Hành trình ra rạp gian nan
“Ròm” kể câu chuyện về cuộc sống của những người dân lao động tại một tòa chung cư cũ đang chờ giải tỏa. Người dân nơi đây bấu víu lấy bộ môn chơi số đề với hy vọng kiếm được một khoản tiền lớn để đổi đời. Xuyên suốt hành trình của phim những cuộc rượt đuổi của cậu bé lang thang Ròm để tồn tại và tìm hạnh phúc cho riêng mình.
Dù mới chỉ là tác phẩm đầu tay, nhưng đạo diễn Trần Thanh Huy đã không ngần ngại đi vào những góc khuất của nạn chơi số đề trong xã hội Việt Nam.
Để có được tiếng vang như hôm nay, ê-kíp sản xuất của "Ròm" đã phải trải qua một hành trình đầy gian nan mà bất kỳ nhà làm phim độc lập nào tại Việt Nam cũng phải trải qua. Chia sẻ về quá trình làm phim, Trần Thanh Huy cho biết anh và các cộng sự đã phải mất 8 năm để sản xuất, đi kèm là 27 bản dựng và 89 ngày quay.
Đạo diễn Trần Thanh Huy (trái) cùng hai diễn viên Trần Anh Khoa (giữa) và Anh Tú Wilson (phải). |
Theo chia sẻ của Trần Thanh Huy, tháng 6/2016, anh cùng các cộng sự đã gõ cửa nhà quay phim Nguyễn Trinh Hoan và công ty HKFilm để xin tài trợ làm phim "Ròm" với tâm thế nếu không được chấp thuận vẫn sẽ quyết định làm, bất chấp sự ngăn cản của các bên.“Cứ mỗi lần hết tiền chúng tôi lại phải đi thuyết phục các nhà đầu tư, chúng tôi lại phải tiếp tục con đường chứng minh rằng phim sẽ tốt” - Huy chia sẻ.
Sau nhiều “biến cố”, “Ròm” được trình chiếu tại Liên hoan phim quốc tế Busan và giành giải thưởng ở hạng mục Xu hướng mới (trao giải cho hai tác phẩm là phim đầu tay hoặc phim thứ hai của các đạo diễn châu Á mới).
Tháng 4/2020, “Ròm” chính thức được cơ quan quản lý trong nước cấp phép phát hành ra rạp. “Có được một giải thưởng lớn tại một Liên hoan phim quốc tế mang đến cho tôi rất nhiều cảm xúc lẫn lộn. Còn riêng việc ‘Ròm’ được lên màn ảnh rộng ở Việt Nam thì đó là một cảm xúc rất lạ. Thời điểm phim dính án phạt và thông tin có thể bị cấm chiếu, tôi rất buồn. Nhưng tôi thừa nhận những thiếu sót của mình nên việc bị phạt thì phải chấp nhận thôi, nhưng hiện tại tôi vui sướng lắm, vì sau 8 năm dài, ‘Ròm’ cũng được công nhận tại Việt Nam" - đạo diễn Trần Thanh Huy xúc động.
Lối đi nào cho các nhà làm phim độc lập?
Theo ông Nguyễn Hoàng Phương – quản lý Trung tâm Hỗ trợ phát triển tài năng điện ảnh Việt Nam, công thức cho các nhà làm phim độc lập đó là đi lên từ các phim ngắn xuất sắc đến các tác phẩm thương mại. Đây cũng là con đường mà nhiều nhà làm phim độc lập của Việt Nam từng trải qua như Phan Đăng Di, Lê Hoàng Điệp, Trịnh Đình Lê Minh hay mới đây là Trần Thanh Huy.
“Ngày nay, chỉ với một chiếc điện thoại, các bạn trẻ có thể tự sản xuất ra một tác phẩm điện ảnh” - ông Hoàng Phương nói. “Các nhà làm phim trẻ hiện nay có Internet, họ có mạng lưới kết nối (networking), các buổi hội thảo cùng khả năng ngoại ngữ vượt trội”.
Huy Anh – một nhà làm phim trẻ cho rằng lợi thế hiện nay của các nhà làm phim độc lập đó là công nghệ và cơ hội được tiếp cận với các kiến thức đa dạng về điện ảnh. Chỉ với một chiếc điện thoại, các bạn trẻ đã có thể thỏa sức sáng tạo và cho ra đời các tác phẩm điện ảnh.
“Việt Nam hiện nay cũng là một trong những nước đang được nước ngoài đầu tư về điện ảnh. Rất nhiều các quỹ điện ảnh cũng đang bắt đầu được triển khai, đặc biệt là các quỹ dành cho phim ngắn”, Huy Anh cho biết.
Về thách thức, các nhà làm phim Việt Nam gặp sự cạnh tranh rất lớn từ các đồng nghiệp trong khu vực. Các nước trong khu vực như Philippines, Indonesia, Singapore sở hữu nền điện ảnh hết sức phát triển, do đó sự cạnh tranh để xin kinh phí từ các quỹ tài trợ là rất khốc liệt. Tại các quốc gia này, chính phủ luôn có các quỹ hỗ trợ dành cho các dự án điện ảnh để các nhà làm phim thiết lập mạng lưới networking, tổ chức các hội thảo, hưởng ưu đãi về thuế và suất chiếu.
Các nhà làm phim độc lập tại Việt Nam đều thành danh từ những phim ngắn trước khi được chọn đạo diễn những tác phẩm thương mại. |
Trong khi đó thị trường Đông Nam Á lại đang thu hút sự chú ý của các liên hoan phim lớn như Cannes, Berlin hay Busan, cho nên cơ hội xin tài trợ của các nhà làm phim độc lập là rất lớn.
Một vấn đề gây đau đầu khác đó chính là kinh phí sản xuất, làm phim độc lập luôn là một chặng đường chông gai, đặc biệt là với những người trẻ, khi phải tìm “bầu sữa” cho đứa con tinh thần của mình.
“Dù có không ít quỹ nước ngoài sẵn sàng tài trợ cho các nhà làm phim, nhưng việc xin được tiền vẫn hết sức khó khăn do các điều khoản đi kèm, và nếu có xin được thì cũng không phải là nhiều”, ông Hoàng Phương nói.
Muốn gửi tác phẩm đi tranh giải tại các liên hoan phim nước ngoài, nhà làm phim phải bỏ tiền để kiểm duyệt và xin giấy tờ cấp phép, thông thường để một bộ phim ngắn dài 10-15 phút được cấp phép, các nhà làm phim phải bỏ ra khoảng 1,6 triệu đồng. Đáng chú ý, các nhà làm phim không được tự mang phim đi kiểm duyệt mà cần phải thông qua một tổ chức, công ty có tư cách pháp nhân và chấp nhận chỉnh sửa nội dung nếu muốn được cấp phép.
“Đây là một cái vòng lẩn quẩn cho điện ảnh Việt Nam, khi các nhà làm phim ngại không muốn kiểm duyệt phim mà gửi thẳng lên các liên hoan phim quốc tế, đến khi phim đoạt giải thì về nước lại bị xử phạt. Điều này vô tình dập tắt các cơ hội cho cộng đồng làm phim trẻ Việt Nam” - ông Phương nói.