Đề xuất giải pháp gỡ khó cho mô hình sản xuất '3 tại chỗ'

0:00 / 0:00
0:00
(Ngày Nay) - Những đề xuất của cộng đồng doanh nghiệp về chỉnh sửa mô hình "3 tại chỗ", "1 cung đường, 2 điểm đến" để phù hợp hơn với thực tế vừa được Cục Công nghiệp (Bộ Công Thương) gửi Bộ Y tế ngày 7/8. 
Một góc nghỉ ngơi sau giờ làm tại Công ty Trách nhiệm hữu hạn Điện tử Foster (Việt Nam) chuyên sản xuất linh kiện điện tử có vốn đầu tư nước ngoài đóng nhà máy tại đường số 5, khu công nghiệp Việt Nam –Singapore II (Phường Hòa Phú, thành phố Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương) thực hiện "3 tại chỗ" cho 700 người lao động. Ảnh: TTXVN
Một góc nghỉ ngơi sau giờ làm tại Công ty Trách nhiệm hữu hạn Điện tử Foster (Việt Nam) chuyên sản xuất linh kiện điện tử có vốn đầu tư nước ngoài đóng nhà máy tại đường số 5, khu công nghiệp Việt Nam –Singapore II (Phường Hòa Phú, thành phố Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương) thực hiện "3 tại chỗ" cho 700 người lao động. Ảnh: TTXVN

Một trong những đề nghị là nên bổ sung quy định cho phép người lao động được về nhà. Điều kiện là doanh nghiệp sẽ cam kết với chính quyền, còn người lao động cam kết với doanh nghiệp về di chuyển bằng phương tiện cá nhân giữa nơi ở của gia đình và cơ sở sản xuất, kinh doanh. Ở đây, các biện pháp đảm bảo an toàn phòng dịch được đưa ra tương tự trường hợp F1 tự cách ly tại gia đình và di chuyển theo tuyến cố định, không dừng đỗ dọc đường.

Để người lao động yên tâm đăng ký tham gia "3 tại chỗ", Cục Công nghiệp cho biết, doanh nghiệp muốn bổ sung quy định cho phép người lao động có thể dừng tham gia "3 tại chỗ" giữa chừng và trở về nơi cư trú.

Quan trọng hơn, doanh nghiệp đề nghị cơ quan chức năng hướng dẫn các địa phương xây dựng các kịch bản, lộ trình phục hồi sản xuất tương ứng với các kịch bản diễn biến của dịch bệnh, để các doanh nghiệp có kế hoạch bố trí sản xuất phù hợp.

Trường hợp nhà máy có F0, F1 thì y tế địa phương cần phối hợp để tách các ca bệnh ra khỏi môi trường làm việc; đánh giá từng nhóm lao động đưa vào khu riêng biệt theo từng dây chuyền hoặc phân xưởng... để đảm bảo tiếp tục duy trì sản xuất kinh doanh.

Liên quan tới xét nghiệm Covid-19, cộng đồng doanh nghiệp kiến nghị Bộ Y tế đưa ra quy định chuẩn về xét nghiệm cộng gộp định kỳ, lấy mẫu trực tiếp tại doanh nghiệp để giúp họ giảm chi phí, thời gian.

Nhà chức trách cũng cần đưa ra điều kiện để cho phép doanh nghiệp được hoạt động trở lại tương ứng với các kịch bản khác nhau, chẳng hạn hoạt động 30%, 50%, 70% cho tới 100% công suất như trước thời điểm diễn ra dịch bệnh. Điều kiện hoạt động theo từng kịch bản sẽ tuỳ thuộc vào mức độ đảm bảo an toàn của doanh nghiệp để có kế hoạch bố trí lao động, nguồn lực sản xuất thích hợp.

Với trường hợp các địa phương muốn dừng hoạt động sản xuất trên quy mô lớn trong phạm vi toàn bộ khu, cụm công nghiệp thì phải báo cáo Tổ công tác đặc biệt của Chính phủ và Trưởng ban chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch Covid-19 xem xét, quyết định. Việc này tránh tình trạng khi thấy có một số bất cập xảy ra, thay vì tìm giải pháp tháo gỡ, hỗ trợ, các tỉnh lại ra quy định dừng thực hiện "3 tại chỗ", làm ảnh hưởng nghiêm trọng tới doanh nghiệp thực hiện tốt.

Trước đó, mô hình "3 tại chỗ" được nhiều doanh nghiệp cho rằng đang khiến họ rơi vào thế khó. Nhiều doanh nghiệp phía Nam cho biết, thực hiện "3 tại chỗ" khiến họ phải gánh quá nhiều chi phí, như xét nghiệm hàng tuần, trang bị điều kiện cho công nhân ăn, ngủ, làm việc tại nhà máy tăng 50-100%, trả thêm lương công nhân ở lại nhà máy tăng 30-50%, trả lương và chi phí hỗ trợ người lao động nghỉ việc...

