biệt được các loại sách, các loại tiền mặc dù không nhìn thấy chúng, rồi sử dụng điện thoại nhanh lắm, các ứng dụng Zalo, Facebook thành thạo như người bình thường. Đặc biệt nhất là anh ấy rất tự tin, điều mà ngay cả một sinh viên mắt sáng như tôi có lẽ không tự tin bằng”.

Đáp lại người bạn đồng hành suốt 2 tháng qua bên mình, Đào Xuân Trung bẽn lẽn cười, có lẽ đây là lần đầu tiên Mai được tiếp xúc với người khiếm thị nên hơi “choáng ngợp” các khả năng của người đối diện, chứ những điều ấy, người khiếm thị tự làm rất đỗi bình thường.

Kết thân với người khiếm thị được gì? ảnh 2

Đôi bạn Nguyễn Tuấn Anh và Khương Bích Hằng

Không thử sao biết

Trải nghiệm kết bạn với người khiếm thị không chỉ khiến những bạn trẻ mắt sáng “vỡ” được nhiều điều, mà ngược lại, các bạn trẻ khiếm thị cũng là những người “hưởng lợi”.

Đào Xuân Trung hóm hỉnh: “Nói chuyện với các bạn mắt sáng, cảm giác như được các bạn truyền lửa đến mình. Nghe các bạn nói chuyện về ước mơ, về dự định tương lai, mình cũng tự nhiên muốn mơ ước. Trước kia mình không nghĩ mình sẽ là sinh viên ở một trường đại học bình thường đâu, nhưng chính các bạn mắt sáng cùng trường Nguyễn Đình Chiểu đã thổi động lực, thổi ước mơ vào mình, để mình cố gắng thực hiện đến cùng”. Trong những ước mơ ấy, Trung bảo, nếu có phép màu, Trung ước mình mắt sáng, để khám phá nhiều hơn, đọc được nhiều sách hơn, học hỏi nhiều hơn.

Kết thân với người khiếm thị được gì? ảnh 3

Đôi bạn Phương Mai và Hồ Minh Quang

Với Hồ Minh Quang - sinh viên khiếm thị khoa Ngôn ngữ, ĐH Hà Nội, được kết bạn với Đinh Trần Phương Mai là một trải nghiệm quý giá để Quang được học hỏi, được quan tâm và thể hiện tình cảm của người khiếm thị với người mắt sáng. Biết Mai thích vẽ, Trung đã lặng lẽ mua tặng Mai một hộp bút màu để cô có thể nuôi dưỡng sở thích của mình. Hành động ấy của Quang khiến Mai lặng người xúc động, những tình cảm giản dị và chân thành ấy, Mai được nhận lần đầu, từ một người khiếm thị. “Với người mắt sáng, nhiều khi tôi không thể cảm nhận được sự chân thành đó, Người khiếm thị mộc mạc, tâm lý và rất khéo léo” - Mai nói .

Quãng thời gian 3 tháng tuy không dài cũng chẳng ngắn nhưng tất cả các cặp đôi tham gia trải nghiệm đã có thật nhiều kỷ niệm, họ cùng nhau đi ăn, cùng nhau đi chơi loanh quanh Hà Nội. Những hoạt động ấy khiến phía mắt sáng nhận ra, người khiếm thị cũng như bao người khác, tài năng và giỏi giang chẳng kém gì những người mắt sáng...

Cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump (trái) và Phó Tổng thống Kamala Harris đang chạy đua với thời gian. Ảnh: ABC.
Cuộc đua sít sao trước thềm ngày bầu cử Mỹ
(Ngày Nay) - Trước thềm ngày bầu cử Tổng thống Mỹ 2024 (5/11), hai ứng cử viên của đảng Dân chủ và đảng Cộng hòa đang chạy đua với thời gian nhằm kêu gọi sự ủng hộ của các nhóm cử tri chưa đưa ra quyết định, trong bối cảnh cuộc đua vào Nhà Trắng vẫn rất sít sao.
Khai thác chất liệu truyền thống dân tộc: Xu hướng sáng tác của nghệ thuật múa đương đại
Khai thác chất liệu truyền thống dân tộc: Xu hướng sáng tác của nghệ thuật múa đương đại
(Ngày Nay) - Cùng với các loại hình nghệ thuật khác, nghệ thuật múa Việt Nam đang tạo dấu ấn với công chúng trong việc khai thác những chất liệu truyền thống vào các tác phẩm, vừa giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc, vừa mang hơi thở cuộc sống đương đại vào các tác phẩm, tạo nên bản sắc của múa Việt trước thế giới.