Đó là một trong những lo ngại được đưa ra tại “Hội thảo tăng cường đầu tư giữ vững thành quả, hướng tới loại trừ bệnh sốt rét ở Việt Nam” do Tổ chức Y tế thế giới phối hợp với Bộ Y tế tổ chức ngày 24/4 tại Hà Nội.
PGS.TS Trần Thanh Dương, Viện trưởng Viện Sốt rét- Ký sinh trùng- Côn trùng Trung ương cho biết: Thời gian gần đây Việt Nam không xảy ra dịch sốt rét, tỷ lệ mắc và tử vong do sốt rét liên tục giảm hàng năm. Cụ thể, tỷ lệ mắc sốt rét trên 1.000 dân năm 2017 so với năm 2013 giảm hơn 77%, số bệnh nhân sốt rét giảm hơn 76%, số ký sinh trùng sốt rét giảm 72,6%.
Tuy nhiên, hiện nay, tình hình bệnh sốt rét lại đang có nguy cơ quay lại tại một số tỉnh như: Bình Phước, Gia Lai, Khánh Hòa, Ninh Thuận, Đăk Lăk, Đăk Nông, Kon Tum, Quảng Nam, Quảng Bình, Quảng Trị… do có nhiều người mang ký sinh trùng sốt rét. Đây là nguyên nhân dễ khiến bệnh sốt rét có nguy cơ quay trở lại, gia tăng số mắc, số tử vong và có thể gây thành dịch.
Bên cạnh đó, theo Bộ Y tế, hiện vẫn còn những khó khăn trong phòng chống bệnh sốt rét như: Những kỹ thuật và đầu tư kinh phí cho phòng chống dịch vẫn còn hạn chế; các kết quả đạt được trong công tác phòng chống sốt rét ở Việt Nam chưa bền vững, nguy cơ sốt rét gia tăng vẫn còn rất cao ở nhiều địa phương. Hiện tình trạng di biến động dân giữa các vùng, hoạt động giao lưu qua biên giới với các nước có dịch sốt rét lưu hành rất cao; người dân có tập quán đi làm rừng, rẫy thường ngủ lại trong rừng nhưng không sử dụng màn tránh muỗi đốt; muỗi truyền bệnh sốt rét thay đổi tập tình, thường trú đậu và đốt người ở ngoài nhà làm gia tăng số lượng người có nguy cơ mang ký sinh trùng sốt rét. Đặc biệt ký sinh trùng sốt rét kháng thuốc điều trị sốt rét Artemisinin có nguy cơ lan rộng gây khó khăn trong điều trị bệnh.
Để tiến tới kiểm soát và loại trừ bệnh sốt rét, Bộ Y tế đề nghị các địa phương tiếp tục triển khai các biện pháp truyền thông để cộng đồng chủ động, tích cực tham gia vào các hoạt động phòng chống và loại trừ sốt rét tại địa phương; các địa phương phải đảm bảo thực hiện thường xuyên công tác giám sát, phát hiện, chẩn đoán sớm và điều trị kịp thời, quản lý ca bệnh, quản lý đối tượng dân di biến động, đặc biệt đối với người dân thường xuyên đi rừng, ngủ rẫy, người trở về từ các nước có sốt rét lưu hành; tăng cường phối hợp đa ngành trong công tác phòng chống sốt rét, nhất là tại các địa phương có sốt rét lưu hành. Bên cạnh đó, trong điều trị bệnh nhân sốt rét, các cơ sở y tế phải sử dụng đúng thuốc, đủ liều theo quy định của Bộ Y tế.