"3 tại chỗ" chỉ là biện pháp tình thế tạm thời và chỉ có thể kéo dài từ 2-3 tuần với doanh nghiệp vừa và nhỏ. Còn doanh nghiệp lớn thì tối đa 4-5 tuần khi duy trì mô hình sản xuất này", bà Lý Kim Chi - Chủ tịch Hội Lương thực TP HCM chia sẻ tại cuộc họp VCCI và cộng đồng doanh nghiệp giữa tuần này.

Trong khi đó, VASEP cho biết, có tới 70% doanh nghiệp thuỷ sản dừng hoạt động vì không đáp ứng được sản xuất "3 tại chỗ" sau một thời gian thực hiện.

Đại diện các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài tại Việt Nam như Amcham hay EuroCham cũng đều nêu những bất cập của mô hình "ăn, ở, ngủ" tại chỗ này. Ông Nguyễn Hải Minh - Phó chủ tịch EuroCham cho biết, khảo sát nhanh các doanh nghiệp thành viên của EuroCham thì chỉ hơn 30% người lao động đồng ý làm việc theo "3 tại chỗ".

Mặt khác, mỗi tỉnh áp dụng các biện pháp phòng dịch khác nhau, quy định không thống nhất khiến doanh nghiệp khó khăn vô cùng. "Doanh nghiệp trong nước đã khó, doanh nghiệp nước ngoài họ cũng hoang mang, không hiểu điều gì đang xảy ra", ông Minh nói và nhấn mạnh, nguy cơ đứt gãy chuỗi cung ứng trong nước, quốc tế là "nỗi lo lớn nhất lúc này".

"Gỡ khó" cho các doanh nghiệp đang cố gắng duy trì sản xuất trong dịch bệnh, theo đại diện AmCham tại Hà Nội, Chính phủ cần đưa ra giải pháp, chiến lược chung để doanh nghiệp sống chung với dịch, bởi chưa biết khi nào Covid-19 kết thúc.

"Khi y tế đã điều chỉnh phương án phòng ngừa, điều trị Covid-19, thì sản xuất kinh doanh cũng cần điều chỉnh theo để thích ứng với tình hình. Việc này giúp Chính phủ, doanh nghiệp giành thế chủ động trước Covid-19", vị đại diện AmCham tại Hà Nội chia sẻ.

Cùng đó, đẩy nhanh việc tiêm vaccine cho người lao động tại các khu công nghiệp, sản xuất, xuất khẩu (dệt may, da giày, chế biến nông sản, thực phẩm...) cũng là ưu tiên được nhắc tới. Bộ Công Thương đề xuất cho phép các cơ sở y tế triển khai tiêm chủng có thu phí, do doanh nghiệp, cá nhân chi trả dưới sự hướng dẫn và giám sát về chuyên môn của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền.

Bên cạnh đó, bố trí tổ chức tiêm tại chỗ với các cơ sở sản xuất, doanh nghiệp có đủ điều kiện về y tế nhằm giảm tải cho các cơ sở y tế, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp trong tổ chức tiêm phòng cho người lao động. Đẩy nhanh ứng dụng công nghệ trong triển khai tiêm chủng, khai báo y tế, xét nghiệm... nhằm tiết kiệm thời gian và chi phí cho doanh nghiệp, tránh việc tập trung đông người gây mất an toàn phòng dịc

Trường hợp các hiệp hội, doanh nghiệp đã liên hệ và tìm được nguồn cung vaccine từ nước ngoài, Bộ Công Thương đề nghị Bộ Y tế khẩn trương báo cáo Chính phủ, đại diện cho cộng đồng doanh nghiệp ký kết các hợp đồng cung ứng vaccine để giúp họ sớm tiếp cận trong thời gian ngắn nhất.

Ảnh minh họa
WHO ra mắt mạng lưới toàn cầu mới giám sát virus corona
(Ngày Nay) -  Ngày 27/3, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã ra mắt mạng lưới toàn cầu mới về virus corona CoViNet để phát hiện, theo dõi và đánh giá sớm cũng như chính xác các virus SARS-CoV-2, MERS-CoV và các chủng virus corona mới đe dọa nghiêm trọng sức khỏe cộng đồng.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Phạm Thu Hằng
Việt Nam hoan nghênh Nghị quyết về việc ngừng bắn tại Dải Gaza
(Ngày Nay) - Ngày 27/3, trả lời câu hỏi của phóng viên đề nghị cho biết phản ứng của Việt Nam trước việc Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc thông qua Nghị quyết 2728 về việc ngừng bắn tại Dải Gaza, Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Phạm Thu Hằng khẳng định:
Ảnh minh họa
Giả danh cán bộ, công chức Sở Thông tin và Truyền thông để lừa đảo
(Ngày Nay) -  Ngày 28/3, ông Bùi Thanh Toàn, Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Bạc Liêu cho biết, thời gian qua, Sở liên tục nhận được phản ánh có dấu hiệu lừa đảo khi một số đối tượng giả danh cán bộ, công chức Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Bạc Liêu gọi điện cho cán bộ lãnh đạo của một số sở, ngành, địa phương và người dân.