Quỹ Toàn cầu phòng, chống AIDS, Lao và Sốt rét là một trong 2 nhà tài trợ lớn cho chương trình phòng, chống HIV/AIDS của Việt Nam trong rất nhiều năm qua.
Tại Hội nghị, GS.TS Nguyễn Thanh Long, Thứ trưởng Bộ Y tế, nhấn mạnh, cùng với các dự án viện trợ không hoàn lại khác, Dự án Quỹ Toàn cầu phòng, chống HIV/AIDS đã giúp Việt Nam triển khai toàn diện chương trình phòng, chống HIV/AIDS. Dự án Quỹ Toàn cầu nhiều năm qua đóng góp tới 50% các dịch vụ kỹ thuật như các chương trình can thiệp giảm tác hại, điều trị ARV và tư vấn xét nghiệm HIV.
Trong giai đoạn vừa qua, Bộ Y tế đã cùng các địa phương triển khai có hiệu quả Dự án Quỹ Toàn cầu phòng, chống HIV/AIDS, được nhà tài trợ và các đoàn Thanh tra của Quỹ Toàn cầu đánh giá cao. Thứ trưởng cũng đánh giá cao sự nỗ lực của các địa phương trong những năm qua và mong rằng dự án tới sẽ tiếp tục phát huy và đạt được các cam kết đã đề ra góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu phòng, chống HIV/AIDS.
Trong khi các tổ chức quốc tế đã đang rút nhanh viện trợ cho các hoạt động phòng, chống HIV/AIDS thì Quỹ Toàn cầu phòng, chống AIDS, Lao và Sốt rét tiếp tục cam kết hỗ trợ Việt Nam trước mắt đến năm 2020 là hơn 53 triệu USD nhằm mục tiêu chung “Góp phần thực hiện mục tiêu Chiến lược quốc gia phòng, chống HIV/AIDS tại Việt Nam, khống chế tỷ lệ lây nhiễm HIV trong quần thể dân cư nói chung dưới 0,3% và giảm tác động của HIV/AIDS đối với phát triển kinh tế, xã hội”.
Dự án triển khai tại 32 tỉnh, thành phố có gánh nặng về HIV/AIDS cao gồm 30 tỉnh, thành phố đã triển khai Dự án giai đoạn 2012-2017 và 02 tỉnh mới tham gia dự án là Sóc Trăng và Cà Mau. Dự kiến hàng năm có khoảng 25.000 người được tiếp cận với các can thiệp dự phòng; khoảng 300.000 lượt người được xét nghiệm HIV và 51.000 người nhiễm HIV được điều trị ARV.
Thứ trưởng Nguyễn Thanh Long khẳng định: Đây là nguồn lực hết sức quan trọng cho chương trình phòng, chống HIV/AIDS giai đoạn tới vì các mục tiêu phòng, chống HIV/AIDS của Việt Nam đặt ra rất cao trong bối cảnh nguồn lực cho chương trình phòng, chống HIV/AIDS còn hạn chế. Do vậy, Thứ trưởng cũng yêu cầu các đơn vị triển khai dự án giai đoạn tới cần triển khai dự án một cách thông minh và hiệu quả. Trách nhiệm triển khai dự án tại các địa phương trước hết thuộc Giám đốc Sở Y tế.
Vì vậy trong Hội nghị này các đại biểu cần triển khai thật kỹ các biện pháp thực hiện dự án để khi về các địa phương triển khai ngay và đạt được các mục tiêu năm 2018 cũng như toàn giai đoạn 2018-2020.
Theo SKĐS